Thứ 4 | 02/08/2017
Tỉnh Phú Thọ hiện chưa có thống kê đầy đủ về các công trình tượng đài trên địa bàn tỉnh. Theo giải thích từ ngữ tại Điều 3, Chương 1, Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, “Tượng đài, tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, kích thước lớn, tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng”; Khoản 2, Điều 2-Giải thích từ ngữ của Thông tư 18/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 Quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP “Tượng đài, tranh hoành tráng bao gồm: tượng đài (bao gồm cả tượng tôn giáo được xây dựng ở ngoài trời nơi công cộng), phù điêu, khối biểu tượng, tranh hoành tráng bằng các chất liệu” thì hiện ở Phú Thọ có rất nhiều tượng đài, tuy nhiên đa phần là tượng đài tôn giáo.
Tất cả tượng đài hiện có ở Phú Thọ đều sáng tác theo phong cách nghệ thuật hiện thực. Phần lớn trong số đó nằm trong khuôn viên di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 02 tượng đài nằm trong khuôn viên di tích thuộc loại hình lịch sử, là biểu tượng cho hai chiến công lẫy lừng của quân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đó là tượng đài chiến thắng Sông Lô và tượng đài chiến thắng Tu Vũ. Ngoài ra trong khuôn viên di tích còn có tượng đài Tướng quân Trần Nhật Duật trong khuôn viên di tích đền Tam Giang. Tượng đài về Chủ tịch Hồ Chí Minh có tượng đài Bác Hồ tại xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn và tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên cơ quan Công an tỉnh, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì.
Trong số các tượng đài trên chỉ có tượng đài chiến thắng sông Lô và tượng đài chiến thắng Tu Vũ được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách tỉnh, được đánh giá chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật bởi Hội đồng nghệ thuật. Các công trình tượng đài còn lại được xây dựng từ nguồn đóng góp của các lực lượng và nhân dân trong, ngoài tỉnh. Tuy vậy, tất cả các tượng đài đều hết sức ý nghĩa và cần thiết vì chúng chứa đựng giá trị to lớn về lịch sử và gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của người dân địa phương.
1. Tượng đài chiến thắng Sông Lô là biểu tượng chiến thắng của quân dân ta trong trận chiến trên dòng sông Lô năm 1947. Tượng đài được xây dựng vào năm 1987 trên núi Đồn, nhìn ra ngã ba sông Lô, sông Chảy, nơi đây thuộc địa phận xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng. Khu vực xây dựng tượng đài có diện tích 19,3km2, trong đó diện tích mặt bằng quy hoạch xây dựng trên đỉnh núi khoảng 2,5km2. Toàn bộ Tượng đài chiến thắng sông Lô gồm có tượng, đài, phù điêu, nhà truyền thống, trong khuôn viên có cây xanh, thảm cỏ. Nhóm tượng cao 7m, được làm từ thép, bê tông, sơn giả đồng. Tượng đứng bên đài cao 26m. Ba mươi năm qua, Tượng đài Chiến thắng sông Lô đã trở thành phần không thể thiếu trên mảnh đất Đoan Hùng, là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu của quân dân Phú Thọ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, biểu trưng cho lòng tự hào dân tộc mà mỗi người dân Phú Thọ đều khắc ghi.
 

Tượng đài chiến thắng sông Lô, thị trấn Đoan Hùng
 
Tượng đài chiến thắng sông Lô là công trình chính trong khuôn viên di tích tích địa điểm chiến thắng sông Lô, di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1997. Hiện nay, việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích do UBND huyện Đoan Hùng thực hiện.
2. Công trình Tượng đài chiến thắng Tu Vũ là biểu tượng cho trận đánh Tu Vũ - trận mở màn cho chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952 của quân dân ta trong kháng chiến chống Pháp. Tượng đài được khởi công xây dựng vào năm 2002, do khó khăn về nguồn đầu tư nên việc khánh thành bị chậm tiến độ. Đến nay, công trình đã hoàn thành và được bàn giao đưa vào sử dụng.
Toàn bộ công trình gồm có phần tượng đồng, đài, phần tưởng niệm, nhà trưng bày truyền thống và các công trình phụ trợ. Công trình tuy hoàn thành chậm so với tiến độ nhưng được Hội đồng nghệ thuật đánh giá là đạt yêu cầu cao về nghệ thuật. Trong đó, phần tượng đồng đạt chất lượng cao, kỹ thuật lắp dựng đáp ứng được yêu cầu của kỹ thuật, bố cục hình khối đều, đẹp, đảm bảo an toàn, bền vững.
Tượng đài chiến thắng Tu Tũ nằm cạnh đê, nhìn ra dòng sông Đà, xung quanh là khu dân cư đông đúc. Công trình đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân về biểu tượng ghi nhớ chiến công lịch sử và tưởng nhớ sự hi sinh của những người con đất Việt trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, quê hương.
 

Tượng đài chiến thắng Tu Vũ, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy.

 
Tượng đài chiến thắng Tu Vũ là công trình trọng tâm trong khuôn viên di tích tích địa điểm chiến thắng Tu Vũ, di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1994. Hiện nay, việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích được giao cho UBND xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy.
3. Tượng đài tướng quân Trần Nhật Duật do nhân dân phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì chủ công tô đắp đặt ở phía trước đền Tam Giang vào năm 2008. Tượng thể hiện chân dung vị tướng đứng trên mũi thuyền rẽ sóng hướng ra ngã ba sông rộng lớn. Người cao tuổi ở địa phương kể lại, trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông (Thế kỷ thứ XIII), tướng quân Trần Nhật Duật đã lập căn cứ, chiêu mộ binh mã, hàng ngày rèn quân luyện tướng trên ngã ba sông này. Đài tượng mang hình mũi thuyền cao 5,7m, tượng cao 3,3m, từ dưới sông nhìn lên tượng đài, vị tướng Trần Nhật Duật trông rất oai hùng. Việc xây dựng tượng đài tướng quân Trần Nhật Duật thể hiện sự tri ân của nhân dân Bạch Hạc với người đã có công đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương. Đến nay, nó đã trở thành một trong những hình ảnh thân thuộc với nhiều người Phú Thọ cũng như du khách đến thăm Phú Thọ theo đường thủy bởi vẻ đẹp và giá trị của nó.
 

Tượng đài tướng quân Trần Nhật Duật, phường Bạch Hạc
 
4. Công trình tượng đài Bác Hồ tại xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn được xây dựng vào năm 1983, từ lòng yêu mến, kính trọng và tưởng nhớ tới vị Chủ tịch kính yêu, nhân dân nơi đây đã dựng bức tượng Bác trên “đồi cây ơn Bác” vào cuối năm 1969. Bức tượng ban đầu được đắp từ rơm và vôi vữa, đến năm 1971, trong một lần công tác đi qua xã Yên Sơn, thấy tượng Bác đã có chỗ bị hỏng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 259, cùng nhân dân địa phương tô đắp lại bức tượng Bác Hồ vững chãi và đẹp hơn, đồng thời xây dựng lối lên tượng đài gồm 79 bậc để nhân dân đến viếng thăm được thuận tiện.
Tượng Bác cao 1,5m, đài tượng cao 1,7m. Hiện nay, tượng đài Bác Hồ là điểm đến giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của các nhân dân xã Yên Sơn.
Công trình tượng đài Bác Hồ ở đây do UBND xã Yên Sơn quản lý. Do điều kiện khó khăn, một thời gian dài công trình bị xuống cấp. Đến nay, chính quyền và , các đoàn thể xã Yên Sơn vẫn duy trì việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh khu vực tượng, làm cổng, bậc cho lối lên công trình, chứ chưa tôn tạo hoặc làm thêm được công trình phụ trợ nào.
 
 

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Yên Sơn
 
5. Để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thiết thực hưởng ứng phong trào "Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy", thể theo tình cảm, nguyện vọng của các thế hệ cán bộ chiến sỹ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã thống nhất về chủ trương xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên trụ sở của Công an tỉnh.
 
Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: st)
 
Được sự đồng ý của Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh, ngày 1/4/2016, công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được khởi công và khánh thành ngày 12/5/2016, Lễ đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Công an tỉnh tiến hành theo đúng nghi thức của Nhà nước và phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Tượng cao trên 2m, công trình có tổng giá trị trên 5,3 tỷ đồng, được huy động từ nguồn đóng góp của cán bộ chiến sỹ lực lượng Công an và các sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công trình hiện tại do cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ quản lý.
6. Phú Thọ có nhiều công trình tượng đài tôn giáo trong khuôn viên các di tích lịch sử-văn hóa và sẽ ngày càng nhiều hơn do xu thế thờ phật Quan Thế âm ngoài trời. Cơ bản thể hiện hình tượng Quan Thế Âm trong trang phục trắng (Tượng bạch y) ở tư thế đứng, tay cầm bình cam lộ, cành liễu đứng trên đài của bông sen đang nở. Các tượng đài này đều dựng từ nguồn xã hội hóa, do ban quản lý di tích tu tạo và quản lý, phục vụ cho sinh hoạt tâm linh tại di tích.   
7. Dự kiến đến năm 2035, Phú Thọ sẽ xây dựng thêm 03 công trình tượng đài gồm: tượng Quốc tổ Hùng Vương tại trung tâm thành phố Việt Trì; tượng đài Nguyễn Quang Bích tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê và tượng đài Thánh Gióng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Các công trình này đã nằm trong các quy hoạch đã được phê duyệt, sẽ được xây dựng bằng nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa từ địa phương.  
Các tượng đài ở Phú Thọ hiện có gồm: tượng đài tôn giáo; tượng đài chiến thắng, tượng niệm và tượng đài danh nhân. Phú Thọ vẫn còn thiếu những tượng đài nghệ thuật, tượng đài văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và làm đẹp cảnh quan môi trường. Phú Thọ hiện chưa có quy hoạch về tượng đài. Yêu cầu về việc xây dựng các công trình tượng đài phải đảm bảo sự phù hợp về không gian, cảnh quan, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Để công tác xây dựng và quản lý các công trình tượng đài ở Phú Thọ được hiệu quả, cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
          - Về lâu dài, để đảm bảo sự tiết kiệm và hợp lý, cần xây dựng quy hoạch tượng đài ở Phú Thọ trong những năm tiếp theo. Việc quy hoạch tượng đài đảm bảo phù hợp với không gian, cảnh quan môi trường kiến trúc; khắc họa, thể hiện được ý tưởng nghệ thuật, chuyển tải được giá trị văn hóa; đảm bảo về chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật cao. Quá trình làm quy hoạch cần đảm bảo xây dựng đa dạng tượng đài thuộc các thể loại: tượng đài lãnh tụ, danh nhân, tượng đài chiến thắng, tưởng niệm và tượng đài văn hóa, nghệ thuật. Để tránh sự đơn điệu, nhàm chán trong không gian kiến trúc, cũng cần đa dạng phong cách sáng tác nghệ thuật khi xây dựng tượng đài, đặc biệt là đối với tượng đài văn hóa, nghệ thuật, không chỉ chú trọng riêng một hình thức nghệ thuật theo phong cách hiện thực như hiện nay. Quy hoạch tượng đài sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng, quản lý và duy tu, bảo dưỡng các công trình tượng đài.
          - Trước mắt, Phú Thọ cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công trình tượng đài; thực hiện đúng quy định của nhà nước về quản lý và xây dựng tượng đài theo Nghị định 113/2013/NĐ-CP, thông tư 18/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều tài Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 về hoạt động mỹ thuật.
          - Tuyên truyền về tượng đài và các giá trị của những công trình tượng đài để nhân dân biết, tự hào về lịch sử địa phương, có các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị đó cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đóng góp sáng kiến, ý tưởng, huy động nguồn lực cho việc sáng tác mới và xây dựng tượng đài trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.
          Làm tốt được những công việc trên, hoạt động quản lý nhà nước về tượng đài ở tỉnh Phú Thọ sẽ hiệu quả hơn./.

Nguyễn Thị Xuân Ngàn
Phòng Quản lý Văn hóa
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com