Thứ 3 | 11/07/2023
PhuthoPortal - Sáng ngày 11/7/2023, các đại biểu dự Kỳ họp thứ Sáu - HĐND tỉnh khóa XIX nghe lãnh đạo các sở, ngành giải trình những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH); tháo gỡ khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Chủ tọa kỳ họp

Quyết liệt khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH

Giải trình về giải pháp khắc phục tình trạng nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Phó Giám đốc quản lý điều hành BHXN tỉnh Trần Xuân Long - cho biết: Tính đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.450 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 127,5 tỷ đồng. Trong đó có 347 doanh nghiệp không còn lao động, giải thể, phá sản, không còn hoạt động với số tiền chậm đóng 49,8 tỷ đồng; 671 doanh nghiệp có lao động nợ từ dưới 1 tháng với số tiền 13,9 tỷ đồng; 432 doanh nghiệp có lao động chậm đóng trên 1 tháng với số tiền 63,8 tỷ đồng (số doanh nghiệp có lao động chậm đóng dưới 10 triệu đồng là 646 doanh nghiệp).

Phó Giám đốc quản lý điều hành BHXH tỉnh Trần Xuân Long giải trình tại Kỳ họp

Nguyên nhân là do một số chủ sử dụng lao động cố tình không đóng, chậm đóng, có dấu hiệu chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN; một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có khả năng thanh toán; một số doanh nghiệp nhỏ không tự giác đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Một số doanh nghiệp cố tình nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, không thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động như: Công ty TNHH Công nghệ NAMUGA Phú Thọ, Công ty TNHH SE SOLL Vina, Công ty cổ phần CMC...

Phó Giám đốc quản lý điều hành BXH tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 194 đơn vị, tăng 18 đơn vị (bằng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022). Qua kiểm tra đã yêu cầu truy thu do chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 6 lao động tại 5 đơn vị với tổng số tiền là 504.690.320 đồng (chưa bao gồm lãi truy thu). Yêu cầu truy thu do đóng thiếu thời gian đối với 54 lao động tại 25 đơn vị với tổng số tiền là 270.575.536 đồng. Hoàn trả, điều chỉnh giảm do đóng sai đối tượng cho 8 lao động tại 6 đơn vị với tổng số tiền là 10.228.501 đồng. Yêu cầu truy thu do đóng thiếu mức quy định đối với 24 lao động tại 5 đơn vị với tổng số tiền là 40.884.086 đồng (chưa bao gồm lãi truy thu).

Số tiền các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra là 744.312.435 đồng, trong đó số tiền khắc phục đến thời điểm thanh tra, kiểm tra trực tiếp là 133.939.414 đồng. BHXH tỉnh đã tham mưu trình UBND tỉnh ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu may Tuấn Tú với số tiền 384.509. 666 đồng chưa bao gồm tiền lãi chậm đóng.

Để khắc phục, hạn chế tình trạng nợ đọng của các doanh nghiệp, Phó Giám đốc quản lý điều hành BXH tỉnh khẳng định trong thời gian tới BHXH tỉnh tiếp tục công khai tình trạng vi phạm luật BHXH, BHYT cố tình chây ì, nợ đóng BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin truyền thông đối với những doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên. Hằng quý có văn bản cung cấp danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN theo quy chế phối hợp cho các sở, ngành để phối hợp đôn đốc thu nợ đảm bảo quyền lợi người lao động. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động.

Đối với các đơn vị cố tình không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT, ông Trần Xuân Long cho biết sẽ phối hợp với Sở Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ thực hiện cưỡng chế thi hành theo Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính, sửa đổi, bổ sung năm 2020; củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra để kiến nghị khởi tố hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự; đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh để khởi kiện ra tòa án nếu đủ điều kiện.

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Theo ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, hiện nay việc giải ngân vốn thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 còn chậm. Đối với cấp tỉnh, ngân sách nhà nước cấp năm 2022 là 850 triệu đồng; năm 2023 là 2.291 triệu đồng, nhưng đến ngày 30/6/2023 mới giải ngân được 16,39%. Đối với cấp huyện: Năm 2022 ngân sách cấp là 3.405 triệu đồng; năm 2023 là 9.165 triệu đồng, nhưng đến ngày 30/6/2023 mới giải ngân được 2,41%.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cầm Hà Chung giải trình tại Kỳ họp

Giải trình làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn chậm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cầm Hà Chung cho biết: Theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án 8 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, tổ chức thực hiện. Tại tỉnh Phú Thọ, nội dung này giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, hướng dẫn.

Về nguyên nhân chậm giải ngân nguồn vốn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thực tế triển khai, Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng kế hoạch bài bản triển khai từ Trung ương đến cơ sở với mục tiêu nhiệm vụ rõ ràng, tuy nhiên lại đề ra nhiều nội dung chi quá chi tiết, cụ thể không nằm trong Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022 của Bộ Tài chính mà Trung ương Hội đã phối hợp xây dựng như: Kinh phí hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ cho công tác truyền thông cho các tổ truyền thông tại cơ sở…, dẫn đến không có căn cứ để chi và quyết toán, gây khó khăn cho cơ sở khi triển khai theo hướng dẫn. Vấn đề này Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2022/TT-BTC đảm bảo phù hợp thực tiễn và tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đối với nội dung chi, mức chi 4 nội dung về hoạt động tuyên truyền vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ… đã được quy định khá rõ trong Thông tư 15/2022/TT-BTC. Tuy nhiên, trong tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành chưa chủ động, chưa bám sát các nội dung quy định tại15/2022/TT-BTC; một số địa phương chậm phân bổ nguồn vốn; cán bộ còn kiêm nhiệm…

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị các cấp, các ngành chủ động, khẩn trương triển khai các nội dung của dự án, đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra, phấn đấu hết năm 2023 giải ngân 100% vốn được phân bổ.

Với vai trò là cơ quan chủ trì Chương trình, trong thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Hội LHPN tỉnh, các cơ quan liên quan rà soát, xác định, tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện Dự án 8, nhất là đối với nội dung Trung ương Hội LHPN Việt Nam hướng dẫn triển khai nhưng không có định mức chi, chưa rõ đối tượng...; đồng thời có văn bản tham mưu với UBND tỉnh gửi Trung ương xem xét, giải quyết.

Về ý kiến tại Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chưa rõ quy định đối tượng hộ nghèo là dân tộc Kinh ở các xã thuộc Chương trình 229 (CT229), Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 12 xã thuộc CT229. Trong đó: Huyện Thanh Sơn: 6 xã, Tân Sơn: 1 xã; Yên Lập: 5 xã. Trong 12 xã thuộc CT229, có 5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo quy định tại Điều 3, Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quyết định phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 25/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và xây dựng các vùng CT229 thì các xã thuộc CT229 nếu chưa đạt chuẩn nông thôn mới thì sẽ được hưởng chế độ như các xã đặc biệt khó khăn.

Đối với Dự án 1, Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 và Thông tư 02/2022/TT-UBDT đã quy định rõ về đối tượng thụ hưởng Dự án. Cụ thể: Hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bảo DTTS&MN gồm 26 xã thuộc khu vực III tại Quyết định số 861/QĐ-TTg và 4 thôn ĐBKK thuộc xã có thôn vùng DTTS&MN tại Quyết định 612/QĐ-UBDT.

Như vậy, đối tượng hộ nghèo là dân tộc Kinh ở các xã thuộc CT229 chưa đạt chuẩn nông thôn mới sẽ thuộc 2 trường hợp nêu trên. Trong trường hợp các xã CT229 đã đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ có đối tượng hộ nghèo DTTS sinh sống trên địa bàn vùng DTTS&MN mới được thụ hưởng Dự án 1.

Về vấn đề này, Chủ tọa nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới,  do vậy trong quá trình triển khai, các cấp, các ngành cần lưu ý, nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định. Đối với những nội dung đã rõ, có hướng dẫn cụ thể mới được phép thực hiện giải ngân, thanh quyết toán. Đối với những nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể kiên quyết chưa thực hiện.

Đẩy mạnh phối hợp quản lý, giáo dục giữa chính quyền, gia đình và nhà trường để phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên

Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Minh Tuấn giải trình tại Kỳ họp

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm, khiêu khích, dùng hung khí, vũ khí gây rối, đánh nhau, hành xử kiểu giang hồ… gây tâm lý lo lắng và bức xúc trong nhân dân. Điển hình như vụ việc diễn ra vào ngày 7/6/2023, 31 thanh, thiếu niên thuộc thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, huyện Tam Nông mang theo các loại hung khí nguy hiểm như dao phóng lợn, gậy, chai xăng, gạch đá đến địa bàn huyện Tam Nông để giải quyết mâu thuẫn. Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Bên cạnh sự quyết liệt đấu tranh của lực lượng Công an, các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh giáo dục pháp luật, phòng ngừa tội phạm, đào tạo nghề, tạo việc làm cho đối tượng thanh, thiếu niên. Đặc biệt, cần quan tâm phối hợp quản lý, giáo dục giữa chính quyền, người dân, gia đình và nhà trường đối với con em mình; thường xuyên quan tâm, động viên, quản lý chặt chẽ, kịp thời nắm bắt những biến động về tâm lý lứa tuổi để phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Lệ Thủy - Khánh Trang
Dẫn nguồn: 
https://phutho.gov.vn/

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com