Thứ 4 | 08/11/2023


Xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh thể hiện trình độ phát triển văn hoá của dân tộc. Quá trình đó được tiếp tục bằng việc tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Sau khi xác định các “điểm nghẽn”, Phú Thọ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS, tạo diện mạo mới cho các vùng khó.

Ưu tiên cơ chế, nguồn lực cho đồng bào DTTS

Phú Thọ hiện có 50 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 250 nghìn người, chiếm hơn 17% dân số toàn tỉnh; chủ yếu là các dân tộc: Mường, Dao, Cao Lan sinh sống tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy và Đoan Hùng. Tuy nhiên, đời sống của người DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo DTTS là 13,3% và tỉ lệ hộ cận nghèo DTTS chiếm 10% so với tổng số hộ toàn tỉnh.

Khánh thành cầu Trẹ Rẹ, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn - Dự án nằm trong nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 3036/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719). Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là gần 1.177 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là trên 962 tỉ đồng, vốn đối ứng địa phương là 215 tỉ đồng.

Giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Phú Thọ có 58 xã thuộc khu vực I, II, III và 70 thôn đặc biệt khó khăn ở ba huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn trong địa bàn triển khai dự án, tiểu dự án, chính sách thuộc Chương trình. Đến nay, đã giải ngân 331 tỉ đồng.

Đồng chí Hà Văn Thịnh – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Cơ bản các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần đã được triển khai thực hiện và phân bổ vốn đến các đơn vị, các địa phương. Giai đoạn 2021- 2023, Chương trình đã triển khai hỗ trợ đầu tư 123 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 26 công trình trường học; 4 công trình y tế và một số công trình khác cho các xã, thôn thuộc khu vực miền núi, đặc biệt khó khăn. Đến nay, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi là 2%; 17 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 35 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Giai đoạn 2021 – 2023 của Chương trình, huyện Yên Lập được đầu tư 90 công trình trên địa bàn 105 thôn, bản với tổng mức đầu tư 197,57 tỉ đồng. Đến nay, các công trình cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định. Dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng và giải ngân các dự án đạt 100% trong quý IV năm 2023. Năm 2022, số hộ nghèo đồng bào DTTS là 2.527 hộ, chiếm tỉ lệ 85,4 % so với tổng hộ nghèo toàn huyện; giảm 1,4 %, so với năm 2021.

Lớp tập huấn của Phòng Dân tộc huyện Tân Sơn cho cán bộ, trưởng khu dân cư, đồng bào dân tộc tiếp cận về quy định liên quan đến phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Tại huyện Tân Sơn, Chương trình được thực hiện trên phạm vi 17/17 xã, 171/172 thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS&MN của huyện. Đồng chí Nguyễn Xuân Toản – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: UBND huyện tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện đối với các công trình chuyển tiếp năm 2022, đồng thời thực hiện các quy trình khảo sát, phê duyệt các công trình đầu tư mới năm 2023 theo tiến độ và quy định. Đến nay, các chỉ tiêu thực hiện cơ bản đảm bảo tiến độ, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi 1,92%, đạt 64% so với kế hoạch.

Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, hơn 20 năm qua, Phú Thọ đã đẩy mạnh các chính sách đặc thù để xóa “vùng khó”. Không chỉ kinh tế đổi thay mà đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS cũng chuyển biến rõ nét. Qua rà soát, Phú Thọ hiện có 259 di sản thuộc bảy loại hình di sản văn hóa phi vật thể thuộc vùng đồng bào DTTS. Những giá trị văn hóa đặc trưng như: Lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, tín ngưỡng, tập quán ... đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo vệ và khai thác. Đến nay, đã có 300 câu lạc bộ của các dân tộc Mường, Mông, Dao, Cao Lan hoạt động với sự tham gia của gần 2.500 người.

Lễ hội mở cửa rừng của dân tộc Mường, huyện Yên Lập vẫn được bảo vệ và gìn giữ đến ngày nay


Nghị quyết về phát triển cây quế đã góp phần giúp Yên Lập thực hiện mục tiêu duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 1%/năm.

Đồng chí Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh cho biết: MTTQ các cấp ở vùng đồng bào DTTS đã tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tập hợp, vận động đồng bào tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước mang tính sâu rộng toàn dân, toàn diện và đạt được những kết quả tích cực trên cơ sở hướng về cơ sở, về địa bàn khu dân cư. Đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác Mặt trận, cán bộ làm công tác dân tộc và người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh là đơn vị được thụ hưởng Chương trình MTQG 1719.

Đến nay, 100% các xã vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh có đủ hệ thống trường học các cấp từ Mẫu giáo, Tiểu học đến Trung học Cơ sở; tỷ lệ phòng học kiên cố vùng DTTS đạt 100%; tỷ lệ học sinh Mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông đạt 96,8%.

Đồng hành tháo gỡ cho “vùng khó”, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu biết về chính sách và tích cực, tự giác tham gia bảo hiểm y tế. Từ nguồn tiền ủng hộ năm 2022, đơn vị đã tặng thẻ bảo hiểm y tế (3 tháng) cho 4.320 người DTTS với tổng trị giá hơn 800 triệu đồng. Bằng nhiều nỗ lực, tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến nay đạt khoảng 90%. Hệ thống y tế vùng đồng bào DTTS&MN đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Tỉ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia đạt 100%; tỉ lệ thôn, bản có cán bộ y tế đạt 100%; tỉ lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch 96,2% trở lên.

Đồng chí Hồ Đại Dũng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hiện Phú Thọ có trên 6.500 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, trong đó nhiều người nắm giữ chức vụ lãnh đạo, cốt cán. Từ nay đến năm 2025, tỉnh mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng. Có thể khẳng định rằng bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ thì việc phát huy được tính “tự lực, tự cường” là yếu tố then chốt để có thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS một cách bền vững.

Ngoài việc thực hiện nhất quán các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền cần sáng tạo trong cách thức nhằm phải phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Qua đó khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng, vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS, tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, cũng là thực hiện khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thanh Trà - Thùy Trang - Thu Hương 
Dẫn nguồn: 
Kỳ 3: Chủ trương đúng, trúng lòng dân (baophutho.vn)

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com