Thứ 3 | 11/07/2023

baophutho.vnTiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Sáu- HĐND tỉnh, chiều 11/7, thủ trưởng các ngành: Y tế, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nội vụ đã trả lời 8 câu hỏi chất vấn tại hội trường.

* Giá thuốc và giá các vật tư y tế có sự chênh lệch giữa trong và ngoài bệnh viện; công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền tại các cơ sở y tế?

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc

Trả lời về công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền tại các cơ sở y tế, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc nhìn nhận thẳng thắn y học cổ truyền chưa tương xứng, chưa theo kịp y học hiện đại, do trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở còn yếu, đội ngũ chuyên môn sâu rất khan hiếm; các dự án nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu cho y học cổ truyền còn nhiều hạn chế.

Đại biểu Đỗ Thị Ngọc Ánh - Tổ đại biểu thành phố Việt Trì đặt câu hỏi chất vấn về giá thuốc và giá các vật tư nhu yếu phẩm tại các bệnh viện chênh lệch cao hơn so với giá mặt hàng cùng loại ngoài thị trường

Thời gian tới, ngành y tế có những chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là lĩnh vực y học cổ truyền; Sở sẽ chủ động ký kết hợp tác với Viện Y học cổ truyền Việt Nam để được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực y học cổ truyền cho tỉnh Phú Thọ. Các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến cơ sở cần tăng cường phối hợp, kết nối với các viện, bệnh viện tuyến Trung ương mời trực tiếp chuyên gia nhằm tăng cường hiệu quả lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nhằm xây dựng các trung tâm nuôi trồng, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Tổ đại biểu huyện Đoan Hùng đặt câu hỏi chất vấn về chậm được củng cố, đổi mới và hoàn thiện hệ thống y học cổ truyền các cấp

Đề cập tới giá thuốc và giá các vật tư nhu yếu phẩm, sinh phẩm giữa các hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc bên trong và ngoài cơ sở y tế, Giám đốc Sở Y tế chỉ ra các nhà thuốc, quầy thuốc trong cơ sở y tế công lập đang tuân theo các quy định của Chính phủ cũng như Thông tư của Sở Y tế, nhưng các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc bên ngoài lại tự quyết định giá. Giám đốc Sở Y tế cũng nêu lên sự băn khoăn của các ngành cũng như các cơ quan chức năng khi khó kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng thuốc và vật tư y tế bán tại các quầy thuốc, nhà thuốc bên ngoài này. Thời gian tới, ngành sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên của các cơ sở y tế cả trong và ngoài cơ sở y tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các huyện, thị, thành để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Kết luận nội dung chất vấn về y tế, Chủ toạ đề nghị Giám đốc Sở kiểm tra, làm rõ tên nhà thuốc, bệnh viện cụ thể có sự chệnh lệch giá để xem xét, làm rõ với cử tri. Đối với vấn đề y học cổ truyền, Chủ toạ khẳng định, đây là vấn đề không chỉ riêng địa phương nào, cần có thời gian nghiên cứu cụ thể, lộ trình lâu dài, căn cơ.

* Công tác quản lý di tích văn hóa và việc dạy bơi, phòng chống đuối nước

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy

Trả lời chất vấn về công tác quản lý, sử dụng và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quản lý các di vật, cổ vật, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy khẳng định: Trên địa bàn tỉnh có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa với giá trị lớn. Hằng năm, UBND tỉnh đều cân đối từ nguồn chi thường xuyên để hỗ trợ cho công tác tu bổ các di tích. Tuy nhiên do nhu cầu tu bổ, trùng tu các di tích lớn, công tác xã hội hóa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục rà soát và đang xây dựng đề án tu bổ di tích một cách lâu dài, bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Chinh - Tổ đại biểu huyện Tam Nông đặt câu hỏi chất vấn về công tác bảo vệ cổ vật tại các di tích ở thôn quê

Trước băn khoăn của cử tri về công tác quản lý di vật, cổ vật, Sở đã hướng dẫn phối hợp với các địa phương đang quản lý, bảo quản di vật, cổ vật về công tác phòng chống trộm cắp, cháy nổ. Tuy nhiên vẫn có trường hợp đáng tiếc xảy ra như sự việc gần 40 sắc phong cổ ở Đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông bị mất và sau đó bị đăng bán đấu giá ở nước ngoài. Sở đã báo các các cơ quan chức năng để tiến hành các thủ tục đưa sắc phong cổ hồi hương trong thời gian tới.

Đối với công tác quản lý công tác dạy bơi, phòng chống tai nạn thương tích, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy cho biết: Sở đã phối hợp tổ chức tập huấn kĩ năng giảng dạy cho 400 huấn luyện bơi trên toàn tỉnh, trong đó đã cấp phép cho 373 huấn luyện viên. Đồng thời thường xuyên kiểm tra các bể bơi có hoạt động kinh doanh để đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn, đủ điều kiện hoạt động theo quy định.

Kết luận nội dung này, Chủ toạ Kỳ họp khẳng định công tác quản lý di tích lịch sử văn hoá thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa được tốt, đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có phương án bảo quản, sử dụng nhằm phát huy được giá trị văn hoá cũng như đảm bảo an toàn cho các di tích, cổ vật. Về công tác dạy bơi, phòng chống tai nạn thương tích, Chủ toạ Kỳ họp cho rằng cần nâng cao phối hợp giữa gia đình, nhà trường; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục xây dựng phương án phòng chống đuối nước cho đối tượng học sinh, sinh viên, tránh những tai nạn thương tâm xảy ra như thời gian qua.

* Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non

Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Đức Thịnh

Đề cập đến tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Đức Thịnh thông tin: Tháng 8/2023, 1.344 giáo viên sẽ được tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế được giao ở cả 4 cấp học, trong đó có 816 giáo viên mầm non. Tuy nhiên, số lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu trên địa bàn vẫn còn thiếu nhiều. Do đó, cần tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên mầm non, chi trả lương cho đối tượng này với chủ trương xã hội hoá.

Làm rõ thêm vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Mạnh cho biết, tình hình thực tế toàn tỉnh thiếu khoảng 2.700 giáo viên. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ chỉ tổng hợp và phê duyệt hơn 1.800 chỉ tiêu do không tính nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục. Điều này cũng gây bất ngờ cho các cơ quan liên quan của tỉnh.

Đại biểu Đỗ Thị Phương Hoa - Tổ đại biểu huyện Thanh Sơn đặt câu hỏi chất vấn tình trạng các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non

Kết luận nội dung này, Chủ toạ Kỳ họp yêu cầu UBND tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, Ban Chỉ đạo biên chế của tỉnh trình các cấp có thẩm quyền xem xét và cho báo cáo cụ thể.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường đã có 22 lượt ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về các vấn đề lớn được cử tri và Nhân dân quan tâm. Đã có 6 Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành trực tiếp trả lời chất vấn, hai Chủ tịch UBND cấp huyện tham gia trả lời chất vấn và giải trình thêm những vấn đề mà đại biểu đặt ra. Tại kỳ họp này, lãnh đạo UBND tỉnh cũng tham gia làm rõ thêm một số vấn đề trong quá trình thảo luận, giải trình và trả lời chất vấn. Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, ngắn gọn, cụ thể, rõ nội dung. Thủ trưởng các Sở, ngành được chất vấn và tham gia giải trình thêm đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận trách nhiệm và đưa ra các giải pháp, thời gian cụ thể để thực hiện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đại biểu HĐND tỉnh.

Chủ tọa kỳ họp đánh giá cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp này. Nhìn chung, phiên chất vấn, trả lời chất vấn đã thể hiện sự nghiêm túc, công khai, dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, tâm huyết, trách nhiệm.

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com