Thứ 4 | 15/05/2024

     Trong những ngày Tháng 5 lịch sử - Phú Thọ cùng với nhân dân cả nước cùng hướng về Điện Biên chào mừng kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, một chiến thắng đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam, một chiến thắng buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và các nước Đông Dương, ngày 21/7/1954. Đây cũng là chiến thắng quyết định thắng lợi về mặt trận ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.        
     Trong kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ 2 (1946 - 1954), Phú Thọ vừa là hậu phương trực tiếp của Tây Bắc và Việt Bắc, vừa là nơi diễn ra nhiều chiến dịch với những chiến thắng oanh liệt góp phần quan trọng cùng với cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
     Ngay sau khi giành được chính quyền Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch nhận định, chắc chắn thực dân Pháp sẽ thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Mặc dù Hiệp ước sơ bộ được kí ngày 6/3/1946, nhưng phía Pháp không thực hiện và gây khó khăn đối với việc đàm phán đi đến công nhận một nước Việt Nam độc lập. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), ra quyết định lịch sử: phát động Toàn quốc kháng chiến. Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến. Sáng 20/12/1946, "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi khắp cả nước.
     Để thuận lợi cho việc lãnh đạo kháng chiến và phát huy khả năng độc lập tác chiến của từng địa phương. Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Bắc Bộ được giải thể, cả nước chia thành 12 chiến khu. Trong đó chiến khu X được thành lập vào 19/10/1946, gồm 6 tỉnh: Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lài Cao, Hà Giang (sau này là Liên khu X). Phú Thọ là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và chính trị nên Trung ương đã quyết định chọn nơi đây làm căn cứ cho một số cơ quan của Trung ương Đảng và Chính phủ và là Trung tâm Ủy ban Hành chính kháng chiến Khu, Khu Bộ; đồng thời Phú Thọ còn được lựa chọn xây dựng nhiều cơ sở phục vụ kháng chiến như: Kho lương thực, xưởng quân giới sản xuất lắp ráp vũ khí, Nhà in ngân hàng, nhà in quân đội, trường thiếu sinh quân…đặt tại xã Đại Phạm, Gia Điền, Hà Lương thuộc huyện Hạ Hòa.
     Đặc biệt, Phú Thọ còn được lựa chọn là Thủ đô của văn nghệ kháng chiến, trụ sở chính được đặt tại nhà bà cụ Gái, xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa. Đây là nơi làm việc thường xuyên của 5 đồng chí trong Ban biên tập tạp chí văn nghệ Việt Nam gồm có nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng và nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi. Năm 1948, tạp chí số đầu tiên của Văn nghệ do Hội văn nghệ Việt Nam phát hành tại Phú Thọ. Nhiều tác phẩm nổi tiếng như Phá Đường, Lên Tây Bắc, Đôi Mắt …đã ra đời ở đây có tác dụng cổ vũ động viên nhân dân tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng.
     Cuối năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, nhằm bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến, Trung ương Đảng họp bàn và quyết định di chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Phú Thọ vinh dự được Trung ương Đảng lựa chọn là điểm dừng chân của Bác Hồ ở và làm việc, vì đây là nơi có phong trào quần chúng tốt, giao thông thuận lợi, bảo đảm được bí mật.
     Trong thời gian từ ngày 04/3 đến ngày 30/3/1947, Bác được bố trí ở tại gia đình ông Hoàng Văn Nguyện, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ, xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao và gia đình ông Nguyễn Hữu Đa, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng. Thời gian này, Bác đã dành thời gian đọc Lịch sử Việt Nam, kí nhiều sắc lệnh, soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng, viết thư, điện gửi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, chủ trì một số cuộc họp quan trọng chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
     Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Phú Thọ, thăm Đền Hùng vào ngày 19/9/1954. Bác đã gặp và nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng. Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, tránh sa ngã, cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường”.

           “Các Vua Hùng đã có công dựng nước
           Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

     Những lời căn dặn của Bác luôn là lời hiệu triệu, kết tinh tinh thần đoàn kết nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ nói riêng và của toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung cùng nhau bảo vệ bờ cõi non sông, xây dựng nước nhà giàu mạnh, phát triển; xác định được ý thức trách nhiệm đối với quê hương đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
     Từ năm 1946 đến năm 1953 Phú Thọ là địa bàn được lựa chọn tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt sinh lực địch và giành chiến thắngoanh liệt, tiêu biểu như: Chiến thắng Sông Lô, Tu Vũ, Trạm Thản.  
     Mở màn là chiến thắng Sông Lô diễn ra vào ngày 24/10/1947 tại địa phận 3 xã Chí Đám, Bằng Luân, Hữu Đô - huyện Đoan Hùng. Đây là trận đánh đầu tiên của bộ đội Pháo binh Việt Nam với chiến thuật đặt gần bắn thắng hết sức sáng tạo, phá vỡ ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của địch trên đường tấn công lên căn cứ Việt Bắc. Trong trận này nhân dân địa phương đã đem tất cả nhân lực vật vực góp phần vào chiến thắng, từ những quả bưởi đặc sản nổi tiếng của làng Đám, du kịch xã Chí Đám đã có sáng kiến dùng nhọ nồi trộn với dầu bôi đen quả bưởi giả làm thủy lôi thả xuống sông đánh lừa tàu Pháp đi vào khu vực bày binh bố trận của ta, tạo điều kiện cho các pháo thủ tiêu diệt địch. Chiến thắng sông Lô đã tạo cảm hứng cho nhạc sỹ Văn Cao sáng tác bản Trường ca sông Lô bất hủ ca ngợi chiến công của quân và dân Phú Thọ cùng với các chiến sỹ pháo binh.

Nhân dân Đoan Hùng chuẩn bị thuyền bè phục vụ Chiến dịch Sông Lô, năm 1947 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hùng Vương)

      Sau chiến thắng Sông Lô, dân quân du kích địa phương đã phối hợp với bộ đội Sư đoàn 308 tấn công vào cứ điểm Tu Vũ - Thanh Thủy diễn ra ngày 10/12/1951, Chiến thắng Tu Vũ đã bẻ gãy tuyến phòng thủ sông Đà và tuyến phòng thủ sông Đáy của thực dân Pháp, làm lung lay âm mưu tấn công chiếm đóng Hòa Bình của thực dân Pháp. Nhận định về chiến thắng Tu Vũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá “Đây là trận công kiên xuất sắc nhất trong lịch sử, mở màn cho chiến dịch…không có trận Tu Vũ thì không có trận Him Lam…”

Bộ đội vận chuyển vũ khí trong trận Tu Vũ, Thanh Thuỷ, năm 1951 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hùng Vương)

Với quyết tâm tiêu diệt địch đến cùng của quân và dân ta, ngày 17/11/1952 Trung đoàn 36 được sự giúp đỡ của nhân dân và quân du kích địa phương đã tổ chức trận địa phục kích táo bạo trên quốc lộ 2 đoạn Chân Mộng - Trạm Thản, phá tan cuộc hành quân Loren, trận càn lớn nhất và cũng là cuối cùng của thực dân Pháp ra vùng tự do Phú thọ.
Trong kháng chiến Phú Thọ liên tục bị thực dân Pháp càn quét, đánh chiếm nhằm phá hoại hậu phương kháng chiến, song Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực chiến đấu, đánh bại nhiều cuộc tấn công và giành thắng lợi vẻ vang trong trận Sông Lô, Tu Vũ, Trạm Thản, đóng góp to lớn cùng quân và dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân dân ta chuyển sang giai đoạn mới.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau nhiều ngày đêm chuẩn bị, 17 giờ ngày 13/3/1954 quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thực hiện chỉ thị của Liên khu ủy Việt Bắc, tỉnh Phú Thọ được phân công vừa chiến đấu, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, dân công, phương tiện vận tải cho chiến dịch. Với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, toàn tỉnh đã động viên được 1.434 thanh niên lên đường nhập ngũ, phân công và giao nhiệm vụ cho 17 huyện ủy viên, 20 cán bộ cơ quan quân sự và 70 cán bộ xã trực tiếp tổ chức động viên, chỉ huy lực lượng dân công. Các địa phương trong tỉnh đã huy động 261.500 người phục vụ các chiến dịch (trong đó số dân công trực tiếp phục vụ chiến đấu là 113.337 người), 1.087 chiếc xe đạp thồ, 80 xe trâu, xe ngựa của đồng bào tham gia phục vụ tiền tuyến, vượt qua thời tiết khắc nghiệt và những trận đánh phá ác liệt của quân địch, từng đoàn xe thồ, xe trâu, từng đoàn thuyền lớn, nhỏ của nhân dân Đất Tổ vẫn tiến lên phía trước, hướng tới chiến trường. Đặc biệt, lực lượng thanh niên xung phong của tỉnh đã tham gia cùng các đơn vị bộ đội mở đường Tuần Giáo - Điện Biên, phá bom, đào núi, làm đường để kéo pháo vào trận địa, kịp ngày nổ súng mở màn chiến dịch.

Ông Ma Văn Thắng, xã Thanh Minh, Thị xã Phú Thọ - người đạt kỷ lục cao nhất vận chuyển lương thực bằng xe đạp thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hùng Vương)

      Phú Thọ còn đóng góp cho chiến dịch 4.318 tấn gạo, bằng 1/3 tổng số gạo của cả chiến dịch; 4.149 con trâu, bò và 334,141 tấn thịt lợn; 141 tấn đỗ, lạc, vừng và 31.100kg đường. Khi chiến dịch mở màn, tỉnh đã cử đoàn đại biểu mang quần áo ấm, chăn bông lên mặt trận để tặng cho các chiến sĩ. Phụ nữ Phú Thọ gửi hàng trăm nghìn bức thư động viên anh, chị em dân công ngày đêm phục vụ chiến dịch. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, quân và dân Phú Thọ đã đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua gian khổ.  Ghi nhận những thành tích đó, 63 tập thể, 16.000 cá nhân, 420 cán bộ lão thành cách mạng và gia đình có công với nước được tặng thưởng huân, huy chương các loại; 8 địa phương được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; 389 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ còn được Đảng và Chính phủ tặng nhiều cờ thưởng, bằng khen, giấy khen.
      70 năm đã qua nhưng ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn vang mãi, cổ vũ và thôi thúc mỗi người dân Phú Thọ luôn tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha ông . Nhìn lại những đóng góp của mình với chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa,  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ tiếp tục ra sức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Một số hình ảnh Bảo tàng Hùng Vương tổ chức hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) tại Bảo tàng Hùng Vương

Học sinh  Trường THCS Tân Dân tham gia giờ học lịch sử  về chủ đề “Phú Thọ hướng về Điện Biên” tại Bảo tàng Hùng Vương (Ảnh Đức Vũ)

Học sinh chụp ảnh cùng chiếc xe đạp thồ huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh Đức Vũ)

Trải nghiệm làm dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh Đức Vũ)

Bài viết: Nhàn Nguyễn


 

 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com