Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 19/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, tiếp thu, làm rõ các ý kiến.
Quang cảnh phiên thảo luận hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035
Trong một phạm vi nào đó thì chúng ta đang vượt qua tư duy của nhiệm kỳ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, 29 ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận sáng đều đề cập rất sâu sắc, rất tâm huyết và trách nhiệm. "Chúng tôi rất phấn khởi khi 29 ý kiến này đều thảo luận và thống nhất cao sự cần thiết phải có chương trình và mong muốn chương trình sớm được ban hành. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để chương trình có tính khả thi cao khi triển khai thực tế, đó chính là những ý kiến rất trách nhiệm." - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên đó là, sáng nay 19/6, trong lúc Quốc hội đang tập trung thảo luận về Chương trình MTQG về phát triển văn hóa thì cũng là lúc dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan hữu quan đang chuẩn bị tổ chức lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vào ngày mai. Trong cuốn sách đó, Tổng Bí thư đã khái quát lại về mặt lý luận, làm sáng tỏ những vấn đề của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối văn hóa của Đảng ta; về những nhiệm vụ, giải pháp cho văn hóa phát triển.
Theo Bộ trưởng, qua thống kê cho thấy, chưa có một ngành nào mà có nhiều khái niệm như ngành văn hóa đang quản lý. Đến thời điểm này có hơn 500 định nghĩa về văn hóa. Tùy theo cách tiếp cận khác nhau để có những định nghĩa khác nhau. Vì vậy, để xây dựng một Chương trình MTQG về phát triển văn hóa không đơn giản.
"Hôm nay Quốc hội bàn nhưng Quốc hội kỳ sau mới tổ chức triển khai thực hiện" - Bộ trưởng nói và cho rằng, trong một phạm vi nào đó thì chúng ta đang vượt qua tư duy của nhiệm kỳ. Không phải chỉ riêng Bộ nào mà chính Quốc hội cũng đã vượt qua tư duy của nhiệm kỳ để làm một việc lớn của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội
Làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm đó là, liệu một số nội dung có vi phạm Luật Đầu tư công hay không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ khi làm chương trình mục tiêu này. "Chúng tôi đã tiếp thu, kế thừa các chương trình liên quan. Đồng thời, lấy ý kiến của tất cả các bộ, ngành, tất cả các địa phương, các nhà khoa học. Cơ quan soạn thảo cũng thiết kế các nội dung thành phần theo hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công" - Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và tiếp tục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ hơn các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Bởi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Quốc hội để trình Luật Đầu tư công và cũng là cơ quan chủ trì thẩm định Chương trình. Và giai đoạn này mới chỉ là chủ trương đầu tư còn việc thiết kế phải sau khi Quốc hội có nghị quyết về vấn đề này.
Về việc có trùng lặp giữa Chương trình MTQG về phát triển văn hóa và các Chương trình MTQG khác, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã rà soát trong 3 Chương trình MTQG và thấy rằng, ngoài Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững không có nội dung trùng lặp, chỉ có duy nhất dự án 06 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là có liên quan. Tuy nhiên, giai đoạn thực hiện của dự án này cũng chỉ đến năm 2025, như vậy thực tế chúng ta đang kế thừa và chuyển giao dự án này. Ngoài ra, nguồn lực cho dự án này cũng không nhiều.
Về vấn đề nguồn lực, Bộ trưởng cho biết, khi triển khai xây dựng Chương trình thì cơ quan soạn thảo đã dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã có tính toán trong lộ trình.
Về đối tượng, một số đại biểu Quốc hội có đề cập đối tượng trong nước và ngoài nước. Bộ trưởng nêu dẫn chứng từ việc Hiến pháp tại Điều 40, Điều 41, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, đã khẳng định mọi người đều có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các hoạt động văn hóa. Vì vậy, Chương trình đã xác định đối tượng hưởng thụ là Nhân dân cả nước và còn mở rộng thêm kiều bào ta ở nước ngoài.
"Quốc hội đã từng cho phép xây dựng Trung tâm Văn hóa ở Pháp có 252 tỷ đồng, Trung tâm Văn hóa ở Lào có 190 tỷ đồng... đây là nơi ngôi nhà chung của kiều bào Việt Nam, là nơi để quảng bá, giới thiệu văn hóa của đất nước. Những ai được chứng kiến ngày 19/5 vừa qua nhân kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, các em bé ngoại quốc hát lời bài hát bằng tiếng Việt "ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" đều thật sự xúc động và thấy được giá trị, ý nghĩa văn hóa của Việt Nam" - Bộ trưởng nói.
"Hiện nay, các Trung tâm văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài hoạt động rất tốt, biên chế chỉ có 3 người và có nghệ sĩ của Việt Nam cũng luân phiên để sang biểu diễn, còn chủ yếu dựa vào Hiệp đoàn, Liên đoàn, Hiệp hội và đồng bào ở đó" - nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo không đề xuất xây dựng tất cả Trung tâm văn hóa ở các quốc gia mà chỉ có cộng đồng nào có đông người Việt Nam nhiều nhất và theo thứ tự sau khi Chính phủ báo cáo Quốc hội các dự án cụ thể.
Về vấn đề ngân sách phân cấp, cơ quan soạn thảo có đề xuất đóng góp của địa phương tính chung là 24,6%, Bộ trưởng cho biết, đã tính toán đến các yếu tố đặc thù, tuy nhiên sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh cụ thể.
Khẳng định các ý kiến đóng góp đều rất xác đáng, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát về chỉ tiêu để khi tổ chức thực hiện phải theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chọn ra các lĩnh vực để đầu tư để đảm bảo tính hài hòa tổng thể.
Hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều rất sôi nổi, tâm huyết, chất lượng, thẳng thắn, ngắn gọn, đa chiều, phong phú, sâu sắc, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Qua thảo luận cho thấy nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng chương trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết thúc phiên thảo luận
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là chương trình rất quan trọng, có nội dung rất rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội. Chương trình cơ bản đã đáp ứng được tiêu chí của Chương trình MTQG, có tính đột phá, nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa cũng như tư tưởng hiến định, mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng cơ sở văn hóa tại Điều 41 Hiến pháp năm 2013.
Góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh và là hồn cốt của dân tộc.
"Nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ và tương thích, khả thi giữa việc xác định các quan điểm chính sách và hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, nhiệm vụ, giải pháp, các nội dung thành phần của chương trình. Bảo đảm các nội dung đề xuất với Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư chương trình phải thực sự là những nội dung quan trọng, cấp thiết, có tính ưu tiên; mục tiêu của chương trình phải có tính khả thi cao, có cơ sở đáp ứng đúng, trúng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Nguồn lực đầu tư phải tương xứng với kết quả thực hiện, không thay thế các nhiệm vụ chi thường xuyên, không trùng lặp với các chương trình, dự án khác" - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, nhiều ý kiến lưu ý việc phát huy tối đa những bài học kinh nghiệm đã qua thực tiễn xây dựng, vận hành và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua để xây dựng chương trình thực sự thiết thực, đúng tiêu chí, tầm vóc của chương trình mục tiêu quốc gia như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân về các đột phá mà chương trình sẽ tạo ra trong phát triển văn hóa, nhất là trong phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý, vận hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thu hẹp đầu mối quản lý, hạn chế cơ chế xin - cho. Tăng cường trách nhiệm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tối ưu nguồn lực đầu tư cho chương trình, không dàn trải, không để xẩy ra tình trạng không bố trí được nguồn lực để thực hiện hoặc bố trí được nguồn lực nhưng không thực hiện được hoặc đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu khó thực hiện và khó đo lường được kết quả đầu ra.
Nhiều đại biểu quan tâm đề nghị chương trình làm rõ hơn một số nội dung trong 10 nhóm nội dung thành phần với hệ thống chỉ tiêu cho sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc lựa chọn các nội dung ưu tiên, chỉ tiêu thực hiện có tính lan tỏa, tính dẫn dắt, tạo hiệu ứng cao trong toàn xã hội. Các đại biểu cũng quan tâm đến các chủ thể sáng tạo và thực hiện chương trình. Trong đó, cần nêu rõ hơn các chính sách để phát huy vai trò sáng tạo và tổ chức thực hiện văn hóa của nhân dân và các lực lượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Vấn đề nguồn lực, phân bổ nguồn lực, cơ chế thực hiện nguồn lực, tỷ lệ đối ứng của địa phương. Bên cạnh đó, việc huy động xã hội hóa nguồn lực để thực hiện chương trình cũng là nội dung rất quan trọng.
Một nội dung cũng được các đại biểu rất quan tâm đó là phần tổ chức thực hiện, vai trò của Chính phủ, vai trò của cơ quan thường trực và các cơ quan có liên quan đến việc hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện, trong đó có vai trò quản trị sự phối hợp trong thực hiện chương trình là rất quan trọng và nhiều nội dung khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng các khía cạnh, tác động của chương trình.
"Ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và phát biểu tại hội trường hôm nay để tiếp tục tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu một cách xác đáng và tối đa các ý kiến góp ý; hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.
Thế Công - Xuân Trường
Dẫn nguồn: Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH về Chương trình MTQG phát triển văn hóa (bvhttdl.gov.vn)