Thứ 6 | 03/01/2025

baophutho.vnCác làn điệu dân ca trên quê hương Đất Tổ từ nhiều đời nay được lưu truyền qua từng lời ca, điệu múa, bài thơ hay giản đơn chỉ là qua những câu chuyện kể của bà, của mẹ. Từ đồng bằng cho đến miền núi cao vẫn đều lưu giữ những làn điệu dân ca, dân vũ mang đặc trưng riêng của mỗi địa phương, vùng miền, dân tộc. Đã có thời kỳ các làn điệu dân ca tưởng chừng bị mai một, thất truyền, tuy nhiên, bằng tình yêu, trách nhiệm và tâm huyết của mình, các nghệ nhân, người yêu dân ca trong tỉnh vẫn từng ngày truyền cảm hứng để mạch nguồn văn hoá dân tộc được tiếp nối cho thế hệ mai sau.

Các thành viên CLB Hát Xoan và dân ca Phú Thọ xã Phượng Vĩ luyện tập trước buổi biểu diễn.

Trước khi Hát Xoan được đưa vào giảng dạy tại Giáo xứ Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, Nhân dân trong xã không mấy người biết đến làn điệu dân ca trao truyền của tổ tiên. Năm 2015, linh mục Nguyễn Văn Hạnh đã quyết định mở lớp dạy hát Xoan cho bà con giáo dân trong xứ đạo và mời nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch về trực tiếp truyền dạy. Đối với giáo dân xã Phượng Vĩ, những làn điệu: Nhập tịch mời Vua, Hạ thời cách, Xoan thời cách, Đố huê... mới đầu còn khá lạ lẫm, nhưng qua thời gian ngắn được truyền dạy họ đã thành thạo từ lời hát đến điệu múa.

Thấm thoắt gần 10 năm trôi qua, các làn điệu Xoan cổ vẫn được đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng trong Câu lạc bộ (CLB) Hát Xoan và dân ca Phú Thọ xã Phượng Vĩ tập luyện, biểu diễn thường xuyên. Tranh thủ dịp Hè hay những ngày cuối tuần, 45 thành viên trong CLB lại tập hợp tại nhà thờ, nhà văn hoá khu để luyện tập các làn điệu Xoan cổ. Mỗi khi nhịp trống, phách vang lên cùng tiếng hát của các đào kép đã tạo nên khí thế luyện tập sôi nổi.

Mặc dù là thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB, nhưng 2 năm qua kể từ khi tham gia sinh hoạt, cháu Dư Thảo Ly, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Phượng Vĩ đã trở thành giọng ca nổi trội mỗi khi biểu diễn trên sân khấu.

Chị Nguyễn Thị Hương - Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Là CLB Hát Xoan và dân ca cấp tỉnh đầu tiên của đồng bào công giáo trong tỉnh, chúng tôi đã dành tình yêu đặc biệt cho Xoan. Thành viên của CLB chủ yếu là lứa tuổi học sinh, các cháu luyện tập bằng niềm đam mê với Xoan và thấy được trách nhiệm của mình để bảo vệ Di sản văn hóa độc đáo của vùng quê Đất Tổ. Cùng với hát thánh ca trong nhà thờ, bà con giáo dân Phượng Vĩ đã vào đình làng xem biểu diễn các làn điệu Xoan cổ. Tình yêu di sản đã tạo sự gắn kết lương giáo ngày càng bền chặt”.

Cụ Đinh Thị Lan ở khu 18, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy vẫn hằng ngày hát ru và truyền dạy bài hát ru cho các cháu, chắt của mình.

“À a à ơi/ Ngủ đi em ơi/ Ngủ đi em à/ Ngủ đi để bà đi cấy con ruộng khoang/ Ngủ đi để bà đi gặt ruộng bãi/ Ngủ đi để bà đi rừng lấy quả cho em ăn...”. Đó là những lời ru mượt mà trong điệu U hạy (Ru em) đã bao đời nay trở thành món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người con xứ Mường từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi khôn lớn. Dù đã bước sang tuổi 92, mắt mờ, chân chậm, tay run, nhưng cụ Đinh Thị Lan ở khu 18, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy vẫn hằng ngày hát ru các chắt của mình.

Cụ bảo: “Ngày xưa cuộc sống khó khăn, không có đài, ti vi, không có nhạc, chỉ bằng những làn điệu dân ca Mường để hát ru cho em bé ngủ. Gia đình tôi vẫn duy trì hát ru cho con trẻ qua nhiều thế hệ. Hết đời con tôi, bây giờ đến đời cháu, chắt, hằng ngày tôi vẫn hát ru. Tôi cũng dạy lại cho các con, cháu, chắt những điệu hát ấy bằng tiếng Mường với mong muốn gìn giữ lời ru của dân tộc cho con cháu sau này”.

Để bảo tồn làn điệu hát ru của đồng bào dân tộc Mường, nhiều năm nay 40 thành viên trong CLB bảo tồn di sản văn hoá Mường ở xã Tu Vũ vẫn tổ chức truyền dạy, luyện tập. Mỗi điệu hát ru không chỉ đưa trẻ thơ dễ đi vào giấc ngủ mà còn như mạch nguồn tình cảm nuôi dưỡng, sưởi ấm tâm hồn và hình thành nhân cách cho con trẻ.

Ca trù là nghệ thuật dân ca được người dân xã Bình Phú, huyện Phù Ninh lưu giữ và thực hành.

Phú Thọ - vùng đất cội nguồn, nơi có nhiều di sản văn hoá đặc sắc gắn với đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam sở hữu các làn điệu dân ca mang đậm bản sắc vùng miền. Tiêu biểu phải kể đến hát Xoan - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, bên cạnh đó còn có hát Ghẹo, hát Trống quân... Đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng có những làn điệu dân ca rất tiêu biểu như: Hát Rang, hát Ví, hát ru, múa Trống đu, Hò đu... của người Mường, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, múa Sinh tiền của người Dao...

Mỗi loại hình âm nhạc lại đi cùng với những nghi lễ, phong tục tập quán riêng, thể hiện nét đẹp văn hóa, cộng đồng của các dân tộc. Đồng thời, Phú Thọ cũng là một trong các tỉnh, thành vùng lan tỏa Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trong đó, những làn điệu hát Xoan đằm thắm trữ tình, ngọt ngào sâu lắng trở thành đặc trưng của miền trung du Đất Tổ Vua Hùng. Toàn tỉnh hiện có 37 CLB Hát Xoan và dân ca Phú Thọ thu hút hơn 1.600 thành viên tham gia, từ đó giúp cho hát Xoan và dân ca ngày càng lan tỏa rộng khắp trong đời sống đương đại.
Để các làn điệu dân ca trên quê hương rừng cọ đồi chè ngày càng lan tỏa, tạo sức sống bền bỉ trong cộng đồng không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác văn hoá, các nghệ nhân mà còn cần cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân, góp phần tạo sức lan tỏa, nuôi dưỡng mạch nguồn, bồi đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc.
Hồng Nhung
Dẫn nguồn: 
Tiếp nối mạch nguồn dân ca Đất Tổ

 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com