Thứ 3 | 13/07/2021
PhuthoPortal - 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đạt trên 82,35% (tăng 40,68% so với cùng kỳ); tỷ lệ TTHC giải quyết trực tuyến trên tổng số TTHC của các sở, ban, ngành đạt trên 55,65% so với tổng số TTHC tiếp nhận, đặc biệt tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến ở cấp huyện, xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Có được kết quả đó có vai trò mang tính quyết định của người đứng đầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Cán bộ VNPT hướng dẫn cán bộ cấp xã tại huyện Yên Lập sử dụng máy scan để xử lý hồ sơ DVCTT (Ảnh: Bùi Dũng)

Vào cuộc quyết liệt

Là huyện miền núi, song thời gian qua, Tân Sơn liên tục là địa phương dẫn đầu trên địa bàn tỉnh về tỷ lệ thực hiện DVCTT. Trước đây, khi mới bắt tay vào triển khai thực hiện, Tân Sơn cũng gặp không ít khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) còn chưa đồng bộ, sự hiểu biết của người dân về CNTT còn hạn chế. Tuy nhiên, với quan điểm "làm từ dễ đến khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm", lãnh đạo huyện đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ tốt nhất để người dân tiếp cận, sử dụng DVCTT.

Đồng chí Tạ Ngọc Yến - Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện thường xuyên quán triệt, đề cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị thuộc UBND huyện trong chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với đánh giá xếp loại các cơ quan, đơn vị hằng năm. Thường xuyên tổ chức họp giao ban trực tuyến hằng tháng với bộ phận một cửa cấp xã để nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh việc triển khai thực hiện. Ngoài ra, lãnh đạo huyện cũng yêu cầu bộ phận một cửa từ huyện đến xã bố trí, tăng cường cán bộ, công chức, viên chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến ngay từ những ngày đầu triển khai trên tinh thần vướng mắc ở đâu sẽ gỡ ở đó. Đây cũng chính là bước tạo niềm tin cho người dân khi tiếp cận với một phương thức giao dịch mới.

Việc triển khai DVCTT mức độ 3, 4 mặc dù không còn mới, song để người dân địa phương miền núi có thể tiếp cận, hình thành thói quen sử dụng dịch vụ này là điều không phải dễ dàng. "Trước thách thức này, chúng tôi đã thành lập Tổ công tác do đồng chí Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND làm trưởng bộ phận trực tiếp xuống các xã hỗ trợ "cầm tay chỉ việc". Quan điểm của huyện là luôn quan tâm, đồng hành để cán bộ công chức có thể tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến và hỗ trợ người dân tạo tài khoản và nộp hồ sơ một cách thành thạo" - đồng chí Nguyễn Tiến Như Khoa - Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện khẳng định.

Bằng sự chỉ đạo điều hành tích cực và kịp thời của lãnh đạo từ huyện đến xã, thời gian qua, đã có 2.681/3.244 TTHC của huyện được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến; trong đó có trên 30,5% hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận tại cấp xã.

Cán bộ xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba trao đổi, xử lý hồ sơ TTHC trên môi trường mạng

Không chỉ huyện Tân Sơn, Thanh Ba nhiều năm trước luôn đứng thứ hạng thấp về triển khai DVCTT, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chỉ đạt khoảng 5 - 10% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, Thanh Ba đã vươn lên là một trong những địa phương dẫn đầu về tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba Đỗ Xuân Hoàn cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai DVCTT ở cấp xã là thói quen và năng lực về CNTT của cán bộ còn hạn chế. Do đó, huyện đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp nhận, xử lý TTHC trên hệ thống Cổng DVCTT cho cán bộ, lãnh đạo cấp xã. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện mở tài khoản ngân hàng, triển khai biên lai điện tử và bố trí quầy thu phí, lệ phí tại Bộ phận Một cửa điện tử của UBND huyện, tạo điều kiện cho người dân thanh toán không dùng tiền mặt; quán triệt 100% các xã lựa chọn một số thủ tục đơn giản để hướng dẫn người dân tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra giám sát thường xuyên, đột xuất, qua đó kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân làm tốt, chấn chỉnh những tập thể làm chưa tốt.

Sự vào cuộc quyết liệt của Thanh Ba không chỉ được "lan tỏa" ở cấp huyện mà đến tận cấp xã và từng cán bộ, công chức. 19/19 xã, thị trấn đã kiện toàn Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở. Đồng chí Nguyễn Trường Thành - Chủ tịch UBND xã Khải Xuân cho biết: Để phục vụ người dân một cách tốt nhất, UBND xã đã vận dụng các nguồn lực để đầu tư 260 triệu đồng nâng cấp hệ thống một cửa, trong đó nguồn xã hội hóa là 30 triệu đồng. Cùng với việc đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất, xã đã sắp xếp, bố trí 10 cán bộ luân phiên trực tại bộ phận một cửa để tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Xã thường xuyên họp giao ban để quán triệt tới cán bộ công chức về tinh thần trách nhiệm, đánh giá việc làm tốt, việc chưa làm được, kịp thời khen thưởng những cán bộ làm tốt để tạo động lực cho cán bộ thực thi nhiệm vụ.

Tạo bứt phá từ người đứng đầu

Năm 2021, việc cung cấp DVCTT được lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với giao chỉ tiêu cụ thể, báo cáo đánh giá hằng tháng để tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành, thị triển khai quyết liệt, đồng bộ hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử; đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành và chữ ký số ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Sở cũng phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng cho cán bộ cấp huyện, xã về tiếp nhận, giải quyết TTHC qua DVCTT, sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành và chữ ký số trong giải quyết công việc. Đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở và Viễn thông Phú Thọ thường xuyên cử cán bộ theo dõi, hỗ trợ vận hành các hệ thống dùng chung của tỉnh, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đến từng huyện, xã.

Cán bộ huyện Yên Lập hỗ trợ người dân tạo tài khoản, điền thông tin nộp hồ sơ trực tuyến

Việc cung cấp DVCTT của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được người dân và doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao giúp giảm thời gian, chi phí đi lại; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến ở cấp huyện đạt 13,59% (năm 2020 là 0,7%); trong đó, tính riêng tháng 6/2021, tỷ lệ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến ở cấp huyện tăng lên 36,92% (do hoàn thiện triển khai thanh toán trực tuyến cấp huyện). Qua thực tế triển khai cho thấy, ở đâu người đứng đầu quan tâm, sâu sát, chỉ đạo quyết liệt thì ở đó tỷ lệ sử dụng DVCTT trong giải quyết TTHC luôn đạt ở mức cao. Tiêu biểu như: Huyện Thanh Ba (89,1%), huyện Tân Sơn (86,79%), huyện Hạ Hòa (77,58%)…

Ông Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: Quá trình triển khai thực hiện DVCTT đã được các cấp, ngành thể hiện quyết tâm cao với nhiều cách làm hay, sáng tạo, khoa học. Các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng phát huy vai trò của người đứng đầu, quan tâm chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ DVCTT của tỉnh những năm gần đây luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhất là ở cấp huyện, cấp xã.

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành thì vẫn còn những địa phương mặc dù có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội song việc triển khai thực hiện vẫn còn “dậm chân tại chỗ”. Nhiều địa phương có tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trực tuyến đạt thấp như: Lâm Thao, Phù Ninh, thành phố Việt Trì...

Để ngày càng có nhiều người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT, ngoài việc tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và nắm được cách thức thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu; đồng thời đề cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức trong việc hướng dẫn cho người dân khai thác, sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết TTHC.

Lệ Thủy
D
ẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com