Thứ 2 | 10/02/2020
Lê Thoa - TP. QL Di sản văn hóa
 

Xuân Sơn là vùng đất cổ, nơi có người Dao Tiền định cư lâu đời, cư trú thành các bản tập trung như: Bản Dù, bản Cỏi, bản Lấp... Người Dao Tiền ở xã Xuân Sơn vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của mình về đặc điểm cư trú, phân bố dân cư, kiến trúc nhà ở, không gian làng bản, các tập quán trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh mang nét văn hóa riêng cộng đồng.
Lễ cấp sắc của người Dao nói chung là nghi lễ trưởng thành, rất phổ biến với nhiều tên gọi khác nhau như: “Quả tăng”, “Lập tịch”, “Tẩu say”. Người Dao Tiền gọi là “Cấp sắc”, hay còn gọi là “Lập tĩnh” có nghĩa là đặt tên âm hay đặt tên cúng cơm dành cho đối tượng là nam giới, đánh dấu sự trưởng thành của họ về mặt sinh lý cũng như về mặt xã hội, họ được cộng đồng thừa nhận, được hưởng quyền lợi của mình trong xã hội, được công nhận là con cháu của Bàn Vương và mới có đủ điều kiện để trở thành thầy cúng giúp ích cho xã hội.
Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian: Tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật diễn xướng qua các bài múa nghi lễ, bài hát; nghệ thuật trang trí ban thờ, trang trí trên trang phục của các thầy cúng; âm nhạc dân gian... đều mang đậm nét văn hóa truyền thống. Thông qua Lễ cấp sắc, các yếu tố lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của người Dao Tiền được tái hiện lại một cách sâu sắc trở thành môi trường, không gian sinh hoạt và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng về mặt xã hội, văn hóa và tín ngưỡng.
Lễ cấp sắc có nhiều cấp bậc, cao nhất là đại lễ cấp sắc mười hai đèn nhưng phổ biến nhất là tổ chức Lễ cấp sắc ba đèn (hai ngọn nến đặt trên vai và 1 ngọn nến đặt trên đầu) và ba mươi sáu binh mã  ở vùng người Dao Tiền xã Xuân Sơn nói riêng và của cộng đồng người Dao Tiền tỉnh Phú Thọ nói chung. Lễ cấp sắc của người Dao Tiền được tổ chức thường kéo dài ba ngày, hai đêm với nhiều nghi lễ phức tạp được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đọc, hát, múa, trò diễn xướng dân gian, lên đồng, bắt quyết trấn trạch. Các nghi lễ được tổ chức ở nhiều thời điểm, địa điểm và không gian khác nhau, có những nghi lễ được tổ chức vào ban ngày, có những nghi lễ được tổ chức vào ban đêm, một số nghi thức được tổ chức trong nhà, có những nghi thức được tổ chức ngoài hiên... các nghi lễ vừa mang tính độc lập lại vừa đan xen lẫn nhau theo một trình tự thống nhất từ khi mở đầu đến khi cấp sắc. Lễ cấp sắc của người Dao Tiền gồm những nghi lễ chính sau:
Lễ hẹn “Giặm hẹn”: Trước khi tổ chức Lễ cấp sắc, gia chủ phải nhờ hai thầy chủ lễ đến gia đình giúp cúng hẹn với tổ tiên, sư phụ, Bàn Vương. Lễ đón thầy “đăng sờ” để tổ chức lễ hợp sư: Đây là công việc rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của lễ cúng, cũng như cuộc sống của người con trai sau này có được thành đạt, hạnh phúc hay không. Bởi vậy, khi lựa chọn người làm thầy cúng chính trong Lễ cấp sắc người Dao Tiền dựa trên nhiều tiêu chí như: Gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, vợ chồng có cả nam và nữ, gia đình yên ấm, hạnh phúc với mong muốn để sau này người con sẽ được hưởng phúc đức từ người thầy. Ngoài ra, ở người Dao Tiền có có tiêu chí lựa chọn riêng tùy theo người được làm lễ cấp sắc. Thầy xin phép tổ tiên đưa binh mã “Chiết panh” vào và chia binh mã trong nhà để làm cấp sắc: Là lễ để cho hai thầy cả và phụ thực hành nghi lễ với các sư phụ, tổ tiên và Bàn Vương; báo cáo, xin phép tổ tiên của gia đình gia chủ cho phép rước binh mã của các thầy vào trong nhà để nhập vào bàn thờ, tranh thờ, để tiến hành lễ cấp sắc được tốt đẹp, thuận lợi. Lễ khai đàn treo tranh “Mảng Miên”: Khi cấp sắc, người Dao Tiền treo sáu bức tranh thờ với ý nghĩa để cho binh mã nhập vào tranh thờ cùng tranh thờ chứng kiến và bảo vệ cho thầy và trò, người dân trong Lễ cấp sắc.  Xòe (nhảy múa điệu Nhảng miên giảng): Trong ngày Lễ cấp sắc cho con trai của gia chủ, các chủ gia đình trong bản được mời đến dự và chứng kiến lễ cấp tên cho con trai của mình. Những người đến là nam giới chủ nhà hoặc các cụ ông, họ đảm nhận công việc múa góp vui trong buổi lễ. Độc đáo và linh thiêng nhất trong nghi lễ này là nghi thức soi sáng tâm hồn và thể xác cho học trò, thời điểm diễn ra từ lúc 2 - 4 giờ sáng. Lễ mời tổ tiên chứng dám và lễ cúng sư phụ (tổ sư thầy cúng) để làm lễ đặt tên âm cho học trò: Đây là nghi lễ mở đầu cho tất cả các lễ cúng xin phép, báo cáo với tổ tiên về việc gia đình làm Lễ cấp sắc và cầu mong tổ tiên phù hộ, giúp đỡ gia đình tổ chức lễ cúng được tốt đẹp. Sau đó thầy mo cả làm lễ cúng sư phụ về chứng kiến học trò được đặt tên âm. Lễ đặt tên: Khi chọn tên cho người được cấp sắc, người Dao Tiền quy định, tên của người đó không được trùng với tên tổ tiên trước đây đã đặt, không được trùng với tên tổ tiên của hai thầy cấp sắc. Trong Lễ đặt tên có các nghi lễ: Dâng hương hay còn gọi là Cấp bát hương “piêu hòm hoang”; Cấp đèn “Sao tang”. Học trò sau khi cấp sắc được các thầy dẫn đi chèo (múa): Sau khi trò thụ lễ thành công, thầy mo con hướng dẫn cho học trò đi chèo (nhảy múa). Nghi thức này, người Dao Tiền gọi làm múa chúc mừng cho học trò đã được đặt tên âm, được dâng hương, thắp đèn… Lễ đưa ma đồi: Trong lễ này có điệu múa lên đồng với cách lên đồng của người Dao Tiền khá độc đáo và ba cô gái đồng trinh được mời đến để hát làm vui tổ tiên, sư phụ của thầy cúng. Lễ cúng Bàn Cổ mời Bàn Cổ (ông tổ của người Dao) về nhà chứng kiến Lễ cấp sắc cho học trò. Lễ cúng tạ lễ tổ tiên với ý nghĩa cảm ơn các sư phụ đã về giúp đỡ thầy được hoàn thành công việc cấp sắc cho học trò.
Lễ cấp sắc là một nghi lễ đặc biệt quan trọng và được cộng đồng người Dao Tiền gìn giữ và duy trì cho đến ngày nay. Thông qua việc tổ chức Lễ cấp sắc đã tạo ra những giá trị về vật chất (Lễ vật, dụng cụ, hệ thống các đạo cụ, đồ vật, đồ dùng như: Trống, chiêng, tù và, tranh ảnh, giấy, trang phục...); sản phẩm tinh thần; về tín ngưỡng tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa, cụ thể là:
Giá trị lịch sử:  Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, từ thơ ca, âm nhạc, biểu diễn, tạo hình... mỗi thể loại đều đều gắn liền với câu truyện, nguồn gốc lịch sử được người Dao Tiền ghi chép trong các cuốn sách cổ, qua các bài thơ, bài hát, điệu múa góp phần minh chứng hơn về nguôn gốc lịch sử hình thành và phát triển của người Dao Tiền nói riêng và nói chung của cộng đồng người Dao tỉnh Phú Thọ nói chung, quá trình di cư của người Dao vào Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu rất quý giá cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về người Dao nói chung và người Dao ở Việt Nam nói riêng. Lễ cấp sắc còn phản ảnh sinh động về những phong tục, tập quán, đời sống kinh tế của người Dao Tiền trước đây, đó là nền kinh tế nông nghiệp, trong lễ cấp sắc có các nghi lễ cúng cầu mùa, cúng gọi hồn các loại giống cây trồng, vật nuôi, đến các bài múa, bài hát kể về quá trình lao động, sản xuất để tạo ra các hạt thóc, hạt lúa đến các công cụ để làm ra các vật phẩm dâng cúng các vị thần linh như: Rượu, xôi…
Giá trị văn hóa: Đó là nghệ thuật diễn xướng ở mỗi nghi lễ, mỗi hành động mang tính biểu tượng cao khá phong phú. Chỉ riêng trong Lễ cấp sắc của người Dao Tiền xuất hiện 24 lần múa; số lượng truyện kể khá đa dạng và tùy theo dòng họ; 36 làn điệu hát khác nhau… Các điệu múa này được diễn ra ở hầu hết các nghi lễ trong quá trình cấp sắc. Nhạc đệm cho múa gồm có trống, chiêng, chuông, hoặc đập quẻ âm dương,… Âm nhạc được sử dụng trong Lễ cấp sắc của người Dao Tiền khá phong phú và đa dạng về mặt nội dung và hình thức, gồm có trống, chiêng, tù và và cả hai thanh quẻ âm dương bằng gốc tre gõ vào nhau tạo nên một dàn âm thanh hòa quyện lẫn nhau làm cho không khí trong buổi lễ càng linh thiêng, long trọng, thần bí… Nghệ thuật tạo hình với việc chuẩn bị tiền âm rất được coi trọng, người cắt, người chạm hoa văn thành hình đồng tiền trên giấy bản, cắt giở giấy rồi lại in rập hoa văn hình con ngựa lên tờ giấy tiền, để khi đốt mã tổ tiên, các thành thần, sư phụ, các ma…. tranh thờ  (6 bức tranh) để trang hoàng khu vực đàn lễ trong gian chính ngôi nhà.
Giá trị khoa học: Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là một biểu tượng văn hóa tổng hợp và phức tạp có giá trị trong việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử tộc người; như một bức tranh nhiều mặt phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống của cộng đồng người Dao Tiền. Những quan niệm về Lễ cấp sắc, bộ tranh thờ cúng và hệ thống thần linh cùng với các tập tục, truyện kể liên quan đến các tình tiết diễn ra trong lễ cấp sắc rất có giá trị cho việc nghiên cứu các sắc thái tín ngưỡng tôn giáo của người Dao Tiền nói riêng và nói các nhóm ngành Dao nói chun; góp phần giải mã về nguồn gốc lịch sử, đời sống kinh tế của người Dao Tiền ở tỉnh Phú Thọ. Thông qua các nghi lễ, loại hình diễn xướng dân gian trong lễ cấp sắc từ trang phục, nghệ thuật trang trí, các bài múa, bài hát, âm nhạc, ẩm thực... đều có nguồn gốc, lịch sử lâu đời được cộng đồng gìn giữ và phát triển đến ngày nay. Đây là những tư liệu thực tiễn quan trong giúp các nhà nghiên cứu đánh giá một cách khách quan, chân thực về đời sống sinh hoạt văn hóa, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Dao Tiền. Như vậy chỉ thông qua Lễ cấp sắc có thể nhận diện đặc điểm tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của người Dao Tiền chịu ảnh hưởng từ nhiều hình thái tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau.
Lễ cấp sắc từ xưa tới nay luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong xã hội người Dao nói chung và người Dao Tiền nói riêng. Với bất kỳ nhóm ngành Dao nào, người đàn ông cũng phải trải qua Lễ cấp sắc mới có được sự thừa nhận của xã hội. Chỉ khi trải qua Lễ cấp sắc họ mới được cộng đồng công nhận là người trưởng thành, là thành viên của xã hội và được tôn trọng, được hưởng mọi đặc quyền đặc lợi như các thành viên khác. Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là hiện tượng văn hóa phức tạp, có sự tổng hợp của các loại hình văn hóa dân gian, từ nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn... luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia. Ngoài thầy cúng, những người học trò, người dân biết hát, biết múa cũng có thể tham gia vào các bài hát bài múa để giải tỏa những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Lễ cấp sắc trở thành môi trường gìn giữ, trao truyền những những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Thông qua Lễ cấp sắc, nhiều loại hình trình diễn dân gian được bảo tồn và phát huy giá trị góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ cấp sắc luôn đóng vai trò là cầu nối, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong cộng đồng. Tinh thần đoàn kết không chỉ thể hiện trong việc giúp đỡ nhau trong tổ chức Lễ cấp sắc mà còn là sự thống nhất, đoàn kết về mặt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh tạo ra một sợi dây vững chắc. Việc tổ chức Lễ cấp sắc luôn chịu sự giám sát, điều chỉnh của các thành viên trong cộng đồng, trước hết là các thầy cúng là những người đại diện cho cộng đồng và họ còn chịu sự giám sát bởi các thần linh. Chính điều này tạo ra sự cố kết vững chắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Dao Tiền.
Ghi nhận giá trị tiêu biểu của di sản, Lễ cấp sắc của người Dao Tiền xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 258/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2020./.
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com