Thứ 5 | 25/11/2021
      Tỉnh Phú Thọ, qua hai lần phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2015 và năm 2019, đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho 06 nghệ nhân (06 nghệ nhân Hát Xoan); danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 34 Nghệ nhân (24 nghệ nhân Hát Xoan, 5 nghệ nhân Hát Ghẹo, 02 nghệ nhân Trò diễn tứ dân chi nghiệp, 01 nghệ nhân truyện cười Văn Lang, 01 nghệ nhân hát rang, hát ví dân tộc Mường và 01 nghệ nhân múa trống đu dân tộc Mường). Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể được ví như những “báu vật nhân văn sống”, “bảo tàng sống”, “kho tàng di sản văn hóa sống” mà không thể có hình thức vật chất nào thay thế. Nhưng ít ai biết được, phía sau danh hiệu tôn vinh ấy là những cống hiến gần trọn cuộc đời, với bao vất vả thăng trầm mà các nghệ nhân đã trải qua để gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị di sản. Xin được giới thiệu về một số gương mặt tiêu biểu trong số các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

      Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch: Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch sinh năm 1950, là trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Gia đình bà đã có 5 thế hệ theo Hát Xoan, trong đó có 3 thế hệ làm trùm phường Xoan An Thái. Bà Lịch là người phụ nữ đầu tiên và hiện cũng là người phụ nữ duy nhất làm trùm phường Xoan. Từ khi còn nhỏ, bà đã được ông nội dạy Hát Xoan, đến năm 13 tuổi, bà đã thuộc hết các bài bản Xoan và cũng là năm đầu tiên bà đi trình diễn Hát Xoan với bài Nhập tịch mời vua. Năm 1979, bà đã bắt đầu truyền dạy Hát Xoan. Năm 2001, bà làm Trùm phường Xoan An Thái và tiếp tục duy trì việc thực hành, truyền dạy Hát Xoan cho đến ngày nay. Bằng tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật Hát Xoan, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch đã dành cả cuộc đời tâm huyết với việc truyền dạy, lưu giữ và phát huy giá trị di sản Hát Xoan. Bà truyền dạy kỹ năng hát dẫn, đánh trống của kép và kỹ năng hát múa của đào Xoan. Nhiều nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ được bà truyền dạy, bồi dưỡng. Phường Xoan An Thái ngày càng thu hút được sự tham gia của nhiều thế hệ yêu Xoan. Ghi nhận sự đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, năm 2012, bà đã được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ; năm 2015, Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2019. Năm 2021, Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch là một trong những cá nhân tiêu biểu được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.
 
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy Hát Xoan
 
      Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Doanh: Nghệ nhân Phạm Thị Doanh sinh năm 1950, người làng Nam Cường, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, nơi phát tích của những làn Ghẹo cổ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Hát Ghẹo, từ nhỏ bà đã được mẹ truyền dạy Hát Ghẹo. Sở hữu ngôn ngữ địa phương, cách phát âm, giọng nói, bà Doanh có chất giọng Hát Ghẹo truyền cảm cùng khả năng luyến láy, lấy hơi, nắm bắt được giai điệu, ca từ và tiết tấu đặc trưng của từng bài hát, thể hiện được sâu sắc tình cảm trong mỗi bài bản Hát Ghẹo. Từ những năm 1990, cùng với việc trình diễn, thực hành Hát Ghẹo, bà Doanh tích cực truyền dạy cho con cháu và những người thích, say mê hát Ghẹo, đặc biệt là các cháu học sinh. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát Ghẹo Nam Cường, Thanh Uyên, bà Doanh đã  cùng với Ban chủ nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu của Hát Ghẹo, đưa Hát Ghẹo vào trong trường học để truyền dạy cho thế hệ trẻ, để làn điệu Hát Ghẹo sống mãi trong lòng người dân Thanh Uyên và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng. Năm 2019, bà Phạm Thị Doanh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
 
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Doanh (người đứng đầu tiên, hàng bên trái) trình diễn Hát Ghẹo cùng CLB Hát Ghẹo Nam Cường,
xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông
 
      Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Cam: Nghệ nhân Nguyễn Thị Cam sinh năm 1945. Sinh ra và lớn lên tại làng cổ Tứ Xã, bà đã tham gia trình diễn trò Tứ dân chi nghiệp ở Lễ hội đền Hùng từ năm 1958. Từ đó đến nay, bà liên tục trình diễn trò Tứ dân chi nghiệp cùng Đội văn nghệ dân gian xã Tứ Xã trong lễ hội Trò Trám, trong và ngoài tỉnh Phú Thọ. Bà Cam có khả năng vừa đánh trống vừa hát trịch cho các vai nữ và biểu diễn tất cả các vai nữ trong phần trình diễn; là một trong số ít người truyền dạy chính toàn bộ phần trình diễn “Tứ dân chi nghiệp” của địa phương từ đánh trống, hát trịch đến toàn bộ các vai diễn; truyền dạy cho các thế hệ con cháu lòng đam mê, kỹ năng trò diễn Tứ dân chi nghiệp trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần cộng đồng. Năm 2019, bà Nguyễn Thị Cam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
 
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Cam trình diễn đánh trống, hát trịch trong trò diễn “Tứ dân chi nghiệp”
 
      Nghệ nhân Ưu tú Hán Công Bình: Nghệ nhân Hán Công Bình sinh năm 1956, là Nghệ nhân ưu tú đầu tiên về loại hình di sản Ngữ văn dân gian của tỉnh Phú Thọ. Được sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa “Làng cười Văn Lang”, ông đã được nghe những tiếng hát, lời ru, những câu chuyện cười từ ông, bà, cha, mẹ từ thủa ấu thơ. Khi còn học tiểu học, ông đã tập kể những câu chuyện cười cho bạn bè  nghe. Khi nhập ngũ, ông đã sáng tác những câu chuyện cười và biểu diễn cho đồng đội nghe. Với khả năng nhớ, kể và diễn tả một cách sinh động các câu chuyện cười Văn Lang, bằng chất giọng rất riêng của người Văn Lang, ngoài khả năng kể chuyện ông còn có thể sáng tác, biên soạn các câu chuyện cười mới, dàn dựng các hoạt cảnh, ca cảnh chèo, hát các điệu chèo cổ đạt chuẩn về cao độ, trường độ, nhịp phách. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyện cười Văn Lang, ông đã cùng các thành viên trong Câu lạc bộ dàn dựng kịch bản, lựa chọn diễn viên, trình diễn chuyện cười Văn Lang tại một số chương trình phục vụ nhân dân trong tỉnh Phú thọ và quý khán giả cả nước trên các phương tiện thông tin đại chúng; tìm tòi những hạt giống, tài năng ở lứa tuổi thanh thiếu niên yêu thích chuyện cười để truyền dạy giá trị, nội dung, phương pháp, thủ thuật kể chuyện cười Văn Lang. Năm 2019, ông Hán Công Binh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
 
Nghệ nhân Ưu tú Hán Công Bình (người ngoài cùng bên trái) kể chuyện cười cùng CLB chuyện cười Văn Lang
 
      Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Sóng: Nghệ nhân Hà Thị Sóng sinh năm 1940, người dân tộc Mường ở xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn; là một trong hai Nghệ nhân ưu tú người dân tộc Mường đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Được nuôi dưỡng trong một gia đình dân tộc Mường có truyền thống về hát rang, hát ví qua nhiều thế hệ, từ nhỏ bà đã được cảm nhận sự mượt mà, sâu lắng của những làn điệu dân ca Mường qua những lời ru, tiếng hát ngọt ngào của bà và mẹ. Với vốn ngôn từ phong phú, khả năng ứng tác thiên phú, nhanh nhạy, bà đã nắm vững và trình diễn xuất sắc cả trăm câu Rang cổ cùng những câu hát do bà tự ứng khẩu, sáng tác phù hợp với hoàn cảnh mà vẫn đằm thắm, mượt mà. Không chỉ có giọng hát dân ca Mường truyền cảm, ngọt ngào; tích cực tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, trong những năm qua đạt được nhiều giải thưởng, mà bà còn là người góp phần gìn giữ, truyền dạy để làn điệu dân ca của dân tộc mình còn mãi cho đời sau.Với niềm đam mê giữ gìn vốn cổ quý báu của dân tộc, nghệ nhân Hà Thị Sóng đã ghi chép lại những lời cổ của điệu hát rang, hát ví tiếp tục truyền dạy cho các thế con cháu. Năm 2019, bà Hà Thị Sóng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

      Trong phạm vi bài viết, xin được lược trích, giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Phú Thọ. Các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú đều là những nghệ nhân tâm huyết với nghề, trải dài theo thời gian, để rồi làm nên một lớp người sáng tạo và cống hiến, hy sinh hết mình vì tinh hoa nghề nghiệp. Họ chính là "dòng chảy" lưu truyền những giá trị văn hóa dân gian qua các thế hệ.  Chính họ sẽ là người lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau các vốn liếng văn hóa mà cộng đồng đúc kết sau hàng bao nhiêu thế hệ. Có thể nói, công lao giữ gìn các giá trị của lịch sử, bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc của các nghệ nhân là vô cùng lớn. Sự cố gắng vinh danh họ chính là bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, là niềm tự hào cho những tiếp diễn văn hóa của các thế hệ.
 
Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Sóng truyền dạy hát rang, hát ví tại nhà riêng
 
Xin được trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững: “…Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được... Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia”./.
                                                                             Phú Thọ, tháng 11 năm 2021
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com