Thứ 5 | 15/02/2024

Văn hoá Hồ Chí Minh là văn hoá thể hiện suốt cả cuộc đời hoạt động Cách mạng, sinh sống, giao tiếp của Người trong tư tưởng, đạo đức, phong cách, suy nghĩ và hành vi. Văn hoá ấy đã kết tinh cô đọng nhất cả tinh hoa văn hoá Dân tộc và thời đại, cá nhân và cộng đồng ở nhiều lĩnh vực, phương diện trong thế kỷ XX mà Người đã trải qua.

Thực hành phong cách Hồ Chí Minh về Văn hoá và Thể dục Thể thao - Ảnh 1.

Hồ Chí Minh mang ước mơ và thực hành công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng con người đã đào luyện nên con người văn hoá Hồ Chí Minh mà người chủ động tu dưỡng...

1. Đặc sắc văn hoá ở Hồ Chí Minh chủ yếu không phải ở chất anh hùng dân tộc, lãnh tụ hay nhà tư tưởng có tầm nhìn xa, rất minh triết... mà là ở danh nhân văn hóa kiệt xuất. Đó chính là nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh, văn hóa theo hàm nghĩa bản chất sâu nhất, rộng nhất và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, một nhà báo Nga khi mới gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thấy toát lên “một văn hóa tương lai”, văn hóa hòa bình, bao dung, hòa hợp, nhân ái, kết đoàn nhân quần, kiên trì, kiên nhẫn, kiên quyết từ trong cái gốc nhân dân, dân tộc và nhân loại hiện hữu.

Gặp gỡ giữa bao người hoạt động cách mạng, những người cộng sản, những anh hùng, những lãnh tụ của phong trào nhưng nhà báo này cũng thật sự như nhà tiên tri lại thấy ở Hồ Chí Minh: “Một văn hóa tương lai”, một nhân cách văn hóa tương lai. Và quả đúng như vậy. Biết bao nhà hoạt động cách mạng, hoạt động xã hội nổi tiếng thời đó thì sau này hầu như chỉ duy nhất Hồ Chí Minh được UNESCO phong tặng danh hiệu cao quý cho một anh hùng dân tộc, một nhà chính trị cộng sản lỗi lạc, một nhà yêu nước vĩ đại, là Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Thật hiếm có!

Văn hóa Hồ Chí Minh đặc sắc ở chỗ: vừa bác học vừa bình dân, vừa cổ vừa tân, vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa Đông vừa Tây, vừa dân tộc Việt Nam vừa nhân loại, vừa cá nhân vừa cộng đồng, vừa giai cấp vừa dân tộc... Rất nhân loại mà vẫn rất Việt Nam. Cái khó nhất cũng là cái hay nhất và đặc sắc nhất là sự dung hợp, tiếp biến, phát triển hài hòa, tiến bộ; dễ đi vào đời sống, hòa cùng đời sống.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Hoặc cố Tổng thống Chile Xanvado Agiende từng phát biểu: “Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của Ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất... Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của Ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của Ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ Ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình... Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của Ông...”.

Còn Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh Giôn Gô-lan có nhận xét sau khi làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Được gặp gỡ và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ tỏ ra mình là một con người vĩ đại. Mặc dầu có những trọng trách phải gánh vác, Người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi làm cho bạn cảm thấy thoải mái”. Nhà báo Mỹ David Stamp cũng đã từng nhận xét: “Ở ông Hồ, tính giản dị là một sức mạnh. Ở địa vị càng cao thì ông lại càng giản dị và trong sạch. Ông không cố tìm kiếm cho mình những trang sức về quyền lực bởi ông tự tin ở chính mình và ở mối quan hệ giữa ông với nhân dân và lịch sử”.

Thực hành phong cách Hồ Chí Minh về Văn hoá và Thể dục Thể thao - Ảnh 2.

Ngày nay, chúng ta học tập phong cách văn hóa phong phú đa diện, đa sắc, đa màu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thì phải thấu hiểu, thấm nhuần và nắm vững cái đặc sắc văn hóa ấy (bất biến) của Người mà (ứng biến) vận dụng, thực hành linh hoạt theo từng hoàn cảnh và con người, công tác và hoạt động sống cụ thể.

Báo Cứu Quốc số 416 ra ngày 25/11/1946 đã đăng tường thuật cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng cho sự phát triển của văn hóa nước nhà: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”; “Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng!”

Có rất nhiều dẫn chứng như vậy nói lên cái đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh. Điều này chúng ta hiếm thấy ở bất kỳ danh nhân văn hóa hay lãnh tụ chính trị nào khác trước đây và sau này.

Chính do thấm nhuần nền tảng lịch sử và văn hóa dân tộc từ quê hương của Người, do hoàn cảnh thời đại, do quá trình trải nghiệm, chủ động thâu hóa, tiếp biến và cái thiên bẩm của Hồ Chí Minh mà thành hết sức tự nhiên.

Từ Nam Đàn, làng Trù, làng Sen vùng quê xứ Nghệ rồi xứ Huế trong truyền thống văn hóa dân tộc nặng lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, bất khuất, kiên cường, thà hi sinh tất cả, không có gì quí hơn độc lập tự do, thương người như thể thương thân, cộng đồng, đoàn kết, đồng cam cộng khổ... đến tiếp xúc với văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây cả Âu - Mỹ - Phi (có khát vọng Bình đẳng - Tự do - Bác ái) với tư cách một người lao động sống trong nhân dân cần lao nơi ẩn chứa cội nguồn văn hóa... Hồ Chí Minh mang ước mơ và thực hành công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng con người đã đào luyện nên con người văn hóa Hồ Chí Minh mà Người chủ động tu dưỡng.

Và những tháng năm hoạt động cách mạng trong và ngoài nước ấy cũng như ở cương vị cao nhất của nền chính trị quốc gia dân tộc Việt Nam thời hiện đại, chúng ta càng thấy những phẩm chất văn hóa đặc sắc ấy ngày càng tỏa sáng và còn mãi tỏa sáng. Đúng là cái đặc sắc văn hóa ấy mà “Hồ Chí Minh bát ngát những mùa Sen” trên quê nhà và tỏa hương khắp toàn cầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh do vậy không chỉ là Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam mà còn là của nhân loại xưa nay.

Do vậy, ngày nay chúng ta học tập phong cách văn hóa phong phú đa diện, đa sắc, đa màu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thì phải thấu hiểu, thấm nhuần và nắm vững cái đặc sắc văn hóa ấy (bất biến) của Người mà (ứng biến) vận dụng, thực hành linh hoạt theo từng hoàn cảnh và con người, công tác và hoạt động sống cụ thể.

2. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động thể dục thể thao là một hình thức nhằm rèn luyện, tăng cường sức khỏe, sức lao động của con người. Trong đó, sức khỏe gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần, là vốn quý nhất của con người. Có sức khỏe thì mới có thể thực hiện các hoạt động sinh tồn khác. Từng con người là vậy mà cả dân tộc cũng vậy, “dân cường thì nước thịnh”, dân khỏe thì đất nước khỏe mạnh. “Nhân dân ta ai cũng khoẻ thì nước ta mau mạnh giàu”. “Có khỏe mạnh mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ vào những công việc ích nước lợi dân”.

Thực hành phong cách Hồ Chí Minh về Văn hoá và Thể dục Thể thao - Ảnh 3.

Hoạt động rèn luyện thể dục thể thao là làm cho năng lượng, khí huyết được tăng cường, lưu thông hơn, các luân xa trở nên linh diệu hòa hợp Thiên - Địa - Nhân và nâng cao sự dẻo dai, cường tráng, linh hoạt của cơ thể.

Trong nhiều hình thức để tăng cường sức khỏe mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, làm gương và thúc đẩy phong trào thì thực hiện và phát huy hoạt động rèn luyện sức khỏe luôn luôn được Người khích lệ, kêu gọi toàn dân thực hành hàng ngày và tự mình thực hành, nêu gương.

Cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở, căn dặn: “Nhân dân có sức khoẻ thì mọi công việc đều làm được tốt”; “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục thể thao”; Công tác thể dục thể thao “cũng là một trong những công tác cách mạng khác”, xây dựng đất nước, ích nước lợi mình.

Cho nên “Dưới chế độ dân chủ thể dục thể thao phải trở thành hoạt động chung của quần chúng”. “Phát triển phong trào thể dục thể thao cho rộng khắp”. “Tự bản thân tôi ngày nào cũng tập”.

Thái độ ứng xử đó đối với sức khoẻ và hoạt động thể dục thể thao đó chính là văn hóa thể dục thể thao Hồ Chí Minh. Văn hóa thể dục thể thao là một bộ phận của văn hóa nhân văn Hồ Chí Minh.

Và thực sự phong trào rèn luyện thể dục thể thao đã được chính quyền các cấp luôn luôn phát động và duy trì với các nhịp độ khác nhau trong suốt quá trình bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại!”, “Toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo tư tưởng, phong cách văn hóa Hồ Chí Minh."

Vì văn hóa là những giá trị và thành lối sống, nếp sống thể hiện những giá trị đó nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt ưu tiên quan tâm thực hành, nói đi đôi với làm trong phong trào thể dục thể thao. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên phong, gương mẫu như một Người "công dân số Một."

Không chỉ xây dựng về mặt nhận thức, tâm lý, tư tưởng và vận động về mặt tạo động lực tự nguyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài tuyên truyền (Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Sức khỏe và thể dục” đăng trên Báo Cứu Quốc số 199, nhằm kêu gọi toàn dân tham gia tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe), mà với tư cách là người đứng đầu nhà nước dân chủ mới ngay từ ngày đầu thành lập, ban hành các văn bản có tính pháp luật và thiết chế thể dục thể thao để cho tư tưởng đi vào cuộc sống từ một phương diện khác.

Đó là những triết lý văn hóa và cũng là minh triết quan trọng sinh động đầy sức sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lĩnh vực thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe... tiếp nối truyền thống văn hóa thượng võ, rèn luyện thân thể của dân tộc ta từ xa xưa trong thời đại mới. Chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn chiều sâu chiều rộng, chiều dài, chiều cao, đa diện, đa nhịp, đa màu, đa âm văn hóa đời sống Hồ Chí Minh mà văn hóa thể dục thể thao rộng hơn là văn hóa sức khỏe là một ví dụ sinh động.

Thực hành phong cách Hồ Chí Minh về Văn hoá và Thể dục Thể thao - Ảnh 4.

Vậy làm sao để thực hành tốt hơn, khắc phục hạn chế, khuyết điểm... bằng các loại phương thức, giải pháp có tính đột phá vượt trội trong đó có Thể dục thể thao hiện nay và trong những thập niên sắp tới? Vấn đề là hành động theo tinh thần đổi mới, sáng tạo hơn nữa theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thể dục thể thao là tăng cường vận động cơ thể thường xuyên, tránh khí huyết ngưng trệ, cơ bắp yếu ớt, sớm lão hóa, làm đúng theo những quy luật sinh trưởng tâm sinh lý thể chất - tinh thần một cách phù hợp với bản thân mỗi người, hoàn cảnh xã hội, gia đình và thể trạng, công việc của bản thân.

Hoạt động rèn luyện thể dục thể thao là làm cho năng lượng, khí huyết được tăng cường, lưu thông hơn, các luân xa trở nên linh diệu hòa hợp Thiên - Địa - Nhân và nâng cao sự dẻo dai, cường tráng, linh hoạt của cơ thể. Và từ hoạt động thể dục thể thao, đó là làm cho con người khỏe đẹp hơn. Khỏe là đẹp đáng yêu hơn. Quan tâm và biết tập thể dục thể thao chính là biết chăm sóc chính mình, nâng niu quý trọng chính sức khỏe của mình.

Một dân tộc cường tráng phải có nhiều, đa số dân cư, toàn dân phải cường tráng. Ngoài chế độ dinh dưỡng, khí chất sinh học bẩm sinh, phòng bệnh, khám và chữa bệnh kịp thời... thì tập luyện dưỡng sinh, thể dục thể thao là một trong những cách làm để có sức khỏe, sức khỏe được điều chỉnh, bảo dưỡng tốt nhất.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương, xây dựng dần thể chế, nhân lực, điều kiện và chỉ đạo thực hành phong trào rèn luyện sức khỏe, thực hành thể dục thể thao hàng ngày. Tập luyện thực hành thể dục thể thao dần dần trở thành nếp sống và nhu cầu tự thân của mỗi người.

Khát vọng độc lập tự do, hòa bình thống nhất, dân giàu nước mạnh, Tổ quốc cường thịnh, xã hội dân chủ, dân sinh hạnh phúc không chỉ thể hiện trong những thời kỳ lịch sử đã qua mà còn là khát vọng lớn, mới với các cấp độ, mục tiêu lớn, mới hơn, cao hơn hẳn và cũng là sứ mệnh của những thập niên tới trong thế kỷ XXI này, trước hết là vào giữa thế kỷ mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

Và để thực hành sự nghiệp đó, lực lượng trung tâm là nhân dân ta, là những con người Việt Nam có đủ bản lĩnh, năng lực, tài đức và sức khỏe thể chất và tinh thần. Dân cường thì nước thịnh. Nước thịnh, dân vui thì hạnh phúc!

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp có tính cơ bản là: “Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống” như văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định để góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc đó của dân tộc.

Vấn đề và cũng là thách thức khá cơ bản và cấp bách hiện nay là làm sao để nâng cao sức khỏe, tuổi thọ, chiều cao, cân nặng, vóc dáng và làm cho giống nòi phồn sinh, cường tráng, phồn thịnh, phồn vinh hơn nữa sánh vai cùng các dân tộc văn minh, lớn mạnh khác... Đó cũng luôn là trăn trở và cố gắng thực hành tốt hơn văn hóa thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe... của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền và xã hội cũng là của mỗi người dân.

TS. HỒ BÁ THÂM

Nguyên Vụ trưởng - Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tại Cần Thơ
Dẫn nguồn: 
Thực hành phong cách Hồ Chí Minh về Văn hoá và Thể dục Thể thao (bvhttdl.gov.vn)

 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com