Thứ 3 | 27/08/2019

Năm 2019, một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều sự kiện kỷ niệm lớn của đất nước. Năm 2019, tròn đúng 50 năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2019).

       Phú Thọ - đất Tổ Hùng Vương, nơi tiếp nối mạch nguồn lịch sử - văn hóa, bắt đầu từ thời đại Hùng Vương - văn hóa thời đại Hồ Chí Minh, đã vinh dự được 9 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, ở và làm việc với 17 di tích lưu niệm về Người. Trên vùng đất địa linh nhân kiệt này, những di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ trân trọng giữ gìn với tình cảm kính yêu và biết ơn sâu sắc về tác phong, nhân cách, đạo đức, cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.
       Về Phú Thọ trong hành trình trở lại chiến khu Việt Bắc năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại 3 địa điểm: Xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông), xã Chu Hóa (huyện Lâm Thao) và xã Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Vì lý do bảo mật, Người không trực tiếp gặp gỡ nhân dân, Người đã cử các đồng chí cán bộ đi cùng làm công tác “Tuyên truyền xung phong”, dạy bình dân học vụ cho nhân dân, tuyên truyền đường lối kháng chiến trường kỳ của Đảng cho dân hiểu, nắm được tình hình chính trị, tâm tư nguyện vọng, trình độ giác ngộ của người dân và những băn khoăn, vướng mắc của họ để kịp thời giải thích và góp ý với cán bộ địa phương…, thể hiện tác phong giản dị, gần gũi với đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho chúng ta hiểu được trận địa lòng dân bao la, rộng lớn chính là căn cứ an toàn nhất, hiệu quả nhất bảo vệ Cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đặt niềm tin vào lòng yêu nước và sức mạnh của quần chúng nhân dân, Hồ Chủ Tịch đã gieo những hạt giống Cách mạng trong công cuộc giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước không chỉ trong hiện tại, mà mãi mãi sau này. Tin vào dân, dựa vào dân và vì dân là những quan điểm của Đảng, mà Hồ Chủ Tịch là tiêu biểu.
       Hồ Chủ Tịch đã giành sự quan tâm đặc biệt tới Đền Hùng - Nơi thờ các Vua Hùng - Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Lời dạy của Người khi gặp gỡ Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Hùng ngày 19/9/1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã trở thành chân lý dân tộc, chân lý giữ nước gắn liền với độc lập, tự do của dân tộc, khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Cách mạng Việt Nam và tư tưởng, đường lối của Đảng ta. Về thăm Đền Hùng lần thứ hai, ngày 19/8/1962, Hồ Chủ Tịch nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm Cách mạng không bỏ dở giữa chừng, đã đi là phải tới đích” - Là tư tưởng về vấn đề quyết tâm Cách mạng, phải bền bỉ, kiên cường, phải kiên trì nhẫn nại, là sự rèn luyện ý thức chính trị và rèn luyện phẩm chất của người Cách mạng. Người căn dặn hết sức cụ thể, thiết thực đối với việc bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử Đền Hùng: “… chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối, để xây dựng Đền Hùng trở thành công viên lịch sử cho con cháu sau này tới thăm viếng…”.
       Cũng về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, ngày 26/1/1964, đứng dưới mái đình Đào Xá, xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy), Hồ Chủ Tịch đã chỉ những chỗ bị hư hỏng và nói: “Ngôi đình này các chú phải cho tu sửa lại, gìn giữ lại để làm di tích lịch sử, làm nơi hội họp”. Đó chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta phải biết gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
 
Ảnh: Hồ Chủ Tịch thăm di tích Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy (ngày 26.1/1964).
 
       Là nhà chiến lược quân sự thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng vũ trang. Người không chỉ gửi thư động viên, thăm hỏi cán bộ chiến sỹ trước và sau mỗi trận đánh, mà còn trực tiếp gặp gỡ, huấn thị, khen những thành tích, đồng thời cũng chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm. Tại Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị bộ đội: Đại đoàn 312; bộ đội quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào; Đại đoàn quân Tiên Phong; Lữ đoàn Pháo binh. Khi về thăm và nói chuyện với các cán bộ Đại đoàn 312 tại xóm Cúng, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa tháng 3/1952, Người căn dặn: “Muốn đánh thắng, trước hết phải đoàn kết chặt chẽ và có quyết tâm cao”.
       Hòa bình lập lại, với cương vị là Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc, Hồ Chủ Tịch vẫn dành cho Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt. Người đã nhiều lần về thăm và động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Người  luôn quan tâm theo dõi, động viên các phong trào của Phú Thọ, viết nhiều bài báo, gửi thư khen, biểu dương các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, học tập và công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở mọi người không được chủ quan, thỏa mãn với những thành tích đã đạt được mà phải cố gắng phấn đấu để tiến bộ hơn nữa. Cán bộ, đảng viên phải đoàn kết, yêu thương nhau, phải gương mẫu, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư...    
       Nói chuyện với cán bộ, công nhân lao động những nơi đến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo nhắc nhở tới vai trò của giai cấp công nhân. Trong lời huấn thị khi đến thăm Nhà máy Chè Phú Thọ (nay là Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba), Người chỉ rõ: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, muốn làm giai cấp lãnh đạo phải thế nào? Giai cấp lãnh đạo làm biếng, tham ô, hủ hóa có được không? Muốn xứng đáng giai cấp lãnh đạo phải có tinh thần lao động, thi đua lao động, lãnh đạo thì phải có tư cách đạo đức của giai cấp lãnh đạo, làm chủ thì phải có tư cách đạo đức của người làm chủ...” Thăm Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao (nay là Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao), Người căn dặn: “Phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, đoàn kết chặt chẽ, tích cực học tập văn hóa, học tập kỹ thuật, học tập các đồng chí chuyên gia Liên Xô làm cho Nhà máy phát triển; chớ có tự kiêu, tự đại mà không trau dồi là thoái hóa. Cố làm hạch toán kinh tế cho tốt”. Nói chuyện với cán bộ, công nhân lao động trên công trường xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vì sao phải học tập: “Nay đất nước đã độc lập, đã được quyền làm chủ đất nước, phải học thì ta mới làm chủ được nền văn hóa khoa học, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại. Học để hiểu biết phục vụ cách mạng và nhân dân, để còn đi ngoại giao với bầu bạn khắp năm châu bốn biển...” Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay và mãi mãi sau này vẫn mang ý nghĩa sâu sắc, thiết thực về việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giai cấp công nhân.
       Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới điều kiện làm việc và đời sống tinh thần, vật chất của công nhân, người lao động. Giữa lúc Công trường khôi phục cầu Việt Trì đang khẩn trương quyết tâm hoàn thành kế hoạch, gấp rút thông cầu, làm việc cả ngày Tết, ngày 12/2/1956 (tức ngày mùng 1 Tết Bính Thân), Người đã về thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc đang làm việc trên công trường. Đây chính là nguồn động lực động viên chuyên gia, cán bộ, công nhân lao động và chỉ hơn 1 tháng sau khi Người về thăm, cầu Việt Trì đã được khôi phục. Thăm Nhà máy Chè Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn lãnh đạo Nhà máy phải chú ý cải tiến kỹ thuật, thiết bị máy móc cho phù hợp với khổ người Việt Nam . Khi biết trên Công trường xây dựng khu công nghiệp Việt Trì có một số công nhân gánh đất trên 100kg, Người đã biểu dương và nhắc nhở: “Lúc còn đánh giặc thì đánh rất giỏi, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Nay xây dựng kinh tế làm rất khỏe, khó khăn nào cũng vươt qua... Tinh thần của quân đội cách mạng, của giai cấp tiên phong như thế mới tốt. Nhưng sức người không thể làm như thế mãi được và không thể có năng xuất cao, mà phải biết phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng máy móc vào công việc thì mới làm được nhiều, được nhanh, năng xuất mới cao và mới giải phóng được sức lao động nặng nhọc cho con người...”
       Ngày 19/8/1962, về thăm HTX Nam Tiến, xã Cao Mại (nay là thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao), vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên được Hồ Chủ Tịch đề cập hết sức ngắn gọn, rõ ràng và giản dị: “Cán bộ phải làm đầy tớ phục vụ nhân dân, không phải như thời Tây làm quan đâu, phải đoàn kết cùng nhân dân xây dựng HTX…”. Đây chính là tư tưởng của Người về đạo đức cán bộ, đảng viên phải là “… vừa là người lãnh đạo vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân…”, phải cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư…, phải đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi.
       Về thăm xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) ngày 26/1/1964, cũng là lần cuối cùng sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh về tỉnh Phú Thọ. Chỉ trong khoảng thời gian buổi sáng ngắn ngủi, nhưng Người đã quan tâm hết thảy mọi điều giản dị, ân cần thăm hỏi cụ già, em nhỏ. Người lo lắng xem người dân đã được ăn no chưa, các cháu bé có được học tập, khỏe mạnh không. Khi đi qua khu nghĩa trang của xã, thấy phong cảnh hưu quạnh, Bác Hồ đã dừng chân, nhẹ nhàng nói: “Sao không trồng cây ở đây? Người sống cần cây, người chết cũng cần cây chứ!”, chính là nhắc nhở chúng ta về vấn đề cảnh quan thiên nhiên, cải thiện môi trường sống… Đến nay, “Tết trồng cây” mở đầu cho việc trồng cây gây rừng hàng năm đã trở thành một chủ trương lớn của cả nhân loại và mỗi quốc gia. Phong trào“Tết trồng cây”đã ăn sâu vào lòng người và đã trở thành một phong trào tốt đẹp trong đời sống nhân dân. Ngày Tết, ngày vui cổ truyền của dân tộc ta, tất cả mọi người lại có thêm một phong tục mới, đẹp: Trồng cây đầu xuân. Trồng cây không chỉ cải tạo thiên nhiên, nâng cao cao chất lượng môi trường sống, cải thiện dân sinh, trồng cây còn có tác dụng góp phần xây dựng và cải tạo xã hội. Thông qua việc trồng cây và bảo vệ cây là một cách giáo dục và xây dựng con người mới XHCN một cách sâu sắc, từ lòng yêu thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên đến làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ đất nước...
          Tất cả những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng trong đó biết bao nhiêu giá trị tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người, có ý nghĩa và giá trị sâu sắc trong việc tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ về tư tưởng Hồ Chí Minh, về đạo đức, tác phong làm việc, về phong cách cư xử của Người với mọi người. Chúng ta cũng hiểu được rằng giá trị vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nằm trong những chước tác của Người, mà còn ở trong tư tưởng, đạo đức, nhân cách và cách sống của Người. Chúng ta học Người từ những vấn đề lý luận sâu sắc đến thực tế giản dị; từ những lời nói đến hành động, cử chỉ của Người. Những phương pháp cách mạng, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam cho mọi hành động được Đảng ta quán triệt, thấm nhuần sâu sắc, thể hiện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Lê Thị Thoa

                                                                             TP. QL Di sản văn hóa - Sở VHTTDL

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com