Thứ 2 | 01/01/2024


1. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được rất tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, tình hình trong nước, trong tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức.


Toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; tăng trưởng kinh tế đạt 7,58%, nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng cao, đứng thứ 03/14 tỉnh Vùng Trung du và miền núi phía Bắc; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 17,6% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước tăng 37,8% so với dự toán; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7%. Tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao, là địa phương có tỷ lệ giải ngân nằm trong tốp đầu của cả nước.
 



2. Khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết 61-NQ/TU của Tỉnh ủy được tập trung chỉ đạo, đạt được những kết quả quan trọng.


Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, tháo gỡ được “điểm nghẽn” trong triển khai các dự án. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng, đã chủ động tổ chức xúc tiến đầu tư trực tiếp với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Thu hút mới, bổ sung vốn 102 dự án, trong đó 83 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký gần 6.900 tỷ đồng, 19 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 218,1 triệu USD. Thành lập mới 920 doanh nghiệp; đến nay, toàn tỉnh có 11,5 nghìn doanh nghiệp, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

 
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm được chú trọng đầu tư. Năm 2023, Phú Thọ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương liên quan đẩy nhanh và thực hiện vượt tiến độ 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm; hình thành mạng lưới giao thông đường bộ kết nối liên vùng và kết nối với hệ thống giao thông quốc gia. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; thành lập mới 04 Cụm công nghiệp: Nam Đoan Hùng, Phú Hộ, Đồng Phì, Ngọc Quan. Hạ tầng điện được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 



3. Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng


Tốc độ phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,2%. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật. Năm 2023, toàn tỉnh có thêm 02 huyện Thanh Ba và Tam Nông hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); 08 xã đạt chuẩn NTM, 08 xã NTM nâng cao, 105 khu dân cư NTM và 55 khu NTM kiểu mẫu. Đã cấp và quản lý 201 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực, toàn tỉnh có thêm 110 sản phẩm OCOP; lũy kế đến nay đã có 249 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 03 sao trở lên, vượt mục tiêu đến năm 2025.




4. Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vững vị trí, vai trò chủ đạo với mức tăng trưởng 11,5%


Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,3% so cùng kỳ, đứng thứ 03/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 02/14 tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đã đưa vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn về chế biến, chế tạo, sản xuất năng lượng mới... là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới: dự án pin năng lượng mặt trời VSUN (200 triệu USD); nhà máy sản xuất gạch Granite, ngói tráng men (1.646 tỉ đồng); nhà máy sản xuất viên gỗ nén MH Việt Nam (378 tỷ đồng); nhà máy sản xuất đồ nội thất dân dụng MEHOMES (300 tỉ đồng)...


5. Các hoạt động dịch vụ phục hồi và có bước phát triển; hầu hết các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng ước đạt 6,0%


Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,4%; doanh thu du lịch tăng 27%, lượng khách lưu trú tăng 13,3%. Huyện Thanh Thủy tổ chức thành công “Tuần Du lịch Thanh Thủy - Mùa thu năm 2023”. Giá trị xuất khẩu đạt 10,4 tỉ USD, đứng thứ 09/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.



6. Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đạt được nhiều kết quả nổi bật


Phú Thọ tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế, để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Đất Tổ: tổ chức thành công Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023; lần đầu tiên tổ chức Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Hội thảo quốc tế về phát huy giá trị của di sản văn hóa; Liên hoan văn hóa ẩm thực Đất Tổ và hội chợ du lịch Tây Bắc; Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc; Vòng loại thứ hai bảng A - Giải bóng đá nữ U20, vòng loại Giải bóng đá nam U23 Châu Á...
 



7. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và y tế của tỉnh nằm trong nhóm đầu của cả nước, nhiều chỉ tiêu đạt mức cao


Điểm thi bình quân tốt nghiệp THPT của Phú Thọ đứng thứ 08/63 tỉnh, thành phố. Kết quả thi học sinh giỏi tiếp tục duy trì thành tích cao, nằm trong nhóm đầu của cả nước. Phú Thọ có 03 Huy chương Bạc Olympic quốc tế và khu vực. Đây là năm thứ 5 liên tục Phú Thọ có học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và khu vực. Toàn tỉnh có 92,3% trường học đạt chuẩn quốc gia; chất lượng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ 88,9%.

 
Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển mạng lưới rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở; y tế dự phòng được tăng cường; chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa và các kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị; huy động trên 600 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế có bác sỹ làm việc và kết nối dữ liệu liên thông qua hệ thống công nghệ thông tin; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,7%.



8. Công tác cải cách hành chính, xâu dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ.


Năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, đi vào thực chất, đảm bảo việc quản lý, điều hành giữa các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã trên môi trường số. Chỉ số PCI xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 4/14 vùng; chỉ số PAR INDEX đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 6/14 vùng; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công - PAPI đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2021; đã triển khai đánh giá xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).



Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai tích cực, đã cấp trên 1,2 triệu thẻ căn cước công dân, trên 928,4 nghìn tài khoản định danh điện tử; tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính các cấp được nâng lên.


 

9. Công tác xây dựng Đảng, xâu dựng hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường.


Tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên; niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng lên. Chỉ đạo, tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 7, 8 (khóa XIII) đến các tổ chức đảng và cán bộ đảng viên trong tỉnh, với 19 điểm cầu và 4.415 đại biểu tham dự. Tiến hành đánh giá, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, với những kết quả đạt được quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật, hầu hết các mục tiêu chủ yếu đã cơ bản đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2025 (đã có 11/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX).


 

10. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.


Công tác quân sự địa phương được tăng cường, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tổ chức thành công diễn tập phòng thủ dân sự thành phố Việt Trì; khu vực phòng thủ các huyện Lâm Thao, Yên Lập, Đoan Hùng; diễn tập phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng huyện Tân Sơn đảm bảo an toàn, đúng kế hoạch.



Công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được triển khai hiệu quả; Công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử được quan tâm chỉ đạo; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; tăng cường tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh chính trị, giải quyết ổn định các vụ việc ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, các mục tiêu quan trọng, các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh.




Dẫn nguồn: 
10 SỰ KIỆN VÀ KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA TỈNH PHÚ THỌ NĂM 2023 (baophutho.vn)
 
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com