Thứ 3 | 11/07/2023
PhuthoPortal - Tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường, sáng ngày 11/7/2023, Kỳ họp thứ Sáu - HĐND tỉnh khóa XIX bước vào phiên giải trình. Nhiều vấn đề về chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, tài nguyên môi trường đã được làm rõ.

Đồng chí Dương Hoàng Hương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên giải trình

Đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm

Giải trình về kết quả đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền cho biết: Nhìn tổng thể chung, kinh tế của cả nước và của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của tỉnh được duy trì, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức tăng cao với tốc độ tăng trưởng đạt 7,22% (đứng thứ 3/14 tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố). Tuy nhiên, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.972 tỷ đồng, bằng 81,7% so với cùng kỳ (đặc biệt thu từ khu vực sản xuất kinh doanh trong nước chỉ bằng 79,6% so với cùng kỳ). Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 95.542 tỷ đồng, chỉ tăng 3,2% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm (năm 2022 tăng 7,1%, năm 2021 tăng 15,8%), chủ yếu là các dư nợ ngắn hạn, không phát sinh ở các dự án mới. Có đến 37/45 (82%) doanh nghiệp lớn của tỉnh giảm doanh thu so với cùng kỳ; hầu hết các ngành hàng truyền thống, doanh nghiệp chủ lực sản xuất đều giảm, có lĩnh vực giảm sâu. Do đó dẫn đến các chỉ số GRDP, thu ngân sách nhà nước, dư nợ cho vay của toàn tỉnh đều giảm so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng: Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn do dự báo các tháng cuối năm, sản xuất kinh doanh chịu nhiều tác động, đối mặt với nhiều khó khăn thách thức hơn, động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư giảm, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục khó khăn... sẽ tác động rất lớn đến việc điều hành và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2023 và có thể tác động trong dài hạn.

Hạn chế doanh nghiệp ảo” thành lập nhưng không hoạt động

Cư tri phản ánh về thực trạng có khá nhiều doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động, tạm dừng hoạt động. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ doanh nghiệp ảo”, trong đó không loại trừ một số doanh nghiệp thành lập nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, như mua bán hóa đơn, gian lận thuế. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ năm 2000 đến nay số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp tăng bình quân 500 doanh nghiệp/năm; đến nay có khoảng 11.000 doanh nghiệp, tăng 22 lần so với năm 2000; trên 7.100 doanh nghiệp có đăng ký thuế, có hoạt động kinh tế phát sinh, chiếm tỷ trọng 64% (tương đương mức bình quân chung cả nước).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình về chỉ số tăng trưởng của tỉnh 6 tháng đầu năm

Thời gian qua việc theo dõi, phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp được tăng cường, như: Trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình đăng ký doanh nghiệp bằng các hình thức văn bản điện tử và đăng tải trên hệ thống đăng ký kinh doanh Quốc gia; cung cấp trên 1.200 lượt hồ sơ theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án)phối hợp với Công an tỉnh xử lý doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luậtphối hợp Cục Thuế tỉnh kiểm tra, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu của 3.570 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, rà soát đã thực hiện cảnh báo vi phạm yêu cầu báo cáo giải trình trên Hệ thống Ứng dụng hậu kiểm toàn quốc đối với 3.136 doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý thuế; phối hợp Cục Thuế tỉnh cảnh báo vi phạm đối với 1.343 doanh nghiệp; phối hợp xác định hành vi vi phạm thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 1.793 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh không tìm được địa chỉ; hoặc không khai báo khi ngừng kinh doanh. Do đó, thời gian tới tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; tăng cường công tác phối hợp trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức đối thoại giữa các cơ quan của tỉnh với doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của doanh nghiệp; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh

Về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện “Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang phân tích:

Đề án đã được BTV Tỉnh ủy thông qua tại Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 31/3/2021 với khối lượng: đo đạc bản đồ địa chính 116 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) của 10 huyện, thành, thị (gọi chung là huyện); lập hồ sơ địa chính 175 xã của 12 huyện (trong đó có 116 xã đo mới và 59 xã (69 xã trước sáp nhập) của giai đoạn cũ 2008 - 2020) và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 208 xã của 12 huyện. Kinh phí thực hiện 892 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang giải trình tại hội trường

Đối với công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính (do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư):  Các bước đầu về khảo sát, điều tra, lập Thiết kế Kỹ thuật - Dự toán đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính mất nhiều thời gian do tài liệu, hồ sơ quản lý đất đai lưu tại địa phương qua các thời kỳ không đầy đủ, trong khi số liệu thống kê, báo cáo không còn sát với thực tế; thời gian đầu, các huyện, thành, thị còn lúng túng trong công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán; kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị Tư vấn thực hiện, quản lý dự án; việc rà soát, đối chiếu và quy chủ sau đo đạc bản đồ địa chính để kê khai, đăng ký đất đai mất rất nhiều thời gian; phần lớn các huyện, thành, thị chưa bố trí đủ kinh phí của cấp huyện cho công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính các xã đã triển khai tại địa phương.

Đối với công tác hoàn thiện hồ sơ địa chính của các xã thực hiện giai đoạn 2008 - 2020 (do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư): Công tác phối hợp giữa Đơn vị tư vấn, UBND cấp xã, Văn phòng Đăng ký cấp huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường chưa tốt, nhất là khâu xét duyệt, xác nhận hồ sơ, làm thời gian kéo dài. Hiện nay, nhiều đơn vị tư vấn không có đủ nhân lực thực hiện; trong đó có một số đơn vị đã dừng, xin chấm dứt thanh lý hợp đồng với Sở Tài nguyên và Môi trường. Đơn vị đã lập hồ sơ kê khai để cấp giấy chứng nhận, UBND cấp xã đã xét duyệt nhưng hiện nay phải sửa đổi, làm lại (do các văn bản, mẫu đơn, căn cước công dân… đã thay đổi). Nhiều vị trí, thửa đất trên Bản đồ địa chính đã đo vẽ trước đây không còn đúng với thực địa (đặc biệt là đất nông nghiệp), trong khi cán bộ Địa chính mới chưa nắm bắt được hết địa bàn của xã dẫn đến khó khăn trong công tác quy chủ, lập hồ sơ kê khai, đăng ký đất đai...

Đối với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính: Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu tại 75 xã của 4 huyện: Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy còn chậm; phần mềm ELIS để quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu địa chính hiện nay đã lạc hậu, lỗi không cập nhật được, trong khi UBND tỉnh chưa phê duyệt kế hoạch thuê hạ tầng công nghệ thông tin.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ tại các địa phương để xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự, cách thức thực hiện cho các địa phương áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh. Đề nghị trong thời gian tới, UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, người dân về mục đích, yêu cầu của Đề án đo đạc bản đồ, đăng ký đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời, tham mưu, chỉ đạo để cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, trong đó chú trọng việc thành lập các tổ công tác, tổ giúp việc chuyên trách tại cấp huyện, cấp xã và giao trách nhiệm đôn đốc thực hiện hằng tháng, hằng tuần theo địa bàn phân công để nhiệm vụ phải được thực hiện liên tục.

Khánh Trang - Lệ Thủy

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com