Thứ 4 | 11/09/2024

Phạm Bá Khiêm *

      Ngày 19/9/1954, tại sân đền Giếng (Khu di tích lịch sử Đền Hùng), Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308)  trước khi trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội : “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. 
      Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, trước khi từ chiến khu Việt Bắc trở lại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã đến thăm Đền Hùng. Đêm 18-9-1954, Bác Hồ nghỉ lại tại Đền Giếng, một di tích quan trọng trong quần thể khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Tại đây, sáng ngày 19-9-1954, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong (Đại đoàn 308) trên đường trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:

“ Các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước ”.

     Trong bài báo tường thuật cuộc gặp của Bác với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong đăng trên báo Quân đội nhân dân (số ra ngày 5/10/1954), nhà báo Khắc Tiếp lần đầu tiên trích dẫn lời của Người: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước ”. Rồi sau đó, trong một số bài viết có tác giả đã tự ý thêm vào hoặc rút gọn câu nói của Bác như: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải ra sức giữ nước”… Năm 1987, sau hội thảo khoa học cấp quốc gia tại Đền Hùng cũng vẫn còn có những ý kiền còn khác nhau về câu nói này của Bác. Câu nói ấy chỉ được cố kết đầy đủ và nguyên nghĩa trong bài báo “ Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ” năm 1969 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng (Báo Nhân dân ra ngày 29-4-1969). Theo ông Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác) thì khi đó Bác còn khỏe mạnh, Người đã đọc bài báo này và tỏ ý rất đồng tình.
     Như vậy, lần đầu tiên lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được Người tổng kết trong câu nói bất hủ đó. Sự khẳng định của Người đã trở thành phương hướng và cơ sở cho các nhà khoa học Việt Nam khi nghiên cứu về thời đại Hùng Vương trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lời dạy của Bác còn là tổng kết khoa học về quy luật tồn tại và phát triển của lịch sử dân tộc ta, đó là Dựng nước luôn đi liền với Giữ nước. Câu nói của Bác có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức dân tộc, nâng cao tinh thần đại đoàn kết, nguồn sức mạnh to lớn chi phối toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử dân tộc; là động lực cổ vũ lớn lao tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đồng thời còn là lời nhắc nhở về ý thức văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” cua dân tộc Việt Nam.    
     Đại tá Tống Xuân Đài, quê ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1940, khi mới hơn 10 tuổi, cậu bé Đài đã rời quê lên Hà Nội kiếm sống. Cũng như nhiều thanh niên khác, Tống Xuân Đài sớm đến với cách mạng; là tự vệ thành Hoàng Diệu, tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong đội ngũ Trung đoàn 66 do đồng chí Phùng Thế Tài phụ trách. Được tôi luyện, trưởng thành trong chiến đấu, đến tháng 3/1954, ông được cử đi học lớp nghiệp vụ bảo vệ do Cục Bảo vệ tổ chức tại Việt Bắc, rồi nhận nhiệm vụ công tác tại Cục bảo vệ - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã kể lại: “Trung tuần tháng 9 năm 1954, khi đang ở Tuyên Quang để học tập chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về nội quy nhập thành trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tôi được đồng chí Ngô Minh Loan - Cục trưởng Cục bảo vệ gọi lên giao nhiệm vụ cùng đồng chí Lại Xuân Thát - Chính trị viên tiểu đoàn (sau này là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ty công an tỉnh Nam Hà): “ Sang ngay Bộ Tổng tham mưu gặp anh Thành (đồng chí Hoàng Văn Thái) lấy công lệnh và giấy tờ cần thiết, dùng xe Zép của tôi (Cục trưởng ) đem theo bốn đồng chí cán bộ trung đội đến 2 bến phà Bình Ca và Đoan Hùng, lấy một chiếc phà tốt, cho một cán bộ lấy ca nô dợi sẵn tại bên bờ phía Tuyên Quang đến; giao cho một đồng chí chờ sẵn trên đường, thấy đoàn xe đến, trên  chiếc xe đi đầu có đồng chí Thanh Quảng - Phó văn phòng Tổng quân ủy ngồi thì cho cả đoàn xuống phà qua sông ngay và chờ sẵn ở đó đón đoàn về bất cứ lúc nào. Sau đó đến ngay khu vực gần Đền Hùng, tìm trong các thôn ở ven đường, nơi nào thuận tiện đi lại, vào một nhà dân bình thường, mượn 1 chiếc giường hoặc phản sạch sẽ trải chiếu sẵn sàng, đề phòng phải ngủ lại, để 1 người ở lại đó, 1 người ra đường đón”. Làm xong việc bố trí tại 2 bến phà, chúng tôi đến ngã ba Phú Hộ vào 1 gia đình bần nông, ở thôn gần đường, thuận tiện đi lại, mượn 1 chiếc phản gỗ trải sẵn chiếu, để anh Thát ở lại đó, tôi ra ngã ba Phú Hộ chờ. Mãi đến sẩm tối cũng không thấy đoàn xe có anh Thanh Quảng ngồi, sau đó có một đoàn xe con khác  đi đến nhưng cũng không thấy đồng chí Thanh Quảng gọi; mà đèn pha quá chói chẳng nhìn được gì. Vừa sốt ruột, vừa lo lắng, điện thoại để thông tin cũng không có, tôi và anh Thát bổ đi tìm. Xuôi xuống gần đến đầu huyện Hạc Trì, thì trông thấy ở phía chân đồi có ánh đèn, bọn tôi bèn xộc vào (sáng ra mới biết đó là đền Giếng, Khu di tích lịch sử đền Hùng). Vừa vào tới cổng thì anh Thanh Quảng biết có người đến nên vội đi nhanh ra ngoài ngăn chúng tôi lại, nói nhỏ: “Đến rồi! Đang nghỉ trong đền, các anh về nghỉ đi, sáng mai báo cho bộ đội đến đây sớm”.
      Ra về, chúng tôi vào nhà dân nghỉ nhờ. Nằm trằn trọc mãi không ngủ được, thế rồi tôi chợp mắt lúc nào không biết, sáng bật dậy đã hơn 6 giờ, vội rửa mặt, mặc quần áo đi ngay, vào đền tầm khoảng 7 giờ. Trông thấy Bác hồng hào, khỏe mạnh, mặc bộ đồ gụ, ngoài khoác chiếc áo đại cán, quần vén lên đến gối, ung dung thảnh thơi ngồi trên ngưỡng cửa đền Giếng ngắm cảnh thiên nhiên mùa thu miền trung du buổi sớm mai. Chúng tôi mừng rỡ khôn xiết, tiến lại gần Bác, giơ tay lên vành mũ, vừa cúi đầu hô to “ Lậy Bác ạ!”. Bác giơ tay ra hiệu nhận lễ và hỏi: “Sáng nay bộ đội đã ăn cơm chưa? ” Anh Thát trả lời: “ Dạ thưa Bác tối hôm qua..”.  Bác khoát tay ra hiệu và nói: “ Bác hỏi chú, bộ đội đã ăn sáng chưa, không hỏi chú tối hôm qua? ”. Anh Thát líu tíu chưa trả lời được, tôi đỡ lời: “ Dạ thưa Bác chưa ạ ”. Bác nói: “Sáng rồi các chú còn nhiều việc phải chuẩn bị. Bác cũng có việc của Bác, các chú kêu bộ đội đến đây để Bác nói chuyện”. Tuân lời Bác, chúng tôi đi nhanh ra cổng để gọi, vừa hay anh em bộ đội từ các đơn vị cũng đang đi đến. Khoảng 7h15, đoàn cán bộ do đ/c Vũ Yên - Tham mưu trưởng đại đoàn phụ trách, đã có mặt đầy đủ tại sân đền, chăm chú ngắm nhìn Bác kính yêu rất trân trọng không rời mắt. Do điều kiện sân đền quá hẹp, các bậc từ sân lên đến hè quá cao đến 4 - 5 bậc; bàn, ghế không có và do mải ngắm nhìn Bác nên chưa biết tập hợp thế nào để nghe Bác nói chuyện. Tôi đưa mắt nhì quanh rồi nhanh nhẹn nhặt mẩu gạch non gần đó khoanh một vòng tròn chếch xung quanh Bác và thưa: “ Thưa Bác chúng cháu ngồi quanh Bác như thế này ạ”. Quan sát một chút tỏ ý đồng tình, Bác gật đầu giơ tay ra hiệu cho bộ đội ngồi xuống. Đồng chí Vũ Yên ngồi bậc thềm cuối cùng chính diện trông lên Bác. Đồng chí Song Hào và đồng chí Thanh Quảng còn đứng trong đền sau lưng Bác, Bác quay lại bảo đồng chí Song Hào: “ Chú ngồi đây (mặt hè phía bên phải Bác), chú Thanh Quảng ngồi đây (mặt hè phía bên trái Bác)”. Tôi còn đứng xem bộ đội ngồi xong chưa và chỉ chỗ cho một vài đồng chí đến sau. Thấy vậy Bác nhìn tôi nói: “ Còn chú, chú ngồi chỗ kia (bậc thềm thứ hai từ mặt hè xuống về phía phải đồng chí Song Hào)”. Tôi vội ngồi xuống.
      Sau mấy phút ổn định chỗ ngồi, Bác mở đầu bằng câu hỏi : “Các chú có biết đây là đâu không ? ”. Nhiều đồng chí đồng thanh trả lời: “ Thưa Bác đây là Đền Hùng ạ !, đây là nơi thờ Hùng Vương ạ !”. Bác giơ tay ra hiệu im lặng và hỏi câu thứ hai : “Hùng Vương là người như thế nào với nước ta ?”. Bẵng đi vài phút chưa có ai trả lời, đồng chí Vũ Yên đứng dậy nói : “Thưa Bác ! ngày xưa…” Bác giơ tay ra hiệu cho đồng chí Vũ Yên ngồi xuống, rồi Bác nói : “ Đúng đây là Đền Hùng, thờ các Vua Hùng, Vua Hùng là người đã sáng lập ra nước ta, là tổ tiên của dân tộc ta. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước !”. Mọi người xúc động được nghe lời dạy bảo ân cần sâu sắc của Bác, nguyện ghi lòng tạc dạ không bao giờ quên.
     Tiếp đó Bác nói : “ Hơn 8 năm gian khổ chiến đấu do Đảng lãnh đạo, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, bộ đội và dân quân du kích dũng cảm đánh giặc; ta đã giành thắng lợi, quân Pháp phải cút khỏi miền Bắc nước ta, ta có nhiệm vụ về tiếp quản Hà Nội thủ đô của cả nước và những thành phố khác nữa. Nhiều năm các chú ở nông thôn và rừng núi, nay về thành phố nơi tạm chiếm của địch, đồng bào ta cũng đã nhiều năm bị địch hành hạ, cưỡng bức, rất khổ, có người bị dịch bắt buộc hoặc vì cuộc sống phải làm việc cho địch. Khi vào tiếp quản đóng quân trong thành phố các chú phải :
     1. Gần gũi dân, tôn trọng dân, làm tốt công tác dân vận, giải thích cho đồng bào hiểu chủ trương, chính sách của Chính phủ, không nghe kẻ xấu, yên tâm tiếp tục làm ăn, giúp đỡ Chính phủ, giúp đỡ bộ đội và cán bộ. Không được coi những người dân sống trong vùng địch tạm chiếm là đi theo địch mà xa lánh họ.
       2. Thành phố có đèn điện, máy nước và nhiều thứ khác nữa, có thể các chú chưa biết phải nhờ đồng bào chỉ bảo để biết cách sử dụng cho an toàn, tiết kiệm và giữ gìn vệ sinh cho tốt.
      3. Về thành phố cũng phải tổ chức học tập quân sự, chính trị, chính sách, học canh gác, tuần tra trong thành phố, giữ nghiêm kỷ luật, ra ngoài phải đi theo tổ ba người, khi đi xin phép, khi về báo cáo, tối đến phải tập hợp “kêu tên” (Bác nói tiếng Nghệ An - tức là điểm danh), hàng tuần, hàng tháng phải họp lại kiểm điểm phê bình và tự phê bình, phải đề cao cảnh giác. Các chú đã qua nhiều năm chiến đấu, không bị ngã vì hòn tên mũi đạn của địch, nếu kém cảnh giác có khi bị ngã vì “ viên đạn bọc đường ”.
     4. Tiếp quản là một việc rất mới, nhiệm vụ nặng nề các chú phải gắng hoàn thành tốt, chú nào có thành tích báo cáo lên chỉ huy để tặng Huy hiệu của Bác cho chú ấy, chú nào có thành tích to hơn báo cáo để Chính phủ tặng Huân chương.
      Nói đến đây Bác đưa tay bốc hai nắm huy hiệu của Người giao cho đồng chí Song Hào để phát cho mỗi người có mặt tại đây một chiếc.
      Khoảng gần 9h, Bác nói: “ Thời gian tiếp quản đã đến gần, còn nhiều việc phải chuẩn bị cho tốt. Bác còn có việc của Bác. Bác chúc các chú hoàn thành tốt nhiệm vụ ”.
      Sau đó, bộ đội nhanh chóng ra về; Bác nán lại ít phút trao đổi thêm gì đó với hai đồng chí Song Hào và Thanh Quảng; Chúng tôi chờ ở cổng đền rồi cùng Bác ra chỗ để xe. Bác lên xe đi trước, chúng tôi chào và nhìn theo xe Bác. Xe đi khuất chúng tôi mới lên xe, thu quân về Cục, báo cáo Cục trưởng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ”.
      Năm 2014, khi về thăm lại Đền Hùng, ông Đài đã bộc bạch: “ Sự kiện trên diễn ra đã 60 năm rồi, mà tôi vẫn thấy như là mới hôm qua. Thăm lại Đền Hùng, tôi vẫn xác định được chính xác vị trí Bác ngồi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong năm ấy là Đền Giếng trong khu di tích lịch sử Đền Hùng. Xin cảm ơn anh Đinh Đăng Định, nhà nhiếp ảnh tài hoa đã ghi lại được tấm hình quý giá này và hôm nay bức ảnh được phóng to trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng với tiêu đề : “Ngày 19 tháng 9 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ đại đoàn quân tiên phong (F 308), tại Đền Giếng, trong khu di tích lịch sử Đền Hùng trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội; Người căn dặn: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước ”.
     Thiếu tướng Nguyễn Hiền, nguyên là cán bộ cấp đại đội của Đại đoàn quân tiên phong (F 308), là người trực tiếp được nghe Bác nói chuyện tại đền Giếng hôm đó còn cho biết thêm, cũng cùng thời gian này, trong bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “...Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “Viên đạn bọc đường”, vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy”.
      Thực tiễn cho thấy, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, qua các giai đoạn lịch sử, lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên có đức, có tài của Đảng đã mật thiết gắn bó với nhân dân, trở thành tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng, về sự tận tụy hy sinh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Họ thực sự trở thành hình ảnh người cán bộ cao quý, không chút bụi mờ, gắn bó mật thiết với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trở thành hình mẫu lý tưởng cho thế hệ trẻ noi theo.
     Tiếc rằng, giờ đây có một bộ phận cán bộ, đảng viên không cưỡng lại được sự cám dỗ của “Viên đạn bọc đường”, đã xa ngã, biến chất, làm hoen ố hình ảnh, thanh danh cao quý của người đảng viên cộng sản, người cán bộ cách mạng, gây bức xúc và lo âu cho toàn Đảng, toàn dân. Do vậy, cuộc chiến chống “Viên đạn bọc đường" trước hết phải bằng những hành động cụ thể, tự soi, tự sửa, tự phê bình, tự ý thức để ngăn chặn được những cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng, vật chất, sắc đẹp xung quanh mình.
     Thiết nghĩ rằng, đã 70 năm qua đi, song những lời nhắc nhở của Bác vẫn mang tính thời sự, tươi mới như vừa ngày hôm qua. Nhớ lời Bác dậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên đang giữ chức vụ quản lý cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh để tránh bị “Viên đạn bọc đường” làm cho sa ngã, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, vi phạm những điều quy định đảng viên không được làm, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và anh hùng./.

Tưởng nhớ Bác, năm 2021, Bộ Quốc phòng xây dựng bức phù điêu có ghi lời dạy của Người tại Khu DTLS Đền Hùng (Ảnh: Hội DSVH Phú Thọ).

Ông Đài (đi thứ 3) cùng đoàn cán bộ đưa Bác ra xe sau khi Bác nói chuyện với Đại đoàn 308 ở sân đền Giếng (Ảnh do ông Đài cung cấp).
                                                                                    

* Địa chỉ liên hệ:  Phạm Bá Khiêm - Số nhà 79, phố Hàn Thuyên, khu Tân Tiến, phường Tân Dân, TP Việt trì, tỉnh Phú Thọ. SDĐ: 0913351845.

 

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com