Lã Thị Hồng Thùy - Công chức Văn hóa xã Hùng Lô
Tham quan – Học tập– Trải nghiệm – Sáng tạo là chuỗi các hoạt động thường xuyên được tổ chức tại các trường học như một cách kết nối nhanh nhất những kiến thức từ sách vở đến với thực tế của đời sống xã hội. Vừa qua, học sinh khối lớp10 trường TH-THCS và THPTTHÁI BÌNH DƯƠNG (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã có dịp đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại Điểm Du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô ( tại “Làng cổ Hùng Lô” – xã Hùng Lô – Việt Trì – Phú Thọ).
Không phải lúc nào các cô cậu học trò nhỏ cũng có cơ hội được đến tham quan và trải nghiệm thực tế tại một trong những ngôi làng lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của quê hương Phú Thọ. Những ngày tháng học tậpchăm chỉ, thi cử vất vả lùi lại phía sau, trên những chuyến xe theo con đường vào làng cổ Hùng Lô luôn vang lên những tiếng cười, niềm vui tràn đầy phấn khởi, hồn nhiên của các bạn trẻ.
Các nghệ nhân hướng dẫn trực tiếp học sinh thực hiện các câu hát, các điệu múa Xoan
Tại khoảng sân Đình Hùng Lô, các em học sinh được Hướng dẫn viên địa phương thuyết minh về ngôi Đình Cổ hơn 300 năm tuổi nằm bên dòng Lô giang thơ mộng, giúp các em học sinh có kiến thức cơ bản về lịch sử vùng đất cổ xưa này. Quá trình tham quan các em học sinh còn được nghe thuyết minh về nguồn gốc, quá trình phát triển nghệ thuật Hát Xoan, được xem các nghệ nhân biểu diễn các chặng hát, các em vô cùng thích thú, hào hứng, từ đó giúp học sinh có cảm nhận thực tế về giá trị nghệ thuật của Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận- Hát Xoan Phú Thọ. Hơn thế, các nghệ nhân còn hướng dẫn trực tiếp học sinh thực hiện các câu hát, các điệu múa Xoan, các em đã trực tiếp biểu diễn, thực hành các tiết mục hát Xoan, qua đây giúp các em học sinh cảm nhận được rõ nhất những nét độc đáo của nghệ thuật hát Xoan. Đến với Làng cổ Hùng Lô, các em học sinhcòn đượcnghe các nghệ nhân thuyết minh về sự ra đời, về các nguyên liệu, về quy trình làm ra một chiếc bánh chưng. Những đôi mắt chăm chú nhìn, những đôi tai chăm chú nghe và những đôi tay nhỏ xinh nhặt nhữnghạt gạo, hạt đỗ, chiếc lá, chiếc lạt…để làm theo nghệ nhân, gói ra chiếc bánh chưng ngộ nghĩnh. Các em của khối trung học lần đầu tiên được trực tiếp tham gia vào những bước đầu tiên của quy trình làm nên một chiếc bánh chưng vuông với tất cả sự thích thú, ngạc nhiên và phấn khích.
Nghệ nhân hướng dẫn về quy trình làm ra một chiếc bánh chưng
Một buổi chiều được trải nghiệm làm những nghệ nhân trôi qua thật nhanh. Dư âm về một làng cổ vẫn còn đó, một làng quê Việt trù phú ở Trung du Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vẫn gìn giữ nguyên vẹn ngôi Đình cổ hơn 300 năm tuổi, điệu Hát Xoan cổ truyền, làng nghề truyền thống và hơn 50 ngôi nhà gỗ cổ tuyệt đẹp, đang thao thức một ước mơ làm giàu thêm bản sắc bên dòng Lô xanh… mỗi bạn học trò lại tự nhủ với lòng mình: Thêm yêu, thêm quý, biết gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Không có bài học nào giá trị bằng những bài học được viết nên từ cuộc sống. Với dự án “Lưu giữ hồn Việt” do thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồ Trung - Trường TH-THCS và THPT THÁI BÌNH DƯƠNGsáng lập, học sinh không chỉ trang bị thêm cho mình những kiến thức bổ ích mà còn nuôi dưỡng tâm hồn các em tình yêu đối với quê hương mộc mạc bình dị, sự trân quý, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa làng quê. Bài học giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước con người chính nơi mình sinh ra và lớn lên.
Xã hội ngày càng phát triển, hiện đại, nhưng dù phát triển đến đâu thì những nét đẹp văn hóa truyền thống ở làng quê vẫn mang giá trị to lớn. Việc giữ gìn và phát triển văn hóa làng không chỉ là giữ gìn nét văn hóa tinh hoa của dân tộc mà thông qua đó, địa phương có thể phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động, giúp ổn định cuộc sống. Chương trình học tập và giáo dục thông qua thực tế sẽ kích thích học sinh hứng thú, giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và ý nghĩa, vừa có những hoạt động lan tỏa giá trị văn hóa đến với cộng đồng.
Một số hình ảnh trong Dự án “Lưu giữ hồn Việt” của trường TH-THCS và THPT THÁI BÌNH DƯƠNG thuộc tập đoàn giáo dục IGC.