Phạm Bá Khiêm *
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Một trong những nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã chỉ đạo xây dựng các căn cứ địa và chiến khu cách mạng, làm hậu thuẫn vững chắc cho khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước.
Trên vùng đất Phú Thọ, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, các chiến khu Cách mạng đã lần lượt được thành lập: Chiến khu Vần - Hiền Lương (kéo dài từ đất Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) đến xã Việt Hồng (Trấn Yên, Yên Bái) được thành lập tháng 5/1945); Chiến khu Vạn Thắng (Cẩm Khê), thành lập tháng 6/1945); Chiến khu Phục Cổ (Yên Lập), thành lập tháng 6/1945).
1. Chiến khu Vần - Hiền Lương
Tháng 8/1940, đồng chí Trần Thị Minh Châu (tức Thục Chinh) và đồng chí Nguyễn Văn Trạch từ cơ sở Đảng ở làng Thạch Đê, xã Cát Trù (Cẩm Khê) lên xã Hiền Lương (Hạ Hòa) hoạt động tuyên truyền vận động, giác ngộ thanh niên và thành lập tổ chức Thanh niên phản đế (khi mới thành lập có 13 đồng chí). Tháng 12/1941, địch tăng cường đàn áp khủng bố, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều quần chúng cách mạng bị địch bắt, tổ chức Thanh niên phản đế tạm thời ngừng hoạt động. Tháng 2/1943, Ban Thường vụ Trung ương họp quyết định chủ trương đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa ở nông thôn và miền núi. Tháng 10/1043, đồng chí Bình Phương (tức Nguyễn Đức Vũ) và đồng chí Hà (tức Nguyễn Văn Tạo) được phái về bắt liên lạc với đồng chí Dĩ (tức Trần Quang Bình) người quê Thái Bình lên lập nghiệp ở Hiền Lương (mới mãn hạn tù ở Hòa Bình về) xây dựng một số cơ sở để đón tù chính trị vượt ngục từ nhà tù Sơn La ra. Tháng 11/1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt (bí danh là Tư) được Thường vụ Trung ương Đảng cử lên kiểm tra và tổ chức thành lập cơ sở đón các đồng chí vượt ngục từ Sơn La về. Cơ sở này do các đồng chí Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn phụ trách. Từ tháng 11/1944 đến tháng 2/1945 đã có 2 đợt đón các đồng chí vượt ngục, với tổng số 65 người.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Trung ương Đảng ra chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" và đề ra chủ trương xây dựng các chiến khu cách mạng để chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Tháng 4/1945, đồng chi Ngô Minh Loan là Xứ ủy viên được cử về Hiền Lương để xây dựng cơ sở chuẩn bị thành lập chiến khu. Sau một thời gian hoạt động tích cực xây dựng cơ sở cách mạng, các chi bộ Đảng; các đoàn thể quần chúng cứu quốc; các đội du kích có vũ trang được thành lập đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên tham gia các đội du kích, sẵn sàng đấu tranh vũ trang giành chính quyền.
Tháng 5 năm 1945, chiến khu Vần - Hiền Lương (còn gọi là chiến khu Âu Cơ) ra đời, do Ban cán sự Đảng Phú - Yên (Phú Thọ - Yên Bái) lãnh đạo. Trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của chiến khu là các đồng chí Trần Quang Bình, Bình Phương, Ngô Minh Loan, Nguyễn Phúc, Trần Đức Sắc (Giáo sư sử học Văn Tân). Ngay sau khi chiến khu được thành lập, Ban cán sự Đảng quyết định xây dựng đội du kích Âu Cơ. Trung tuần tháng 5/1945, lễ thành lập lực lượng vũ trang của chiến khu cách mạng Hiền Lương được tiến hành trang trọng tại khu vực chùa Hiền Lương. Ban đầu đội chỉ có 15 người, về sau phát triển tới hơn 100 người, được biên chế thành 4 trung đội. Lực lượng du kích được trang bị súng trường, mã tấu và cả súng máy cướp được của địch. Địa bàn hoạt động ban đầu của chiến khu ở các xã Nang Sa, Hiền Lương, Đồng Luận, Bình Trà thuộc huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ); sau phát triển lên các xã thuộc huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái). Như vậy, phạm vi hoạt động của chiến khu Vần - Hiền Lương khá rộng, ở 12 làng phía Bắc tỉnh Phú Thọ; 7 làng phía Nam tỉnh Yên Bái và các làng phía Đông Nam tỉnh Nghĩa Lộ. Đây là nơi tiếp giáp nhiều đầu mối giao thông với vùng Tây Bắc và có vùng đồng ruộng màu mỡ ven sông Hồng cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến khu. Do đó chiến khu Vần - Hiền Lương giữ một vị trí hết sức quan trọng cả về quân sự và kinh tế; là nơi đón nhận những cán bộ của Đảng bị địch bắt giam cầm, tù đày tại nhà tù Sơn La vượt ngục trở về với cách mạng.
Ngày 10/6/1945, lực lượng vũ trang chiến khu đã tổ chức đánh chiếm kho thóc Vân Hội và một số kho thóc khác ở Yên Bái đem về cho chiến khu và chia cho nhân dân. Sau đó về luyện tập ở căn cứ đồng Yếng lực lượng vũ trang tiến sâu vào đất Nghĩa Lộ, trên đường đi lực lượng đã phá kho thóc ở Mỵ, ở Thiết kịp thời cứu đói cho nhân dân địa phương. Ngày 16/6/1945 địch phát một tốp lính gồm 7 tên mang vũ khí về Hiền Lương (lúc này lực lượng du kích không đóng ở Hiền Lương) địch đã bắt đi một số người, sau đó một đơn vị du kích đã truy nã theo hai ngả đường, nhưng khi đến Hiền Lương thì địch đã về Yên Bái. Ngày 26/6/1945, một toán lính Nhật có 22 tên súng đạn đầy đủ từ huyện Văn Chấn hùng hổ kéo ra Mỵ, ra Hiền Lương bằng đường bộ và thủy (qua ngòi Vần) do ta phục kích ở Đèo Ngang. Chúng dùng thuyền của dân theo ngòi Vần ra Hiền Lương. Lực lượng du kích chiến khu lập tức thay đổi địa điểm về gò cây Vải đánh địch trên ngòi Vần. Trận đánh gò cây Vải đã tiêu diệt 4 tên địch và làm thất bại hoàn toàn cuộc tiến quân của địch. Ngày 2/8/1945, du kích chiến khu đánh huyện Hạ Hòa, tước vũ khí, tịch thu tài sản, buộc chi huyện xin hàng, nộp hồ sơ sổ sách. Ngày 17/8/1945, lực lượng chiến khu phối hợp với các lực lượng khác tấn công huyện Thanh Ba, Yên Lập, Cẩm Khê. Sau đó lực lượng vũ trang chiến khu đã góp sức quan trọng vào việc trực tiếp giành chính quyền tại các huyện Văn Bàn, Thanh Uyên và chính quyền tỉnh Yên Bái.
2. Chiến khu Phục Cổ
Xã Minh Hòa nằm trong thung lũng, xung quanh là núi cao, mây mù bao phủ. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Minh Hòa được gọi là làng Phục Cổ.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về xây dựng các khu du kích ở các tỉnh, Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên đã lựa chọn cán bộ phụ trách xây dựng khu căn cứ du kích Phục Cổ và Vạn Thắng. Ngày 10/6/1945 (tức ngày 1/5 năm Ất Dậu), căn cứ du kích Phục Cổ chính thức được thành lập. Mục đích ban đầu là muốn dựa vào địa hình lòng chảo hiểm trở lại giáp với Vạn Thắng (Cẩm Khê), khu du kích Phục Cổ đóng vai trò như tấm áo giáp, hỗ trợ chiến khu Vạn Thắng khi xảy ra chiến sự. Được ánh sáng cách mạng soi đường và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ do đồng chí Lê Quang Ấn trực tiếp phụ trách, đội quân ở chiến khu đã trở nên lớn mạnh nhanh chóng.
Trước yêu cầu phát triển lực lượng nhanh chóng để khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã cử cán bộ đến nhà vận động ông Hoàng Văn Thu là một điền chủ yêu nước gia nhập và đóng góp lực lượng, vũ khí vào đội du kích Phục Cổ. Từ tháng 6/1945 đến tháng 8/1945, đội du kích không ngừng lớn mạnh và đánh nhiều trận lớn như phá kho thóc Nhật tại xã Chí Chủ, huyện Thanh Ba; tiến tới giải phóng huyện lị Cẩm Khê và châu Yên Lập. Ngày 18/8/1945, UBND Cách mạng lâm thời huyện Yên Lập được thành lập do đồng chí Hoàng Văn Thu làm Chủ tịch.
Sau ngày 22/8/1945, lực lượng du kích từ hai chiến khu Phục Cổ và Vạn Thắng đã đi thuyền ra hội quân với lực lượng du kích thị xã Phú Thọ, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lị Phú Thọ. Ngày 25/8/1945, các đội du kích trong đó có Phục Cổ tiến đánh các công sở trên địa bàn thị xã. Tỉnh trưởng Phú Thọ lúc đó là Nguyễn Bách đầu hàng và giao nộp sổ sách, ấn triện, tài sản của chính quyền bù nhìn cho lực lượng Việt Minh. UBND Cách mạng lâm thời, tỉnh Phú Thọ được thành lập do đồng chí Phan Huy Chữ làm Chủ tịch.
3. Chiến khu Vạn Thắng
Cùng với chiến khu Vần - Hiền Lương (huyện Hạ Hòa), chiến khu Phục Cổ xã Minh Hòa (huyện Yên Lập), chiến khu Vạn Thắng xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê) là một trong những chiến khu kháng Nhật, chống Pháp đầu tiên trên quê hương Đất Tổ.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, “Trong những vùng đủ điều kiện về địa hình, cơ sở quần chúng, lương thực, về lực lượng so sánh giữa ta và địch, chúng ta phải gây dựng những căn cứ địa kháng Nhật” “để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ”, vì thế ngoài chiến khu Vần - Hiền Lương do Xứ ủy xây dựng, Ban cán sự liên tỉnh Phú - Yên đã cử cán bộ đến lãnh đạo và gây dựng hai căn cứ du kích kháng Nhật trong tỉnh là Vạn Thắng và Phục Cổ.
Tại căn cứ du kích Vạn Thắng, lúc đầu chỉ trong phạm vi đồn điền Đồng Lương do ông Nguyễn Phiên - một người yêu nước đứng lên tập hợp những người yêu nước khác xây dựng. Địa thế thuận lợi lại được nhân dân đồng lòng giúp đỡ. Đêm ngày 23/6/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội tự vệ trên 80 người, chủ yếu là người dân yêu nước ở làng Vạn Thắng đã làm lễ tế cờ và tuyên bố thành lập chiến khu cách mạng Vạn Thắng, với tôn chỉ: Quyết chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc.
Được người dân địa phương bao bọc, tiếp tế lương thực, bảo vệ an toàn, để trang bị vũ khí cho đội du kích chiến khu Vạn Thắng, ông Phiên đã cử người đi mua súng, đi quyên góp ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đồng thời thu thập vũ khí lính Pháp bỏ lại trong ngày đảo chính Nhật - Pháp. Nhờ đó, đội du kích Vạn Thắng đã phát triển thành lực lượng vũ trang đông đảo, được trang bị vũ khí, do một người dân có tinh thần yêu nước chỉ huy. Điều này rất cần thiết cho cuộc khởi nghĩa nên Ban cán sự Đảng Phú - Yên đã cử đồng chí Lê Quang Ấn và đồng chí Bùi Thị Phận đến nắm lực lượng này. Được tiếp xúc với cán bộ Đảng, ông Phiên như được tiếp thêm sức mạnh, đã vui vẻ tán thành đưa lực lượng vũ trang của mình đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhanh chóng tiếp nhận cán bộ Đảng đến căn cứ huấn luyện du kích về chính trị và quân sự. Đây cũng là điểm khác biệt về sự ra đời của Chiến khu Vạn Thắng so với 2 Chiến khu thành lập trước đó là Vần - Hiền Lương và Phục Cổ - Minh Hòa.
Từ khi căn cứ du kích Vạn Thắng có cán bộ của Đảng trực tiếp lãnh đạo và huấn luyện, rất đông thanh niên trai tráng trong và ngoài vùng Đồng Lương tham gia tụ nghĩa khiến lực lượng du kích ngày càng phát triển, phạm vi căn cứ vượt ra khỏi đồn điền Đồng Lương, mở rộng khắp vùng Cẩm Khê và Tam Nông. Tháng 8/1945, đây chính là lực lượng vũ trang nòng cốt thực hiện khởi nghĩa giành chính quyền tại Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn và tỉnh lỵ Phú Thọ (thị xã Phú Thọ ngày nay).
Hiện nay, tại xã Đồng Lương, những địa danh lịch sử trọng yếu của Chiến khu vẫn còn ghi dấu: Gò Nhà Dầm là đại bản doanh của Chiến khu; Gò Tròn nơi chế tạo vũ khí, rèn giáo mác, chế tạo đạn dược trang bị cho lực lượng vũ trang, hiện còn tảng bê tông cốt sắt; gò Đá Giải nơi luyện quân và là địa điểm để kho thóc; khu vực gốc Đa xóm Đồi là nơi lực lượng vũ trang tập kết, làm lễ tuyên thệ rồi chia làm 2 ngả tiến quân giành chính quyền trong khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, tại đây đã dựng bia ghi dấu sự kiện lịch sử; bến Cánh Tráng là địa điểm đoàn quân lên thuyền xuôi sông Hồng tiến sang thị xã Phú Thọ để khởi nghĩa giành chính quyền.
Gần 80 năm đã qua, nhân dân vùng chiến khu nói riêng và nhân dân các dân tộc Việt Nam vô cùng tự hào trước những chiến công oanh liệt mà quân và dân các chiến khu trên phạm vi cả nước đã lập nên trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ những chiến khu này, sức lan tỏa của tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng đã được thể hiện sinh động trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1946 đến năm 1954 và trong suốt chặng đường chống Mỹ cứu nước cho tới ngày toàn thắng năm 1975, thống nhất đất nước, hòa bình trên toàn cõi Việt Nam./.
Tháng 7/2024
P.B.K
* Địa chỉ liên hệ: Phạm Bá Khiêm. Số nhà 79, phố Hàn Thuyên, khu Tân Tiến, phường Tân Dân, TP Việt trì, tỉnh Phú Thọ. SDĐ: 0913351845.