Thứ 3 | 11/07/2023
PhuthoPortal - Sáng ngày 11/7/2023, Kỳ họp thứ Sáu - HĐND tỉnh khóa XIX bước vào phiên thảo luận tại hội trường tập trung t làm rõ tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Các đại biểu thảo luận bên lề Kỳ họp

Thảo luận về các giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, đại biểu Phùng Thanh Sơn - Tổ đại biểu khu vực huyện Hạ Hòa cho rằng: Lĩnh vực công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm tuy tăng 10,11% do được bổ sung năng lực mới của một số dự án đi vào sản xuất, tuy nhiên nhiều ngành hàng truyền thống, sản phẩm chủ lực giảm sâu so với cùng kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng cũng như đời sống của người lao động. Trong 50 doanh nghiệp có quy mô lớn thì có tới 43 doanh nghiệp có doanh thu 5 tháng thấp hơn cùng kỳ; 138/185 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế chỉ tăng 3,2% so cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đại biểu Phùng Thanh Sơn - Tổ đại biểu khu vực huyện Hạ Hòa tham gia thảo luận về các giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

Do vậy, đại biểu đề nghị trong những tháng cuối năm tỉnh cần có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Có giải pháp khuyến khích, động viên doanh nghiệp ngoại tỉnh có dự án đầu tư trên địa bàn kê khai, hạch toán độc lập tại tỉnh để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời chỉ đạo rà soát lại nhu cầu nhà ở hiện nay để điều chỉnh quy hoạch các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở cho phù hợp, sát với thực tế.

Đại biểu Hà Đức Quảng - Tổ đại biểu khu vực huyện Phù Ninh đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Đại biểu Hà Đức Quảng - Tổ đại biểu khu vực huyện Phù Ninh đề nghị tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành quan tâm đến kết cấu hạ tầng giao thông và công tác quản lý nhà nước đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có đông công nhân lao động.

Đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết kịp thời những vướng mắc, các vấn đề liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động bị suy giảm; ưu tiên điện năng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy có năng lực sản xuất quan trọng, đảm bảo sản xuất, tạo việc làm, ẩm định, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.

Đóng góp các giải pháp về vấn đề bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Thị Thảo Nam - Tổ đại biểu khu vực huyện Thanh Ba cho biết: Công tác môi trường luôn là bài toán khá nan giải vì đây là tiêu chí động, nên kết quả có thể bị tác động từ nhiều phía và khó có thể duy trì bền vững nếu không có lộ trình thực hiện dài hơi. Do đó tỉnh cần tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường; đặc biệt là phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong việc triển khai đầu tư xây dựng.

Cùng với đó tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện 2 chỉ tiêu về công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Quyết liệt thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử phạt đối với các hành vi, vi phạm của cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan đến hành vi xả thải, vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Tổ đại biểu khu vực huyện Đoan Hùng thảo luận về giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Thảo luận về giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Tổ đại biểu khu vực huyện Đoan Hùng cho biết: Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo của tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển đồng bộ. Hệ thống mạng lưới trường lớp và các loại hình giáo dục ở tất cả các cấp học được củng cố và sắp xếp phù hợp với tình hình địa phương. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm cao hơn trung bình cả nước…

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng tình trạng phát triển các khu công nghiệp, dân số tăng nhanh ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học. Chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Việc huy động xã hội hóa giáo dục chưa đa dạng, chưa có sự tham gia của các lực lượng xã hội mà chủ yếu vận động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cơ chế xã hội hoá chưa thực sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Các chính sách hỗ trợ, động viên đối với nhà giáo còn hạn chế, lương của giáo viên mầm non hợp đồng còn thấp…

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cần tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới giáo dục và đào tạo phù hợp và gắn với lộ trình sắp xếp, sáp nhập điều chỉnh địa giới hành chính các xã, thị trấn giai đoạn 2, phát triển hệ thống trường, lớp phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, hội khuyến học các cấp trong thực hiện xã hội hóa giáo dục, tiến tới xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.

Cùng với đó, tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu đổi mới giáo dục và đào tạo; thực hiện chuẩn hóa, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực thi công vụ cũng như triển khai các nhiệm vụ đổi mới giáo dục, đào tạo. Đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý chất lượng giáo dục theo mục tiêu đào tạo của loại hình cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, thông báo công khai trong toàn ngành...

Đại biểu Đỗ Thị Phương Hoa - Tổ đại biểu khu vực huyện Thanh Sơn đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Đỗ Thị Phương Hoa - Tổ đại biểu khu vực huyện Thanh Sơn cho biết: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình mới với nhiều nội dung, dự án thành phần bao phủ tương đối toàn diện các mặt của đời sống xã hội. Việc triển khai Chương trình gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân nguồn vốn.

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn trên cơ sở cụ thể hóa các văn của các bộ, ngành Trung ương; văn bản hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Đối với các địa phương không còn quỹ đất để bố trí đất ở và đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng, Trung ương đã có hướng dẫn về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ thiếu đất sản xuất; còn các hộ thiếu đất ở, đề nghị tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách, định mức chi cho công tác quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Lệ Thủy - Khánh Trang

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com