Thứ 4 | 26/02/2020

PTĐT - Thời điểm Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng đang bắt đầu, để đại hội Đảng thành công các cấp ủy, tổ chức đảng nhất là người đứng đầu phải nêu cao vai trò trách nhiệm làm tốt những yêu cầu đặt ra trước, trong và sau đại hội. Trong đó có nhiệm vụ đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang tăng cường chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá đại hội Đảng.

 Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Đại hội tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015 - 2020 và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo và bầu Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.

 Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước, diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Trước những thành công của Việt Nam các thế lực thù địch, phản động đang rất “hằn học” ra sức tăng cường các hoạt động chống phá Đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là về nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

 Hiện nay, càng gần đến thời điểm đại hội Đảng, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn lại càng tăng cường chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, họ lợi dụng các kỳ đại hội Đảng là lúc nhân dân đặc biệt quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước nên cho rằng đây là cơ hội để tấn công, làm chuyển hoá tình hình, thay đổi đường lối chính trị ở nước ta. Chính vì vậy các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị đang điên cuồng, chống phá chúng ta bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn khác nhau. Vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển lực lượng ở trong nước ta để tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, chống đối từ nội bộ Đảng hòng phá ta từ bên trong phá ra, làm cho ta hoang mang, dao động mất phương hướng, nghi ngờ lẫn nhau dẫn đến mất đoàn kết mà tự diễn biến, tự tan vỡ. Họ làm như vậy để cố tìm ra và tạo dựng nên những sự kiện “nóng”, “nhạy cảm”, “ngọn cờ” “thủ lĩnh” để chống ta. Một số người cơ hội chính trị, bất mãn cũng lợi dụng tập hợp các diễn đàn, tọa đàm, phản biện, góp ý cho Đảng, lợi dụng các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái của mình, liên tiếp viết “tâm thư”, “thư ngỏ”, “kiến nghị”, tung tài liệu vu cáo, đả kích chế độ ta, tác động vào nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, văn nghệ sĩ, trí thức...
 Trong chiến thuật tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng thủ đoạn đề cao, tuyệt đối hóa vai trò của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ nói nước ta không cần Chủ nghĩa Mác-Lênin mà chỉ cần Tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Hay trong các nội dung xuyên tạc về Đảng ta, các thế lực thù địch luôn lặp đi lặp lại rằng trong Đảng cũng có “phe này”, “phe kia”, “phe bảo thủ”, “phe cấp tiến”, “phe thân chỗ này”, “phe thân chỗ kia”... Trong nội bộ lợi dụng vấn đề đoàn kết trong Đảng để chống phá, họ cho rằng nguyên nhân dẫn đến thủ tiêu đấu tranh, khiến cho việc tự phê bình và phê bình không còn thực chất vì đảng viên sợ mang tiếng là “mất đoàn kết”. Họ cho rằng đề cao dân chủ chính là phải “đa nguyên”, “đa đảng”, thì Đảng ta mới mạnh được…
 Họ chuyển tải các chủ trương, quan điểm đó thông qua việc xuất bản, tán phát các tài liệu, ấn phẩm như: sách báo, tạp chí, tập san, tờ rơi… của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Thông qua các báo cáo, nghị quyết, dự luật của nghị viện, thượng viện ở một số nước phương Tây; các văn bản pháp lý của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để chống phá như: Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW)…

 Trong đó, họ đã lập hàng nghìn trang web, blog, các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng ta. Qua đó, chúng phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành tựu đã đạt được, lợi dụng bóp méo những khuyết điểm, hạn chế, trong quản lý kinh tế, xã hội, những sơ hở thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội; nhằm xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, làm suy yếu và mất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 Thực tiễn cho thấy, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa bao giờ ngừng nghỉ, đây là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức.

 Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác; không để suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, góp phần thực hiện thành công Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần quán triệt một số yêu cầu sau.
 Trước hết, quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức chính trị, hành động cách mạng trong việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nhận thức đầy đủ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Ðây là nội dung căn cốt, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

 Cần phải tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Vận dụng sáng tạo, không ngừng hoàn thiện, bổ sung và phát triển về lý luận làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống lâu bền trong dòng chảy cách mạng Việt Nam.

 Hai là, các cấp uỷ và tổ chức đảng thường xuyên bám sát định hướng chỉ đạo, hướng dẫn trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phê phán các quan điểm thù địch sai trái của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn; gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đi vào nền nếp đạt hiệu quả cao.
 Tích cực chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền phá chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, đại hội đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng.

 Ba là, làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đây là nội dung mà các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị thường soi vào để xem chúng ta có sơ suất, thiếu sót, khuyết điểm gì không để lợi dụng chống phá. Lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ, sâu sắc, hiệu quả các các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ phải đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới phải sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả.

 Bốn là, công tác nhân sự có vai trò vị trí hết sức quan trọng trong thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là nội dung các thế lực thù địch thường lợi dụng cái gọi là “dân chủ”, phe này, phe kia… để chống phá ta. Do đó công tác nhân sự và bầu cử nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý đội ngũ công tác cán bộ và cán bộ. Thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch, chống chạy chức chạy quyền. Công tác cán bộ phải thực hiện cho bằng được chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất!". Phải đặc biệt coi trọng chất lượng, tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép trên internet, mạng xã hội liên quan đến công tác nhân sự.

 Năm là, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và địa phương, tránh tình trạng “nghe ngóng” “thờ ơ vô cảm” “không nhúc nhích”, không làm gì cả sợ đụng chạm ảnh hưởng đến phiếu bầu hay có hành động thì cũng chỉ là cho có, cầm chừng. Không vô cảm, mà cần phải hành động mạnh mẽ quyết liệt, chống “virus trì trệ”, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm, tạo niềm tin của Nhân dân với Đảng góp phần vào thành công của đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
NGUYỄN MINH
Dẫn nguồn: baophutho.vn

 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com