Thứ 5 | 23/05/2024

baophutho.vnVới 36 di tích lịch sử văn hóa mang nhiều nét độc đáo, cổ kính được xếp hạng, trong đó có 5 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, huyện Thanh Thủy đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch tâm linh. Không những vậy, Thanh Thủy còn nguồn khoáng nóng thiên nhiên quý hiếm đang là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách. Những năm qua, huyện đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện bên núi Tản, sông Đà, cách Thủ đô Hà Nội không xa để tập trung phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy thu hút đông khách du lịch thăm quan, nghỉ dưỡng.

Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 16/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2026, định hướng đến 2030 đã xác định cần tập trung khai thác hiệu quả các loại hình du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái, danh thắng; du lịch làng nghề truyền thống.Theo đó, huyện thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị, nét đặc sắc của một số lễ hội, nghi thức truyền thống, sự tích thời kỳ Hùng Vương, nét văn hóa, ẩm thực... gắn với các di tích, điểm văn hóa tiêu biểu, khai thác xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hình thành điểm du lịch văn hóa phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, huyện tập trung khai thác tốt sản phẩm du lịch tâm linh. Hiện nay, Đền Lăng Sương là một điểm đến trong các tour du lịch, thu hút được nhiều đoàn đến tham quan.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Thanh Thủy. Đồng chí Vũ Đức Kiên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Huyện đã duy trì hiệu quả hoạt động của Website Dulichthanhthuy.vn, Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, đồng thời phối hợp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức truyền thông về du lịch Thanh Thủy, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Phòng cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng biên tập, chụp ảnh, quay, dựng video giới thiệu, quảng bá du lịch Thanh Thuỷ cho thành viên Ban biên tập các xã, thị trấn; cán bộ, nhân viên thực hiện công tác truyền thông của các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện”.

Những năm qua, huyện luôn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp trên cơ sở khai thác từ nguồn tài nguyên nước khoáng nóng quý hiếm kết hợp tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Các sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch huyện đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều đơn vị khai thác dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái hoạt động có hiệu quả: Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua Resort & Villas, Bamboo Resort, Tre nguồn Resort, Thanh Lâm Resort, Thanh Thủy Resort, Nhà vườn sinh thái Sông Đà, Khu du lịch nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy.

Huyện cũng chú trọng việc mời gọi các doanh nghiệp có năng lực lớn, có thương hiệu đầu tư các khu vui chơi giải trí cao cấp và phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn nhằm đa dạng hóa, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương đầu tư của tỉnh, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ. Kinh tế du lịch đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của huyện nói riêng và của tỉnh Phú Thọ nói chung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản, tăng thương mại, dịch vụ.

Năm 2023 Thanh Thủy đã đón khoảng 680.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó lượng khách lưu trú khoảng 250.000 người, doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt khoảng 520 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện có 46 cơ sở lưu trú với gần 3.500 phòng, lao động trong ngành dịch vụ là 17.300 người, cơ cấu lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 35%. Ước tính 6 tháng đầu năm 2024 Thanh Thủy đón khoảng 540.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, tổng doanh thu khoảng 390 tỷ đồng.

Thời gian tới, huyện Thanh Thủy tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, trong đó chú trọng tập trung nguồn lực, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm về du lịch trên địa bàn. Huyện quan tâm chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hợp tác xúc tiến liên kết phát triển thị trường du lịch, kích cầu đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thanh Thủy. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về du lịch... nhằm đưa du lịch Thanh Thủy từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.
Trịnh Hà
Dẫn nguồn: 
Thanh Thủy phát triển “công nghiệp không khói” (baophutho.vn)

 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com