Thứ 2 | 03/06/2024

baophutho.vn Ngày 9/5 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Quy định 144-QĐ/TW “Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Toàn văn Quy định chưa đầy 4 trang giấy khổ A4, nội dung các điều quy định chỉ hơn nghìn chữ nhưng văn kiện này có tầm quan trọng đặc biệt, không những là giải pháp quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" mà còn là chuẩn mực tạo dựng uy tín, vun đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước...

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 16/5 đến ngày 18/5/2024, tại Thủ đô Hà Nội.Ảnh: dangcongsan.vn

Theo Quy định 144-QĐ/TW, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới được quy định theo các tiêu chí: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Đây hoàn toàn là những quy chuẩn, phẩm chất cần có những người tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, tuyên thệ phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm, chú trọng. Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là “gốc” của người cách mạng, bởi: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương đạo đức cách mạng; từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm sao cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chủ tịch, trong hơn chín thập niên lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo Nhân dân, xứng đáng với trọng trách được Nhân dân tin tưởng giao phó. Trong đó, xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nội dung trọng tâm của xây dựng Đảng về đạo đức.

Những năm gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định, xây dựng Đảng về đạo đức là một trong 4 nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng toàn diện, đồng bộ cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định mới để đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức; trong đó, tập trung vào phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Trên thực tế, đội ngũ cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ lịch sử luôn thể hiện tinh thần tiền phong, gương mẫu, nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, là những tấm gương cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống; nêu cao tinh thần yêu nước, tiên phong trong lao động sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu, cống hiến tâm huyết, sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nhiều người trong số đó đã hy sinh cả cuộc đời mình vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân căn cốt là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.

Dành nhiều công sức, tâm huyết cho công tác xây dựng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, phát biểu phân tích kỹ lưỡng tầm quan trọng của việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên với danh dự, uy tín bản thân cũng như tổ chức, sự nghiệp cách mạng. Cách đây bốn thập niên, trong các bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, với bút danh Trọng Nghĩa, đồng chí Tổng Bí thư đã rất trăn trở với các hiện tượng thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong bài viết “Chức vụ và uy tín” đăng trên Tạp chí Cộng sản (số ra tháng 2/1984), đồng chí chỉ rõ: “Thực tế đã cho biết, uy tín là sự phản ánh phẩm chất và năng lực của một người, do đó tất yếu nó phải do phẩm chất và năng lực quyết định. Nó phải là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về sự nỗ lực chủ quan của một người trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực, trong đó nổi bật nhất, quan trọng nhất là những yếu tố sau đây: Sự gương mẫu, gương mẫu đến mực thước về các mặt, đặc biệt là về mặt chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể; có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm các nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống; có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, thể hiện ở chỗ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; liên hệ chặt chẽ và có mối quan hệ đúng đắn với quần chúng, trước hết là với những người cùng cộng tác hoặc có quan hệ trực tiếp với mình...”.

Qua đó, có thể thấy Quy định 144-QĐ/TW “Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” là sự kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng trong công tác xây dựng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên; thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; đấu tranh hiệu quả với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tất nhiên, thành tựu này chỉ đạt được khi mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện được tinh thần tiền phong, gương mẫu, tự soi, tự sửa, tự rèn luyện các chuẩn mực đạo đức theo Quy định. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh: “Cuối cùng, xét đến ngọn ngành mọi sự trên đời này cũng đều là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra. Bởi vậy để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, thì trước tiên mỗi cán bộ chúng ta hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước Nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành thật tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Có như thế, uy tín của cán bộ, đảng viên mới ngày càng được nâng cao; vai trò, thị thế của tổ chức Đảng mới ngày càng vững chắc; niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước mới ngày càng bền chặt. Đây chính là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn.
Vũ Thanh
Dẫn nguồn: 
Chuẩn mực vun đắp niềm tin (baophutho.vn)

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com