baophutho.vnYên Lập là huyện miền núi có diện tích tự nhiên trên 438,2km2; dân số trên 97.000 người, gồm 32 dân tộc, trong đó 80% là người dân tộc thiểu số (dân tộc Mường chiếm trên 74%, dân tộc Dao chiếm trên 4,2%, còn lại các dân tộc khác). Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, đồng bào các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết, tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Các xã tham gia thi trưng bày ẩm thực tại chương trình Phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP, trình diễn trang phục các DTTS, giao lưu văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS huyện Yên Lập lần thứ IV năm 2024 và Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024-2029.
Nâng cao chất lượng đời sống
Quán triệt các chỉ đạo, nghị định, quyết định, thông tư của Trung ương và các văn bản của HĐND, UBND tỉnh, UBND huyện Yên Lập đã cụ thể hóa thành đề án, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai và đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn. Trong thời gian qua, huyện Yên Lập đã đầu tư xây dựng được 2 điểm định canh, định cư: Điểm Cây Dừa, khu Sơn Tình, xã Lương Sơn, bố trí chỗ ở ổn định cho 48 hộ dân chưa có đất ở cố định; điểm khu Xuân Thắng, xã Mỹ Lung bố trí chỗ ở ổn định cho 46 hộ dân chưa có đất ở cố định. Huyện đã đầu tư xây dựng 1 tuyến đường kết nối khu dân cư từ điểm định cư Đồng Măng đến điểm định cư Khe Bằng, xã Trung Sơn phục vụ nhu cầu lao động, sản xuất, giao thương, đi lại của người dân. Trong giai đoạn 2019 - 2024, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách -Xã hội huyện đã rà soát và cho vay vốn tín dụng 14.743 lượt với tổng mức vốn hỗ trợ 717.140 triệu đồng, tạo điều kiện cho đối tượng vay vốn được sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Nhận định rõ vai trò của người có uy tín là những gương tiên tiến, tiêu biểu, đi đầu trong chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là cầu nối đại đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền các cấp luôn quan tâm chăm lo cho người có uy tín trên địa bàn. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội nghiêm túc, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường khám, chữa bệnh, sắp xếp cán bộ y tế cho các xã, thôn, bản giúp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm, chú trọng. Giai đoạn 2019- 2024, toàn huyện có 4.816 lượt lao động được đào tạo, truyền dạy nghề. Trong đó, lao động được đào tạo qua các lớp đào tạo nghề là 1.466 học viên/64 lớp (đào tạo nghề nông nghiệp là 591 học viên/17 lớp; đào tạo nghề phi nông nghiệp là 1.499 học viên/47 lớp); 2.759 lượt lao động được đào tạo qua truyền nghề...
Các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng bảo tồn và phát huy: Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt xã Xuân Thủy, Lễ hội mở cửa rừng của người dân tộc Mường, xã Minh Hòa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Huyện đang triển khai các giải pháp tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc Mường tại xã Mỹ Lung đạt di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử với phát triển du lịch cộng đồng, huyện đã đầu tư 3 dự án hỗ trợ phát triển điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc và thiểu số: Xây dựng điểm du lịch tiêu biểu gắn với phát triển vùng trồng lúa nếp Gà Gáy của người Mường tại xã Mỹ Lung; điểm du lịch trải nghiệm di sản văn hóa Lễ hội mở cửa rừng, xã Minh Hòa; xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Khu di tích lịch sử Tôn Sơn, Mộ Xuân tại xã Xuân An...
Mô hình sản xuất gạch bê tông và kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình chị Hoàng Thị Thúy, khu Đại Phú, xã Mỹ Lương-điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chung sức xây dựng quê hương
Đồng bào các dân tộc huyện Yên Lập có truyền thống đoàn kết, yêu nước, một lòng sắt son theo Đảng. Trong suốt chiều dài lịch sử, đã khẳng định tinh thần dũng cảm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bằng chứng hào hùng là các di tích lịch sử như: Chiến khu lòng chảo Minh Hòa; di tích Ngô Quang Bích-Xuân An... Gắn với đó là sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, tích cực đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cùng với các phong trào yêu nước, đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng trong lao động sản xuất giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước chuyển từ tự cung ứng sang kinh tế thương mại. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập cao... Các phong trào thi đua yêu nước đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy nội lực và tạo động lực phấn đấu cho mỗi tầng lớp xã hội, đồng bào các dân tộc thi đua hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đạt cao: Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/năm, đạt 103% so với mục tiêu Nghị quyết; tổng thu ngân sách năm 2023 đạt 152,21 tỷ đồng, đạt 121,2% so với mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hàng năm đạt 1,4%/năm,vượt so với mục tiêu Nghị quyết 0,4%...
Đảng ủy, chính quyền các cấp luôn coi trọng việc giảm nghèo bền vững, xác định là chủ trương nhất quán, nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo được công khai, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng nghèo, cận nghèo và mới ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều hộ đã quyết tâm, chủ động đăng ký tham gia các chương trình dự án, vay vốn tín dụng tự khởi nghiệp thành công, tạo nền tảng thoát nghèo bền vững. Vai trò của các tổ chức Đảng, đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện ngày càng được khẳng định, nâng cao với những nỗ lực quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, vận động cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân chấp hành, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Cấp huyện hiện có 88/164 cán bộ là người dân tộc thiểu số, chiếm 53,66%; cấp xã có 277/342 cán bộ là người dân tộc thiểu số, chiếm 81%. Các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và toàn thể Nhân dân huyện Yên Lập tiếp tục đồng lòng chung sức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu phát huy tiềm năng lợi thế, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối với các địa bàn phát triển; tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo vững chắc quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự xã hội; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thu Hà
Dẫn nguồn: Đồng bào các dân tộc huyện Yên Lập chung sức xây dựng quê hương (baophutho.vn)