Thứ 6 | 25/04/2025

     Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ ngày 16 đến ngày 18/6/1954, thực dân Pháp rút khỏi Việt Trì. Tỉnh Phú Thọ được hoàn toàn giải phóng. Nhân dân Phú Thọ bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xây dựng hậu phương vững mạnh chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
 

Mẻ phân bón sản xuất đầu tiên của nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao năm 1962

Lò nung đầu tiên của Xí nghiệp xi măng Đào Giã huyện Thanh Ba

     Nhiệm vụ đầu tiên đặt ra cho Đảng bộ và Nhân dân  tỉnh Phú Thọ là khôi phục kinh tế sau chiến tranh, bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết là nhanh chóng phục hồi các tuyến đường giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế và vận chuyển hàng hóa. Năm 1956 cầu Việt Trì được xây dựng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc. Đây là một trong những công trình lớn đầu tiên được tái thiết nhờ sự trợ giúp quốc tế sau hòa bình lập lại; đây cũng là cây cầu hữu nghị Việt Nam - Trung Hoa nhằm phục vụ cho việc phát triển khu công nghiệp Việt Trì và nối liền giao thông đường bộ Quốc gia khu vực phía Bắc. Ngoài ra, các tuyến đường liên tỉnh 11A, 11B, đường quốc lộ số 2 và một số tuyến đường liên huyện khác cũng được đưa vào khôi phục và sửa chữa.
     Ngày 28/11/1958, khu công nghiệp Việt Trì được xây dựng, trở thành khu công nghiệp đầu tiên trên miền Bắc với sự ra đời của các nhà máy: Nhà máy điện, Nhà máy đường, Nhà máy hóa chất… Ngày 13/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm khu công nghiệp Việt Trì. Tại đây, Bác dặn “Đây là khu công nghiệp đầu tiên nước ta, xưa các vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước, nay ta xây dựng trên Đất Tổ một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của đất nước. Vinh dự này thuộc về các cô, các chú đang xây dựng Đất Tổ”.
     Sau hai sự kiện lớn trên, các nhà máy xí nghiệp đã lần lượt ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh như: Xí nghiệp đá vôi Đào Giã, Công ty giấy Lửa Việt, Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao…
     Cùng với ngành công nghiệp, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp cũng đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các sản phẩm từ cây cọ - đặc trưng của địa phương vùng trung du Bắc bộ - đã vượt đại dương sang các nước Châu Âu đổi lấy máy móc đưa về phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Để đáp ứng nhu cầu vừa xản xuất, vừa chiến đấu, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo cho lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp cũng như công nhân di chuyển địa điểm xản xuất vào những nơi an toàn như: Nhà máy xi măng đá vôi Đào Giã đã phải di chuyển vào các hang núi để sản xuất bằng các phương tiện hết sức thô sơ. Công nhân đã vận chuyển hàng ngàn tấn đá vôi và sử dụng các công cụ bằng tay hết sức đơn sơ như cuốc, xà beng, xẻng, vồ tay để xúc đá, đập đá và dùng dần sàng để lọc bột đá. Với ý trí quyết tâm tạo ra các sản phẩm, và quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ, công nhân của nhà máy đã lao động hăng say, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu.
     Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - kinh tế ở địa phương, yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ này là phải củng cố tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Đại hội Đảng lần III của Đảng (ngày 5-10/9/1960) đã chỉ rõ: Chúng ta cần nhận rõ nhiệm vụ cách mạng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta và sự nghiệp thống nhất nước nhà, đồng thời nhận rõ tác dụng quyết định trực tiếp của cách mạng miền Nam và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc.
     Xác định Phú Thọ là một trong những tỉnh trọng tâm trong việc xây dựng hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, trong khoảng thời gian từ 15/6/1956 đến 26/1/1964, Bác Hồ đã đến thăm và làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ gần 10 lần tại một số nơi như: Khu công nghiệp, cầu Việt Trì, Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, Hợp tác xã Đồng Tâm - Nam Tiến, Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Những lần đón Bác và nghe những lời căn dặn của Người là nguồn động viên to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Hồ Chủ tịch thăm công trường cầu Việt Trì năm 1956

Hồ Chủ tịch thăm kho thành phẩm của nhà máy chè Phú Thọ năm 1958

     Cùng với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ đấu tranh trống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Ngày 24/6/1965, máy bay Mỹ ném bom ga Tiên Kiên, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Các máy bay F105, F4, F111 và các loại bom từ trường, bom bi, tên lửa hơn 100 lần đánh phá Việt Trì. Các trận đánh làm cho khu công nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Giặc Mỹ không chỉ ném bom tàn phá nền kinh tế chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc mà chúng còn rải bom mang tính hủy diệt vào các khu nhà ở của dân, nhà thờ của giáo dân, trường học, bệnh viện làm chết và bị thương hàng ngàn người. Chỉ tính riêng năm 1966, máy bay địch đã đánh phá tỉnh ta 169 ngày đêm, gồm 625 lần tốp và 1738 lần chiếc, bắn phá 352 địa điểm trong tỉnh. Sang năm 1967, mức độ bắn phá gấp 7 lần năm 1966. Trong trận ném bom hủy diệt tại Ấm Thượng - Hạ Hòa vào ngày 20/9/1972, có 53 người chết, 31 người bị thương, cháy và hư hại 145 nhà ở, bệnh xá, cửa hàng ở huyện xã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
      Thực hiện chủ trương của Đảng: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, quân và dân Phú Thọ đã hiệp đồng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch. Sáng ngày 26/6/1965, khi địch đánh phá Việt Trì, bộ đội Trung đoàn Tam Giang đã nổ súng kịp thời bắn cháy tan xác một máy bay Mỹ. Ngày 28/6/1965, Trung đoàn lại bắn rơi 3 chiếc khác. Tiếp đó, ngày 24/7/1965, bộ đội tên lửa đã phối hợp với quân và dân địa phương bắn cháy một chiếc F4c rơi tại xã Võ Miếu (Thanh Sơn), một phi công bị chết cháy, một phi công khác bị Nhân dân các xã huyện Thanh Sơn bắt sống. Đây là chiếc máy bay thứ 400 bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc.  
      Với đường lối quốc phòng “Toàn dân, toàn diện phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”, quân và dân Phú Thọ đã chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ lớn mạnh. Mọi thanh niên nông thôn đều tham gia dân quân tự vệ; mọi công nhân viên chức nhà nước lứa tuổi dưới 45 đều biên chế vào dân quân với khẩu hiệu “tay cày, tay cấy”, “tay súng, tay búa”. Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở các nhà máy xí nghiệp, nông trường. Chỉ tính riêng từ năm 1965 - 1975, Phú Thọ có 92.782 thanh niên vào bộ đội, 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Cùng với lực lượng bổ sung cho quân đội, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trên 600 đơn vị dân quân, du kích và tự vệ với gần 20.000 cán bộ, chiến sỹ; huy động hàng chục vạn lượt người phục vụ các chiến trường; hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom giữ vững mạch máu giao thông.
      Nhân dân Phú Thọ không tiếc xương máu, của cải đã khắc phục mọi khó khăn vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất nhằm chi viện đắc lực cho miền Nam ruột thịt. Theo các tài liệu thống kê của Bảo tàng Hùng Vương: Phú Thọ đã chi viện cho tiền tuyến miền Nam: 1.115 cán bộ y tế, 14 tấn mì chính, 170.990 đồng, 480.000 tấn thóc, và gần 4000 thanh niên xung phong vào các chiến trường B.C.K. Tất cả những cống hiến đó của Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã góp phần cùng hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam.
       Ghi nhận những đóng góp đó, Đảng và Chính phủ trong giai đoạn này đã phong tặng tỉnh Phú Thọ: 02 Huân chương kháng chiến hạng nhất; 01 Huân chương chiến công hạng nhất; 210 Huân chương kháng chiến chống Mỹ cho các đơn vị, khu phố, xí nghiệp; 22 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng; trong đó, có 17 đồng chí là Anh hùng lực lượng vũ trang và 05 đồng chí là Anh hùng lao động; 401 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1985, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng vì đã có thành tích đóng góp to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
        Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ ấy, quân và dân Phú Thọ đã sát cánh cùng Nhân dân cả nước hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên tất cả các mặt trận, vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam để đi đến một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Bích Viên

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com