Ngày 3/7, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao đã diễn ra Tọa đàm “Đồng thuận trong ASEAN để thúc đẩy lợi ích quốc gia”, với diễn giả là Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao.
Đại sứ, Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao tại Tọa đàm “Đồng thuận trong ASEAN để thúc đẩy lợi ích quốc gia”.
Tọa đàm có sự góp mặt của TS. Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao và ông Nguyễn Đắc Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao, cùng với đông đảo các cán bộ, đoàn viên, thanh niên đến từ các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.
Với chủ đề “Đồng thuận trong ASEAN để thúc đẩy lợi ích quốc gia”, tọa đàm là nơi để các cán bộ được tiếp thu những kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ, trong đó tập trung vào kinh nghiệm hoạt động của Việt Nam trong ASEAN và một số gợi ý cho việc triển khai năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Từng là Trưởng SOM ASEAN trong nhiều năm liền, Đại sứ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm của bản thân, cũng như những câu chuyện về tính đồng thuận trong ASEAN, về cách Việt Nam trở thành một thành viên có trách nhiệm của ASEAN ra sao, nhất là khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2010.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, ASEAN hay còn gọi là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vẫn được thế giới biết tới như là một Hiệp hội. Thế nhưng kể từ khi được thành lập năm 1967 cho đến nay, ASEAN đã có sự chuyển hóa rất lớn, trở thành một Cộng đồng đúng nghĩa, với 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội và có một Hiến chương.
Lý do vì sao ASEAN vẫn được gọi là Hiệp hội rất rõ. Đầu tiên, ASEAN quá đa dạng và tính chất Hiệp hội sẽ quyết định cho sự đồng thuận sau này, tăng thêm sự đoàn kết. Điều này cũng khác với các tổ chức quốc tế hay khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU). Thứ hai, các thành viên ASEAN sẽ thấy được rõ những lợi ích của mình khi tham gia Hiệp hội, cũng như hội nhập khu vực, nắm bắt và có được sự so sánh rõ rệt giữa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực. Rõ ràng, khi có được Hiến chương ASEAN và các Cộng đồng ASEAN, những lợi ích chung sẽ được tập trung nhiều hơn.
Nếu không nhận biết được những sự chuyển hóa đó, cũng như những gắn bó của lợi ích quốc gia của Việt Nam với môi trường khu vực, với ASEAN thì sẽ không thể phát huy được tối đa vai trò, vị thế và cũng như lợi ích của quốc gia, dân tộc, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết.
Ngoài ra, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào năm 1995 cũng là một bước chuyển hóa lịch sử đối với cả nền đối ngoại Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Với Việt Nam, ASEAN chính là bước đệm đầu tiên giúp cho Việt Nam từng bước hội nhập kinh tế khu vực và thế giới và sau này là hội nhập quốc tế.
Đối với ASEAN, đây là những bước đệm đầu tiên để hòa nhập 10 quốc gia Đông Nam Á, cùng đem lại một khu vực đoàn kết, đồng nhất. Trong 25 năm qua, ASEAN đã trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu đối với Việt Nam và ngược lại.