Ngày 02/03/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch. Đây là lần đầu tiên Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch được triển khai trên quy mô toàn quốc.
Theo đó, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch là những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.
Xác định ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố hết sức quan trọng, cần thiết để phát triển du lịch bền vững, có chất lượng, có chiều sâu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam hiện nay.Bộ quy tắc được ban hành nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong ngành du lịch; tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh du lịch; khách du lịch; người dân và cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch về ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch.
Bộ Quy tắc gồm 2 chương, 12 điều, trong đó có 9 điều quy định những điều cần làm của từng đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch như: khách du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; doanh nghiệp lữ hành; hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; đơn vị vận chuyển khách du lịch; nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm tham quan, điểm du lịch và cộng đồng dân cư.
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ đón đoàn khách quốc tế đường sông
tham quan Đình Hùng Lô. Ảnh: TTTTXTDL
Theo đó, đối với du khách, thông điệp ứng xử là “văn minh, tự trọng và trách nhiệm”, thể hiện qua 20 hành vi. Trong đó, có việc phải xếp hàng trật tự, trang phục phù hợp, tôn trọng văn hóa - tín ngưỡng nơi tôn nghiêm, không vứt rác, không phá hoại môi trường, cảnh quan khi đi du lịch, không lấy đồ của người khác... Những việc như: mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, cố tình quay phim - chụp ảnh những nơi không được phép… được xem là ứng xử chưa đúng mực.
Ảnh tư liệu
Với các đối tượng khác như đơn vị lữ hành, khách sạn, vận chuyển, bán hàng, Bộ Quy tắc cũng đưa một số quy định tương tự. Trong đó, nhấn mạnh đến việc không chèo kéo khách, không nâng giá, ép giá, không bán hàng kém chất lượng, không sử dụng thương hiệu của người khác, không để người nước ngoài núp bóng kinh doanh, niêm yết giá công khai...
Bộ Quy tắc cũng đề ra một số khẩu hiệu tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch như: Nâng cao hình ảnh du khách Việt; Du lịch có hiểu biết và có trách nhiệm; Việt Nam - Điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh; Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch; Du lịch hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả….
Thời gian qua, đã có nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ninh... đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử, hướng dẫn khách du lịch cách ứng xử đúng mực và có những chuyển biến tích cực trong hoạt động du lịch. Việc Bộ VHTTDL ban hành Bộ Quy tắc ứng xử và yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Bộ Quy tắc là hết sức cần thiết, sẽ góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, chuyên nghiệp và văn minh./.
Khánh Hiền