Chủ tọa điều hành phiên giải trình tại kỳ họp
Giải trình làm rõ tình trạng vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán của các dự án, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu thời gian qua, đồng chí Vương Thị Bẩy - TUV, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Tại thời điểm hết tháng 8/2014, toàn tỉnh còn 437 dự án vi phạm quy định về thời gian quyết toán dự án hoàn thành. Đến ngày 7/12/2022, toàn tỉnh còn 35 dự án vi phạm quy định về thời gian quyết toán dự án hoàn thành.
Qua rà soát cùng với các nội dung thuộc các dự án đã được Kiểm toán nhà nước kiến nghị, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh, các đơn vị có liên quan đến công tác quyết toán phối hợp kiểm tra, giám sát làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ quyết toán. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy các dự án chưa hoàn thiện hồ sơ quyết toán hiện nay đa phần là các dự án được thực hiện từ nhiều năm trước đây, từ năm 2008, 2010, 2012... Thực trạng hồ sơ chưa đảm bảo quy định do nhiều nguyên nhân: Thiếu hồ sơ chứng từ, nhiều hồ sơ còn thiếu do vướng mắc khâu bồi thưởng giải phóng mặt bằng; một số nhà thầu chưa quan tâm và chưa phối hợp với các chủ đầu tư, còn chây ì không thực hiện lập và cung cấp hồ sơ thuộc nghĩa vụ của mình mặc dù đã được chủ đầu tư đôn đốc.
Giám đốc Sở Tài chính Vương Thị Bẩy giải trình làm rõ tình trạng vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán của các dự án, chủ đầu tư
Về giải pháp xử lý đối với những dự án kéo dài, tồn đọng từ lâu, Giám đốc Sở Tài chính Vương Thị Bẩy cho biết: Sở Tài chính đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ liên quan còn để tồn đọng các dự án, công trình chậm lập hồ sơ quyết toán. Thực hiện công khai danh sách các nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán hợp đồng; không để nhà thầu có vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới theo quy định.
Làm rõ về nội dung thu hồi sau quyết toán, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh Trần Mạnh Hùng cho biết: Theo các quyết định phê duyệt quyết toán, toàn tỉnh có 48 dự án phải thu hồi sau quyết toán với tổng số tiền phải thu hồi là 40,6 tỷ đồng. Đến nay, lũy kế số đã thu được là 24,4 tỷ đồng, trong đó kể từ thời điểm kiểm toán tháng 7/2022, số phải thu là 17,5 tỷ đồng/48 dự án, đến nay thu được 1,3 tỷ đồng/19 dự án. Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay chưa có dự án nào không có khả năng thu hồi. Hiện nay, Kho Bạc Nhà nước Phú Thọ đang tiếp tục phối hợp, đôn đốc các chủ đầu tư để thực hiện thu hồi, nộp trả ngân sách nhà nước theo quy định.
Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh Trần Mạnh Hùng làm rõ thêm nội dung thu hồi sau quyết toán cho ngân sách nhà nước
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành xử lý dứt điểm các dự án còn tồn đọng, kéo dài chưa hoàn thành quyết toán, nhất là đối với một số dự án tồn đọng kéo dài trên địa bàn thành phố Việt Trì. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thanh tra các ngành, địa phương rà soát lại các dự án, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chủ đầu tư các công trình, dự án để có biện pháp xử lý nghiêm minh.
Giải trình về quy trình thực hiện thủ tục, trả kết quả đăng ký biến động quyền sử dụng đất cho công dân bị chậm, muộn, không đúng tiến độ theo quy trình, đồng chí Phạm Văn Quang - TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) 3 cấp thuộc lĩnh vực đất đai đã được UBND tỉnh phê duyệt, thủ tục đăng ký biến động đất đai có tổng thời gian là 10 ngày làm việc với 6 bước công việc và không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính. Thời gian để xác định nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế được quy định tại Điều 63 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ là không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ địa chính của Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển đến. Trong khi đó, quy trình thực TTHC trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh chưa tách thời gian thực hiện các bước công việc này dẫn đến tình trạng trả kết quả cho công dân bị chậm, muộn so với thời gian theo công bố TTHC.
Hiện nay để khắc phục tình trạng trên, sau khi Văn phòng đăng ký đất đai thẩm định hồ sơ đủ điều kiện và chuyển thông tin địa chính tới cơ quan thuế đã thực hiện bước “Tạm dừng hồ sơ” trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh kèm theo Thông báo tới người sử dụng đất. Sau khi người sử dụng đất nộp lại các giấy tờ về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cán bộ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ tiếp nhận lại và chuyển hồ sơ tiếp tục giải quyết theo quy định.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở đang phối hợp với Cục Thuế tỉnh bổ sung quy trình xác định nghĩa vụ tài chính của cơ quan Thuế từ 3 - 5 ngày làm việc trong quy trình giải quyết thủ tục đăng ký biến động đất đai; đồng thời điều chỉnh, tích hợp trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhằm khắc phục tình trạng trên.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang giải trình về công tác BTGPMB
Trước thực trạng công tác BTGPMB ở một số địa phương còn chậm, chưa xử lý kịp thời, vẫn là điểm nghẽn ảnh hưởng đến thu hút các nhà đầu tư. Điển hình như Khu đô thị Nam Minh Phương, Khu công nghiệp Trung Hà, Khu công nghiệp Cẩm Khê, các Cụm công nghiệp Đồng Lạc - huyện Yên Lập, Thục Luyện - huyện Thanh Sơn… Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lý giải nguyên nhân việc triển khai thực hiện công tác BTGPMB thường kéo dài do chính sách pháp luật trong công tác này có sự thay đổi, điều chỉnh, dẫn đến tình trạng các hộ dân trong cùng một dự án có sự chênh lệch số tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; một số hộ dân gương mẫu chấp tình trước lại được bồi thường thấp hơn hộ dân chống đối; tình trạng cơi nới, xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép còn diễn ra; việc thực hiện công tác BTGPMB chưa đồng bộ, chưa bảo đảm có đất ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân đủ điều kiện được tái định cư…
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB của các dự án trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và truyền thông, vận động các hộ dân thực hiện đúng chính sách của nhà nước trong công tác BTGPMB, kịp thời ngăn chặn các hành vi tự ý hoặc cố tình cơi nới, xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép nhằm trục lợi cá nhân. Thực hiện đúng, đủ, công khai minh bạch các trình tự, thủ tục về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân theo quy định của pháp luật. Thực hiện việc bố trí khu tái định cư và hạ tầng khu tái định cư đảm bảo đồng bộ trước khi thu hồi đất đối với các trường hợp đủ điều kiện được tái định cư. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các chủ đầu tư dự án cần chủ động bố trí nguồn vốn để ứng vốn cho địa phương nhằm kịp thời chi trả tiền BTGPMB và xây dựng hạ tầng khu tái định cư…
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đầu có vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của công tác BTGPMB. Qua kinh nghiệm triển khai công tác BTGPMB thời gian qua đã cho thấy chỉ khi có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu, đồng thuận; đồng thời công khai, minh bạch các trình tự, thủ tục về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… thì công tác BTGPMB sẽ được triển khai nhanh chóng. Đồng chí đề nghị HĐNĐ, UBND tỉnh cần tăng cường thực hiện giám sát chuyên đề, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không chấp hành, trục lợi chính sách…
Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Đức Thịnh giải trình về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Giải trình về việc hiện còn một số ngành Văn hóa, Dân số, Nông nghiệp… chưa được tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, đồng chí Ngô Đức Thịnh - TUV, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Toàn tỉnh hiện có tổng số trên 800 viên chức các ngành chưa được tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Căn cứ các quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành, Sở Nội vụ đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Đề án số 4818/ĐA-UBND về tổ chức thi nâng ngạch công chức, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính; từ cán sự hoặc tương đương lên chuyên viên hoặc tương đương. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thi thăng hạng viên chức các ngành đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Về vấn đề này, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành liên nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật cũng như tính hợp lý của đối tượng được nâng hạng để triển khai thực hiện.
Về giải pháp để giải quyết thực trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Tân Sơn nói riêng, đồng chí Ngô Đức Thịnh chia sẻ: Giai đoạn 2022 - 2026, tỉnh phải đảm bảo tinh giản 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo có đặc thù riêng, hiện chiếm trên 76% biên chế sự nghiệp. Trong thời gian tới, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp và tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương tuyển bổ sung giáo viên còn thiếu trong chỉ tiêu số lượng người làm việc đã được giao; triển khai phân bổ 832 chỉ tiêu giáo viên được Trung ương giao. Đồng thời, rà soát, sắp xếp mạng lưới giáo dục, giảm tối đa điểm lẻ, trường có quy mô nhỏ lẻ; bố trí sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có và tiếp tục đề xuất việc hợp đồng giáo viên.
Hương Giang - Lệ Thủy
Dẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/