Đảng bộ phường Nông Trang - đơn vị được chọn đại hội điểm của thành phố Việt Trì tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ XII,
nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Anh Thơ
PTĐT - Đảng bộ tỉnh Phú Thọ có 4.933 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở; 607 tổ chức cơ sở Đảng, 18 Đảng bộ cấp trên cơ sở với tổng số trên 105 nghìn đảng viên.
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW và các văn bản, hướng dẫn về Đại hội Đảng các cấp, tính đến hết tháng 3 năm 2020, đã có 4.511 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2022, đạt tỷ lệ 91,4%. Có 15 Đảng bộ cấp trên cơ sở đã hoàn thành việc chỉ đạo, tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 ở 16 tổ chức cơ sở Đảng. Cơ bản các đại hội điểm cấp cơ sở được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đảm bảo theo yêu cầu; nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ những đại hội điểm này.
Có thể thấy, Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên cơ sở được quan tâm, tăng cường. Nhiều đơn vị đã thành lập các tổ công tác giúp Ban Thường vụ cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ việc chuẩn bị, tổ chức đại hội ở các đơn vị được chọn làm điểm. Tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, phát sinh trên địa bàn, đơn vị.
Công tác chuẩn bị, xây dựng văn kiện trình đại hội được thực hiện công phu, chu đáo, kỹ lưỡng. Điểm mới trong kỳ đại hội lần này là ngoài báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành, các cấp ủy đã chủ động xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết để đại hội thảo luận. Việc xây dựng văn kiện đại hội được chỉ đạo, thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể cấp ủy, các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Việc thảo luận văn kiện tại đại hội được các đại biểu tham gia sôi nổi, có trách nhiệm cao, đã có 233 đại biểu đăng ký phát biểu, trong đó có 88 đại biểu đã được bố trí phát biểu tại hội trường.
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử tại đại hội được thực hiện dân chủ, chặt chẽ, đúng quy trình. Điểm mới trong công tác chuẩn bị nhân sự tại kỳ đại hội lần này là việc mở rộng dân chủ, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy các cấp. Nhân sự được cấp ủy khóa cũ giới thiệu tham gia cấp ủy khóa mới đều phải thực hiện quy trình năm bước đối với cả nhân sự tái cử và nhân sự dự kiến tham gia lần đầu. Những đại hội không trực tiếp bầu bí thư đều phải lấy phiếu giới thiệu chức danh bí thư tại đại hội làm căn cứ, cơ sở để cấp ủy khóa mới bầu cử chức danh bí thư cấp ủy. Việc bầu cử tại đại hội được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy chế bầu cử trong Đảng, đảm bảo đủ số lượng cần bầu. Đại hội điểm cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu 192 đồng chí vào cấp ủy, trong đó tái cử 136 đồng chí; 56 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ; 16 đồng chí được bầu giữ chức vụ bí thư, 27 đồng chí phó bí thư. Trên cơ sở số lượng, cơ cấu được cấp trên phân bổ, các đại hội điểm cấp cơ sở đã bầu 114 đại biểu chính thức và 18 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp.
Chương trình, kịch bản đại hội được chuẩn bị đầy đủ, chi tiết. Công tác tuyên truyền, trang trí, khánh tiết được quan tâm thực hiện. Việc điều hành đại hội được thực hiện theo kịch bản; không khí đại hội nghiêm túc, cởi mở, dân chủ. Nhiều đại hội đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như: Thực hiện tiêu trùng, khử độc tại khu vực đại hội; cắt giảm đại biểu khách mời, rút kinh nghiệm bằng văn bản, ghi hình diễn biến đại hội để các đơn vị khác học tập; cắt bỏ văn nghệ, chương trình chào mừng...
Tuy nhiên, văn kiện trình đại hội ở một số nơi còn quá dài, thiếu những giải pháp cụ thể, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chưa thể hiện nổi bật khâu đột phá của địa phương, đơn vị; báo cáo kiểm điểm của cấp ủy chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, còn trùng lặp với báo cáo chính trị; một số ý kiến phát biểu tham luận còn dài, chưa trọng tâm, chủ yếu minh họa, làm rõ các nội dung văn kiện; số ý kiến tham luận vào văn kiện đại hội cấp trên chưa nhiều, còn hình thức; nhiều đại hội chưa quan tâm, thảo luận dự thảo chương trình hành động; một số nơi chưa đảm bảo tỷ lệ cơ cấu trẻ, cơ cấu nữ và đổi mới cấp ủy theo quy định; việc chuẩn bị nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên chưa được quan tâm đúng mức; việc điều hành, phân công nhiệm vụ của đoàn chủ tịch có nơi còn lúng túng, chưa hợp lý.
Vì vậy, qua quá trình tổ chức đại hội, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm như sau: Trước hết, cấp ủy cấp trên cơ sở cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành và các cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở chuẩn bị, tổ chức đại hội. Ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở cần duyệt, cho ý kiến cụ thể để định hướng việc xây dựng văn kiện, xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các khâu đột phá và đề án nhân sự đại hội. Tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh, vướng mắc trên địa bàn, cơ quan, đơn vị.
Cần coi trọng toàn diện các nội dung đại hội, tránh khuynh hướng quá coi trọng đến công tác bầu cử, xem nhẹ công tác chuẩn bị và thảo luận văn kiện tại đại hội.
Nâng cao chất lượng việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện trình đại hội. Báo cáo chính trị cần có tính khái quát cao, đặc biệt quan tâm đến những định hướng lớn, những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và những tiềm năng, lợi thế, khác biệt của địa phương, cơ quan, đơn vị. Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành cần đi sâu, làm rõ vai trò, trách nhiệm của tập thể cấp ủy, nhất là những khuyết điểm, hạn chế trong nhiệm kỳ. Đại hội phải dành thời gian thỏa đáng để thảo luận các văn kiện đại hội, nhất là văn kiện đại hội cấp trên. Đoàn chủ tịch phải gợi ý thảo luận những vấn đề lớn, trọng tâm, quan trọng, có nhiều ý kiến khác nhau, khuyến khích việc tranh luận tại đại hội. Ngoài báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm, các cấp ủy cần quan tâm, chuẩn bị dự thảo chương trình hành động của cấp ủy để đại hội thảo luận, tham gia ý kiến, khắc phục tình trạng nghị quyết chưa sát với thực tế và chậm đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị nhân sự, nâng cao chất lượng cấp ủy viên. Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải tuân thủ đầy đủ quy trình năm bước, đảm bảo thực sự khách quan, công tâm, dân chủ. Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên cần xem xét, định hướng về công tác nhân sự trước khi cấp ủy thực hiện quy trình nhân sự theo quy định. Nhân sự cấp ủy khóa mới phải có số lượng, cơ cấu hợp lý, chú trọng bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đảm bảo đổi mới không dưới một phần ba so với đầu nhiệm kỳ. Chú trọng chuẩn bị nhân sự đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên, đảm bảo theo đúng cơ cấu, số lượng, nâng cao chất lượng đại biểu.
Ngoài ra, thực hiện tốt công tác tuyên truyền cả trước, trong và sau đại hội bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả; để thực hiện song trùng mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức đại hội, đối với cấp xã không nên tổ chức quá một ngày, các tổ chức cơ sở Đảng khác chỉ nên thực hiện trong một buổi, không tổ chức đại hội khi chưa khống chế được dịch Covid-19. Chú trọng việc trang trí, khánh tiết đại hội theo đúng hướng dẫn, đảm bảo trang trọng. Kịch bản điều hành của đoàn chủ tịch cần chuẩn bị sẵn các tình huống, phương án có thể phát sinh. Điều hành của đoàn chủ tịch phải bám sát vào chương trình, kịch bản, tuy nhiên cần có sự linh hoạt, tránh gò ép, bị động. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đoàn chủ tịch, đảm bảo khoa học, phù hợp, phát huy dân chủ; không nên phân công đồng chí bí thư cấp ủy khóa cũ tái cử điều hành nội dung lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy khóa mới; đoàn chủ tịch đại hội ở phiên họp ban chấp hành lần thứ nhất nên bố trí hai đồng chí, tránh việc điều hành bầu cử cho chính mình...
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ đại hội điểm là cơ sở để các cấp ủy chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020- 2025, tạo tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các huyện, thành, thị, Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.