Thứ 6 | 11/11/2022
     Phú Thọ có gần 50 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 04 dân tộc thiểu số tụ cư sinh sống thành làng/bản và thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc mình là dân tộc Mường, Dao, Cao Lan và H’mông. Dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ có 218.404 người, chiếm 14,92% dân số của cả tỉnh. (Số liệu năm 2019 của Ban Dân tộc tỉnh). Người Mường ở Phú Thọ sinh sống tập trung tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Thanh Thủy.

     Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường. Với quan niệm “Vạn vật hữu linh”, cho rằng mọi vật đều có linh hồn, từ đó các nghệ nhân dân gian Mường thời xưa đã sáng tác các tác phẩm mo: mo giải hạn, mo xin số, mo mụ, mo vía, ma lễ tang, mo tổ tiên, mo đôi đũa… Các tác phẩm mo được truyền miệng qua các thế hệ ông mo từ đời này sang đời khác. Nội dung các bài mo phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống con người, ở trên trời, dưới đất, ở vạn vật sinh.

     Thực hiện Kế hoạch số 2828/KH-UBND ngày 25/7/2022 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc phối hợp xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ngày 01/8/2022 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-SVHTTDL về việc khảo sát, kiểm kê, thu thập tư liệu hình ảnh về di sản văn hóa Mo Mường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Qua tư liệu khảo sát, kiểm kê thực trạng di sản Mo Mường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho thấy, hiện nay di sản Mo Mường chỉ còn được bảo lưu trên địa bàn 02 huyện là Tân Sơn và Yên Lập, cụ thể:

* Về nghệ nhân Mo Mường ở Phú Thọ: Số lượng ông Mo, thầy Mo của tỉnh Phú Thọ chỉ còn 31 người. Trong đó huyện Tân Sơn có 17 người, tập trung ở các xã Tân Sơn (03), Kiệt Sơn (06) Xuân Đài (03) và xã Thu Cúc (05). Huyện Yên Lập có 14 người tập trung ở 02 xã: Ngọc Đồng (01) và Trung Sơn (13).

* Các nghi lễ có tên gọi là Mo ở Phú Thọ: Mo tang ma, Mo vía, Mo giải hạn, Mo Mát nhà, Mo cầu thọ, Mo mụ. Trong đó, mo trong Lễ tang là loại hình đặc sắc nhất. Mo trong lễ tang của người Mường ở Phú Thọ chủ yếu tập trung vào phần lễ chính như: Bài mo nhập quan, Mo cúng cơm, Mo động thân, Mo chia của, Mo mát nhà.

* Hiện vật có liên quan đến Mo Mường: Trang phục - bộ quần áo màu nâu truyền thống của người đàn ông dân tộc Mường. Đạo cụ: Cảo (được làm bằng thanh nứa 2 ngọn, dùng để xin âm dương); túi khót, dao, đao, gươm, chuông, quạt, trống đánh múa đồng, vải dệt tay, sừng hươu, nai (vật thiêng)…

* Tư liệu liên quan đến Mo Mường: Các ông Mo, thầy Mo đều truyền đạt qua phương thức truyền khẩu vì người Mường không có chữ viết.
  
Mo cầu thọ cho người già tại xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập
                        
Thầy Mo buộc chỉ cổ tay cho người già và trẻ em trong lễ Mo Vía tại xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập
 
     Mo Mường hiện nay vẫn đang được bảo tồn và gìn giữ trong đời sống cộng đồng dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, việc giao thoa, du nhập văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác đã khiến cho di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một, biến đổi.

- Số lượng ông Mo, thầy Mo trong các bản ngày càng ít dần, trong đó có nhiều thầy mo tuổi cao, sức yếu đã trên 80 tuổi. Số lượng người muốn và có khả năng theo học mo không nhiều, do phải ghi nhớ một khối lượng bài mo rất lớn, đặc biệt người học phải có tố chất, am hiểu sâu sắc văn hóa Mường, có đạo đức, uy tín và đầy đủ đạo cụ, đồ cúng (các đời cha, ông đã từng làm nghề truyền lại).

- Công tác tuyên truyền thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ của đồng bào dân tộc Mường được đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả; thời gian tổ chức lễ tang của các gia đình nay chỉ trong hai ngày một đêm. Vì vậy nội dung một số bài mo được cắt bớt, giản lược và mo gộp các đoạn để đảm bảo thời gian tổ chức tang lễ.

- Người Mường không có chữ viết, nội dung bài mo được các ông mo, thầy mo ghi nhớ và truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong quá trình lưu truyền, bảo tồn số lượng câu mo, bài mo không còn được đầy đủ như ban đầu. Số lượng các cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu về di sản văn hóa Mo Mường của người Mường ở Phú Thọ hầu như chưa có. Vì vậy quá trình nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa cũng gặp không ít khó khăn.

     Đứng trước thực trạng di sản Mo Mường có nguy cơ bị mai một, năm 2022 tỉnh Phú Thọ đã phối hợp cùng các tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắc Lắc, Ninh Bình, Sơn La và thành phố Hà Nội triển khai xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

     Cùng với thời gian, di sản văn hóa Mo Mường hiện vẫn đang được thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trường tồn cùng với sự phát triển của cộng đồng người Mường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, góp phần nâng cao dân trí, đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

 
Bài và ảnh: Thanh Thủy - Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com