Thứ 5 | 27/02/2020
Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, những ngày đầu thành lập
Phong trào cách mạng theo đường lối của Đảng bắt đầu xuất hiện ở Phú Thọ từ thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 - 1939) như một số báo chí công khai của Đảng đã được lưu hành ở một số nơi trong tỉnh; hình thành vài tổ chức ái hữu, vận động đòi quyền dân chủ trong nhân dân ở thị xã Việt Trì (nay là thành phố Việt Trì), Phú Hộ (Phù Ninh), thị xã Phú Thọ, thị trấn Hưng Hóa (Tam Nông), Cát Trù - Thạch Đê (Cẩm Khê)... Hoạt động cách mạng trong tỉnh thời gian này chưa nhiều nhưng đã gây ảnh hưởng nhất định cho việc xây dựng cơ sở Đảng sau này.
Khoảng tháng 8 năm 1939, một số học sinh tiến bộ quê Phú Thọ tham gia trong tổ chức Đảng Cộng sản ở Hà Nội đã đưa cán bộ của Đảng lên Phú Thọ hoạt động. Cùng trong thời kỳ này, một số cán bộ Đảng từ cơ sở Vĩnh Yên phát triển lên Việt Trì.
Khi chiến tranh thế giới thứ II sắp bùng nổ, Trung ương chủ trương đưa một số cán bộ ở thành thị đang hoạt động công khai rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Nhận thấy Phú Thọ có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, lại được quần chúng tích cực hưởng ứng nên Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử nhiều cán bộ về tỉnh gây dựng cơ sở. Đến cuối năm 1939, trên cơ sở một số đảng viên là người địa phương mới được kết nạp, cùng với các cán bộ Xứ uỷ và cán bộ các tỉnh khác về hoạt động, các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy đã thành lập 4 chi bộ Đảng ở Phú Thọ, đó là các chi bộ: Cát Trù - Thạch Đê, còn gọi là chi bộ Đọi Đèn (Cẩm Khê), Thái Ninh (Thanh Ba), Phú Hộ (Phù Ninh) và Nhà máy Bột giấy Việt Trì. Cả 4 chi bộ này đều do Xứ uỷ Bắc Kỳ trực tiếp lãnh đạo với gần 20 đảng viên và hơn 60 hội viên các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân phản đế ở 17 cơ sở: Cát Trù- Thạch Đê (Cẩm Khê), Sóc Đăng (Đoan Hùng), An Lão (Hạc Trì), Hiền Lương (Hạ Hòa), Cổ Tiết (Tam Nông), Phố Bạch Hạc, Nhà máy Giấy (Việt Trì), Phú Hộ, Cao Mại (Lâm Thao), Thái Ninh, Vũ Yển (Thanh Ba), Cẩm Sơn, Xuân Thịnh, Kim Lăng, Gia Thanh, Tử Đà và Tăng Mỹ (Phù Ninh)...
Đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đang đặt ra một cách cấp thiết, đồng thời có đủ điều kiện theo quy định, tháng 3 năm 1940, đồng chí Lương Khánh Thiện thay mặt Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Ban cán sự (tức Tỉnh ủy Lâm thời) tỉnh Phú Thọ gồm 5 ủy viên và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên trực tiếp phụ trách, chỉ đạo cơ sở, nhất là những nơi có vị trí quan trọng. Đồng chí Đào Duy Kỳ - Bí thư, phụ trách chung; đồng chí Hoàng Ngọc Chương - Ủy viên, phụ trách chi bộ Cát Trù - Thạch Đê; đồng chí Nguyễn Văn Dốc - Ủy viên, phụ trách chi bộ Nhà máy Bột giấy Việt Trì; đồng chí Trần Thị Minh Châu - Ủy viên, phụ trách công tác phụ vận và cơ sở Hiền Lương (Hạ Hòa); đồng chí Vương Văn Huống - Ủy viên, phụ trách cơ sở Phú Hộ và thị xã Phú Thọ. Hội nghị thành lập Ban Cán sự tỉnh được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Văn Ngân - một gia đình cơ sở ở ấp Cẩm Sơn (thuộc xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh). Đây là một sự kiện hết sức quan trọng đã đánh dấu mốc về sự ra đời của Đảng bộ Phú Thọ và là sự kiện có ý nghĩa to lớn khẳng định bước trưởng thành về công tác xây dựng Đảng, về phong trào cách mạng tại Phú Thọ.
 
Lãnh đạo phong trào cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền (1940 -1945)
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Ban cán sự tỉnh đã phân công các ủy viên phụ trách từng địa bàn để phát triển cơ sở, phát triển tổ chức Mặt trận, các đoàn thể phản đế và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Phong trào cách mạng trong tỉnh đang trên đà phát triển, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng đàn áp rất dã man gây tổn thất lớn cho phong trào cách mạng ở Phú Thọ: Nhiều cán bộ đảng viên bị địch bắt, nhiều cơ sở cách mạng bị phá, phong trào giảm sút, bị đứt liên lạc với cấp trên, cơ quan lãnh đạo tỉnh là Ban cán sự tỉnh không còn. Tháng 6/1942, Xứ ủy Bắc kỳ cử cán bộ về tỉnh phục hồi cơ sở và đào tạo cán bộ cung cấp cho phong trào. Từ giữa năm 1944 trở đi, phong trào cách mạng trong tỉnh dần dần phục hồi, nhiều cơ sở mới được xây dựng, phát triển đồng đều. Tháng 5/1944, Ban cán sự tỉnh được tái lập; đây chính là những nhân tố hết sức quan trọng đưa phong trào cách mạng trong tỉnh chuyển lên bước mới, hoà nhập với cao trào chống Nhật cứu nước của cả nước.
Mở đầu cao trào chống Nhật cứu nước trong tỉnh là các cuộc đấu tranh phá các kho thóc gạo của Nhật cứu đói cho dân nghèo, các cuộc đấu tranh chống thuế, chống phá lúa trồng đay diễn ra rộng khắp, lôi cuốn hàng vạn quần chúng tham gia. Toàn tỉnh đã phá 14 kho thóc gạo của Nhật, thu hàng ngàn tấn thóc cứu đói cho nhân dân trong tỉnh và đồng bào các tỉnh vùng xuôi. Song song với các cuộc đấu tranh kinh tế là hàng loạt các cuộc đấu tranh chính trị dưới hình thức diễn thuyết xung phong, mít tinh, hô hào nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh từ tháng 4 đến tháng 7/1945.
Trên cơ sở lực lượng chính trị mở rộng, công tác xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang được đẩy mạnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng, thực hiện trấn phản trừ gian, tham gia khởi nghĩa ở các huyện và tỉnh. Ngoài 2 huyện Hạ Hoà và Thanh Sơn đã khởi nghĩa từ đầu tháng 8, chỉ trong vòng một tuần lễ (từ ngày 15 đến ngày 22/8/1945), các huyện đã lần lượt khởi nghĩa. Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện xong, Ban cán sự liên tỉnh Phú - Yên tập trung lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền cấp tỉnh và thị xã Phú Thọ. Ngày 25/8/1945 là ngày kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa trong cách mạng tháng Tám trên phạm vi toàn tỉnh.

Từ ngày 17 đến ngày 22/5/1963, Đảng bộ tỉnh tiến hành Đại hội lần thứ VI tại hội trường tỉnh. Dự Đại hội có 250 đại biểu. Đại hội đã bầu
BCH Đảng bộ tỉnh gồm 29 đồng chí ủy viên. Đồng chí Nguyễn Thành Đô được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.

Thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả của cách mạng tháng Tám, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
Trong thời gian từ tháng 9/1945 đến hết tháng 12/1946, tuy rất ngắn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ đã vượt qua biết bao gian nan thử thách và đã giành được những thành tựu vẻ vang. Chúng ta không những chiến thắng giặc đói, giặc dốt, xây dựng thành công hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng ngày càng vững chắc, mà còn đập tan âm mưu xâm lược và hành động chống phá cách mạng Việt Nam của quân Tưởng và bè lũ tay sai, giữ vững chính quyền cách mạng.
Tháng 12/1946, thi hành chủ trương của Trung ương và lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phú Thọ cùng với cả nước đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ, quân và dân Phú Thọ đã khắc phục khó khãn, vượt qua gian khổ, chiến đấu anh dũng và đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Quân và dân Phú Thọ đã tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu được nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng của địch làm thất bại mọi mưu toan xâm lược của kẻ thù. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho các chiến trường.
Suốt chặng đường 21 năm (1954 - 1975) vừa xây dựng CNXH, vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ đã không chỉ làm tròn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, mà còn làm tròn trách nhiệm của “hậu phương lớn”, huy động cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến. Chỉ tính 10 năm, từ năm 1965 đến năm 1975, tỉnh Phú Thọ có 92.782 thanh niên vào bộ đội, khoảng 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Tính chung, gần 9% nhân lực của tỉnh được huy động cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cùng với lực lượng bổ sung cho quân đội, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trên 600 đơn vị dân quân, du kích và tự vệ với gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ; huy động hàng chục vạn lượt người phục vụ các chiến trường; huy động hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông; xây dựng hàng vạn hầm hào phòng không nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, cho các cơ quan, đơn vị của Trung ương và đồng bào các tỉnh về sơ tán. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân, du kích và tự vệ tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, lập nhiều chiến công oanh liệt. Quân và dân Phú Thọ đã trực tiếp chiến đấu 783 trận, bắn rơi 86 máy bay Mỹ; đồng thời, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt để phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
 
huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, “diện mạo” của Lâm Thao ngày càng đổi mới.
 
Từ sau đại thắng Mùa xuân năm 1975 và nhất là từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục nêu cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy mọi nguồn lực, vượt qua mọi thách thức, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ.
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị thấp kém, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tể nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay, kinh tế của Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt 8,77%; quy mô GRDP (giá hiện hành) tăng 7 lần, từ 8.183,5 tỷ đồng năm 2004 lên đến 57.351,7 tỷ đồng năm 2018; GRDP bình quân đầu người tăng 6,5 lần, từ 6,3 triệu đồng năm 2004 lên 40,8 triệu đồng năm 2018. Năm 2019, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ước đạt 7,83%; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 7.105 tỷ đồng; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 44,39 triệu đồng.
Để khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện nhiều cơ chế, chính sách tạo môi trường, động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thử nghiệm các ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tiễn để nhân rộng (công nghệ cao trong sản xuất thâm canh rau, chè, cây ăn quả...).
Tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo ngành hàng, theo chuỗi sản xuất; phối hợp với các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến làm đầu ra cho chuỗi liên kết; triển khai thực hiện có hiệu quả “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” và Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ nông nghiệp, chú trọng  phát triển thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển các thương hiệu sản phẩm đặc sản, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu...
Sản xuất công nghiệp, mặc dù kém lợi thế cạnh tranh, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp được đầu tư từ những năm 59 - 60 nên thiết bị, công nghệ lạc hậu, năng lực sản xuất hạn chế, song vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng và Nhà nước vào hoàn cảnh đặc điểm của địa phương, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều biện pháp đổi mới cơ chế quản lý công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, tập trung thực hiện các chương trình công nghiệp trọng điểm như: Chế biến nông lâm sản thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hoá chất, phân bón, hàng may mặc xuất khẩu; phát huy hiệu quả hợp tác với các địa phương và hợp tác quốc tế, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn.
Đã mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các khu, cụm công nghiệp: Đã có 7 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam, ưu tiên phát triển đến năm 2020; trong đó 4 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư; 1 khu đang làm công tác chuẩn bị đầu tư, 2 khu đang khảo sát lập phân khu xây dựng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đã tạo sự đột phá trong phát triển ở cả 5 phương diện: Số doanh nghiệp, vốn, lao động, doanh thu và nộp ngân sách. Đến năm 2018, Phú Thọ vươn lên đứng thứ 2 về quy mô nền kinh tế, đứng thứ 2 về thu ngân sách và đừng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu so với 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục được cải thiện và chuyển biến tích cực, năm 2018 xếp thứ 24 trong cả nước, xếp thứ 3 trong số 14 tỉnh vùng miền núi phía Bắc.
Đặc biệt, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo tốt phong trào xây dựng nông thôn mới: Kết quả tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, có 105 xã đạt chuẩn và 246 khu dân cư nông thôn mới (tăng 24 xã và 196 khu so với năm 2018); huyện Lâm Thao là huyện đầu tiên của khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015; đồng thời hiện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí đạt 15,2 tiêu chí/xã, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 trước 3 năm.
 
Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh - một trong những điểm đến hấp dẫn của vùng Đất Tổ.
         
Các ngành dịch vụ phát triển khá toàn diện, từng bước khai thác được lợi thế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Mạng lưới dịch vụ từ chỗ không có gì, hoạt động phân tán, quy mô nhỏ bé, chất lượng phục vụ thấp, đến nay đã được mở rộng về quy mô, nâng cao được chất lượng phục vụ, phát triển đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống. Đặc biệt, đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đô thị. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mầu Âu Cơ, Công viên Văn Lang, Vườn quốc gia Xuân Sơn, Khu Du lịch đảo Ngọc Xanh được đầu tư xây dựng, gắn với 02 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh... đã tạo ra diện mạo mới và sức hấp dẫn của du lịch Phú Thọ. Số lượng khách đến tham quan, du lịch và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tăng cao qua các năm.


 
     Văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc: Giáo dục, đào tạo phát triển theo hướng chuẩn hóa và từng bước xã hội hoá. Quy mô đào tạo, hệ thống trường lớp được mở rộng, các loại hình đào tạo ngày càng đa dạng, chất lượng giáo dục được nâng lên. Nhiều năm gần đây, giáo dục - đào tạo Phú Thọ luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện các tiêu chí giáo dục cũng như thành tích trong giảng dạy, học tập. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại tỉnh Phú Thọ được tổ chức đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đối với các ngành học, bậc học được quan tâm. Đến hết năm 2019, số trường đạt chuẩn Quốc gia 723 trường (đạt 100% kế hoạch), đạt 78,4% tổng số trường, tăng 32 trường so với năm học trước. Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm thực hiện; Đề án xây dựng xã hội học tập được mở rộng triển khai, công tác dạy thêm, học thêm được quản lý chặt chẽ, dần đi vào nền nếp.
 
     Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân phát triển không ngừng và đạt được nhiều thành tựu. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố; các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện được đầu tư mới về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã có bác sĩ; các thôn bản trong tỉnh đều có nhân viên y tế hoạt động. Chất lượng phục vụ trong các cơ sở y tế có nhiều chuyển biến. Hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, các cơ sở hành nghề y dược được mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới Trung tâm Sản nhi quy mô 560 giường bệnh, Trung tâm Đột quỵ quy mô 80 giường bệnh; đầu tư nâng cấp Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm huyết học và truyền máu trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; nâng cấp Trung tâm mắt thành Bệnh viện Mắt... mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân, tiếp tục khẳng định Phú Thọ là điểm sáng của cả nước về xã hội hoá lĩnh vực y tế, được nhiều tỉnh trong cả nước nghiên cứu, học tập. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế được quan tâm (số đạt chuẩn ước đạt 88%, tăng 14,4% so với năm 2018). Mạng lưới làm công tác dân số kế hoạch hoá gia đình tiếp tục được tăng cường, củng cố và nâng cao năng lực. Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tiếp tục được duy trì.
 
     Công tác dân số và phát triển được quan tâm chỉ đạo. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 91%. Công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em được triển khai có hiệu quả, hầu hết các chỉ số đánh giá đều đạt cao hơn so với mục tiêu cuối kỳ của tỉnh cũng như mức bình quân chung của cả nước. Đã triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn theo quy định và hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Y tế. Dịch vụ khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện ở cả 3 tuyến, phục vụ tổt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của nhân dân.
 
     Hoạt động văn hoá, thông tin diễn ra sôi nổi. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đạt kết quả khá. Giỗ Tổ
Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức chu đáo, trọng thể, từng bước xây dựng thành Thành phố lễ hội về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Phong trào thể dục, thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, phát triển ngày càng rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Thể thao thành tích cao có tiến bộ rõ rệt, từ không có huy chương trong các giải thể thao, đến nay, chúng ta đã có vận động viên kiện tướng, vận động viên cấp I và giành được nhiều giải cao trong thi đấu thể thao toàn quốc và khu vực. Đặc biệt, năm 2019, tỉnh Phú Thọ đã có câu lạc bộ bóng đá nam FC Tuấn Tú Phú Thọ tham gia thi đấu tại giải Quốc gia hạng Hai...
 
          
CLB bóng đá nam Tuấn Tú Phú Thọ đã “hội nhập” giải bóng đá chuyên nghiệp khi chính thức có mặt tại giải hạng Nhì
cúp Quốc gia năm 2020.
 
      Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại. Diện mạo từ đô thị đến nông thôn ngày càng đổi mới, tiến bộ. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,32%, hiện còn 5,77% hộ nghèo; chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; các hoạt động nhân đạo, từ thiện được chú trọng; thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên.
 
     Về an ninh, quốc phòng, tỉnh đã quan tâm củng cố vững chắc nền quốc phòng, an ninh, chủ động nắm chắc tình hình, đề ra các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Tập trung lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Thường xuyên chú trọng công tác xây dựng lực lượng vũ trang; bổ sung, hoàn thiện phương án tác chiến; luyện tập, diễn tập; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc. Phát hiện và xử lý kịp thời các địa bàn phức tạp về an ninh nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
 
     Về công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ quan tâm xây dựng cả về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đã kịp thời triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, gắn với xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; đổi mới theo hướng coi trọng việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực và tổ chức thực hiện hiệu quả.
 
     Chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, thực hành dân chủ rộng rãi trong đảng. Thực hiện có nền nếp việc hướng dẫn các cơ sở đảng đăng ký phấn đấu trong sạch, vững mạnh; thực hiện chặt chẽ quy trình rà soát, phân tích chất lượng, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh hàng năm đều đạt trên 16,8%. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về tăng cường phát triển đảng viên trong từng giai đoạn. Quan tâm củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng công giáo và trong các doanh nghiệp.
 
     Từ lúc có 4 chi bộ, chưa đầy hai mươi đảng viên ngày đầu thành lập, sau 80 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã có 18 đảng bộ trực thuộc, 783 tổ chức cơ sở đảng, 5.482 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với tổng số 105.425 đảng viên. Ở tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh từ tỉnh đến cơ sở, khu dân cư... đều có cấp ủy, đảng viên trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác cán bộ được đổi mới cả về nội dung và phương pháp, đạt được một số kết quả cơ bản trong các khâu: Tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Đội ngũ cán bộ được bổ sung về số lượng, chú trọng về chất lượng; mặt bằng chuẩn hóa được nâng lên; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cơ sở, vùng sâu, vùng xa và người dân tộc thiểu sổ được quan tâm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo đúng quy định; trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý và theo tiêu chuẩn quy định của cán bộ, công chức. Đảng bộ đã qua 18 kỳ đại hội và có nhiều chủ trương, giải pháp sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
 
     Đồng thời, đã tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai tích cực, có hiệu quả, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, được Trung ương đánh giá cao.
 
     Cùng với công tác xây dựng Đảng, công tác xây dựng chính quyền được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở quan tâm củng cố. Việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước tiếp tục được quan tâm đầu tư, hiện đại hóa nền hành chính.
     Năm 2018, tỉnh Phú Thọ được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2017. Phát huy hiệu quả hệ thống một cửa điện tử tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh. Đến nay, cấp tỉnh có 1.384/1.482 thủ tục hành chính được đưa vào Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (chiếm 93,4% thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành). Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn số lượng phòng, ban, đơn vị trực thuộc các sở, ngành, UBND cấp huyện; xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019 - 2021. Triển khai Đề án sắp xếp các Trường Cao đẳng, Trung cấp thuộc các Sở, ngành và UBND tỉnh; Đề án tổng thể về việc sắp xếp, sáp nhập các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Xây dựng đề án sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị hành chính cấp huyện; sau sắp xếp có 225 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 52 đơn vị.
 
     Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-  xã hội có nhiều chuyển biến thiết thực, hiệu quả. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế-  xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững trật tự trị an, củng cố quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội; đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Năng động, sáng tạo, tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tham gia, hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động nhân đạo từ thiện do các tổ chức chính trị - xã hội phát động.
 
     Với những thành tích đã đạt được trong 80 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất (2 lần), Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể, cá nhân được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác... Đây là nguồn cổ vũ, động viên và là nguồn sức mạnh to lớn để chúng ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong chặng đường tới.
Nguồn B.T - Báo Phú Thọ
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com