Thứ 5 | 14/12/2023

baophutho.vnChủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện thực lời nói gắn liền với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn. Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, trước nhân dân và trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc to hay việc nhỏ.
Theo Người, tinh thần trách nhiệm “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,... là không có tinh thần trách nhiệm”. Nguồn gốc của “bệnh sợ trách nhiệm” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo là do chủ nghĩa cá nhân: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực, không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”.
Có thể thấy, tình trạng né tránh trách nhiệm có nguyên nhân từ việc cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và thiếu năng lực thực sự dẫn đến né tránh, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích gì cho bản thân. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta đẩy mạnh trong toàn hệ thống chính trị, rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật đã khiến cho cán bộ thực thi công vụ, kể cả những người đứng đầu có tâm lý và thái độ làm việc cầm chừng với quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”...
Căn bệnh “sợ trách nhiệm” gây ra nhiều hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình là tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, hình thành một bộ phận cán bộ, đảng viên núp bóng, không vì lợi ích chung, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện thờ ơ, vô cảm với trách nhiệm được giao và trách nhiệm với nhân dân, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng lên. Trong khi đó, người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị hiểu sai, thậm chí rất dễ bị quy chụp và xử lý trách nhiệm.
Do vậy, để khắc phục căn “bệnh sợ trách nhiệm” thì trong mỗi chi bộ, mỗi đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, tăng cường tự soi, tự sửa. Phải có nhận thức chính trị đúng với sự hiểu biết về đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; kiên định, tin tưởng mục tiêu do Đảng đề ra. Bên cạnh đó, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, công chức và tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, thực hiện tốt khen thưởng, kỷ luật; đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua một cách thực chất, không phô trương hình thức, khắc phục bệnh thành tích cũng là cách để khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” hiện nay.
“Bệnh sợ trách nhiệm” có hậu quả và di hại khôn lường với sự phát triển đi lên của đất nước. Do vậy, từng chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm khắc nhận diện và tìm cách “chữa trị” kịp thời, hiệu quả.
Minh Tự
Dẫn nguồn: 
Khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” (baophutho.vn)

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com