Thứ 6 | 05/04/2024

Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường này có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.

Hình minh họa

Chưa có một bộ luật riêng về công nghiệp văn hoá

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh kết quả đạt được thời gian qua, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra. Theo đó, đến thời điểm này vẫn chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá.

Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện chưa có Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thống kê của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chưa được thực hiện toàn diện và đầy đủ dẫn đến việc đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế.

Cùng với đó, nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa (phần mềm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang…) chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có trong các sản phẩm, dịch vụ qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng trong nước và quốc tế.

Một số doanh nghiệp và nhân dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nên việc vi phạm và xâm phạm trong thời gian qua đã tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo, đồng thời gây cản trở cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các ngành công nghiệp văn hóa là nhóm ngành dễ bị tác động bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam hiện nay chưa đưa được hết các giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều doanh nghiệp Việt chưa đề cao xây dựng giá trị thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ và các yếu tố pháp lý liên quan đến bảo vệ bản quyền.

"Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm, do nguồn vốn chi cho đầu tư sáng tạo lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, nhỏ lẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý, đến ứng xử của cộng đồng, xã hội đối với từng sản phẩm công nghiệp văn hoá" - Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam có một thị trường nội địa tiềm năng với dân số trẻ, cởi mở, dễ tiếp cận, tuy nhiên đối tượng này chưa hình thành thói quen, ý thức trong việc tôn trọng, bảo vệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam một cách toàn vẹn, khai thác, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, đầu tư tài chính cho văn hóa trong đó có công nghiệp văn hóa từng bước được nâng lên nhưng hiện tại còn thấp hơn so với nhu cầu.

Còn đó những trăn trở

Điện ảnh được đánh giá là một lĩnh vực rất tiềm năng trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Việc Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, tháng 6/2022, có hiệu lực từ 01/01/2023 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng và cực kỳ thông thoáng để Điện ảnh có phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động thì vẫn còn đó những trăn trở từ phía các doanh nghiệp, nhà sản xuất.

Chia sẻ về thị trường điện ảnh của Việt Nam hiện nay, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD cho biết, các hệ thống rạp có phim Việt chiếm khoảng 30% thị phần, so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này khoảng 70-90%. Doanh thu phim Việt thì khoảng từ 18-33%, so với những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc là 50-70%. Tỉ lệ bán vé trong những năm gần đây của Việt Nam tăng 20-40%.

"Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Khi Việt Nam lọt vào nhóm đó thì tỉ lệ phim sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm hay vẫn là 70% dành cho nước ngoài? Do đó, chính sách của Nhà nước rất quan trọng để hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển" - bà Hạnh trăn trở.

Một khó khăn nữa của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh đó là thủ tục hành chính. Theo bà Hạnh, để quay một cảnh phim, phải xin nhiều giấy phép, trong đó có giấy phép của Sở Văn hóa, giấy phép của phường, Công an phường, công ty cây xanh nếu quay ở công viên cây xanh, phim có hành động cháy nổ phải xin phép cơ quan phòng cháy, chữa cháy. Trong một ngày đoàn làm phim đi làm ở 3 địa điểm thì ngần ấy giấy phép phải làm, rất khó khăn.

Cũng như Điện ảnh, Quảng cáo được kỳ vọng là một trong những lĩnh vực tiềm năng, mũi nhọn cho phát triển công nghiệp văn hóa. Đi sâu phân tích về lĩnh vực này, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam thực sự phát triển từ năm 1990 và cho đến nay quảng cáo đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một ngành nghề chính thức, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam cũng như thể hiện vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa của đất nước.

Doanh thu quảng cáo của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN. Năm 2023 ước đạt khoảng 2,144 tỷ USD. Điều này cho thấy, quảng cáo Việt Nam có tiềm năng và dư địa rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, hoạt động quảng cáo Việt Nam từ trước đến nay bị chi phối, ràng buộc bởi những yếu tố đặc thù về văn hóa, con người, các mối quan hệ xã hội, kinh tế… nên đứng trước rất nhiều thách thức về cơ sở pháp lý; các bộ luật, nghị định, văn bản pháp luật…còn chưa có sự đồng nhất. Các khía cạnh quảng cáo liên quan đến nhiều bộ ngành cần sự phối hợp đồng bộ những chưa thực sự được như mong muốn. Việc nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu còn yếu, khó có căn cứ hoạch định kế hoạch phát triển cho mỗi giai đoạn.

Bên cạnh đó, hầu hết các hoạt động doanh nghiệp quảng cáo trong nước hoạt động theo bản năng, trào lưu, thiếu sự phân tích dữ liệu thị trường, thiếu sự liên kết với nhau, nguồn nhân lực thiếu, kết quả không đạt được như mong đợi và khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Để khắc phục, ông Sơn cho rằng, trước hết phải hoàn thiện thể chế, chính sách. Theo đó, Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung sau 10 năm thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập chưa phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại.

Về quảng cáo ngoài trời, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc này mang lại bộ mặt mới cho đô thị và các vùng miền, thể hiện sự năng động của một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, dù Bộ VHTTDL đã rất sát sao chỉ đạo về định hướng, chủ trương, nhưng các địa phương vẫn chưa thực sự quán triệt tinh thần.

Sản phẩm khó cạnh tranh do chưa khai thác tối ưu đặc sắc văn hóa bản địa, chưa định hình thương hiệu quốc gia

Du lịch văn hóa được Chính phủ chọn là 1 trong 12 ngành của công nghiệp văn hóa. Là doanh nghiệp có 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Du lịch, Tập đoàn Sun Group luôn cố gắng phát triển, sáng tạo các sản phẩm du lịch bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị của dân tộc, giữ gìn bản sắc của con người và thiên nhiên tại những vùng đất nơi Tập đoàn đặt chân đến.

Theo bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, về cơ chế chính sách, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm.

"Cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ như về cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối" - bà Nguyễn Thái Hoài Anh nhấn mạnh.

Và điều quan trọng hơn, theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, cần coi nhiệm vụ Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch này trong từng thời kỳ, là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam.

"Quy hoạch công nghiệp văn hóa không chỉ dành cho một nhóm ngành nghề, một thành phố, một tỉnh mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước, sau đó, phân rã tới từng vùng, tỉnh, đơn vị. Đồng thời, Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa cũng cần đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các loại quy hoạch khác.

Đối với Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cần có cơ chế xã hội hóa huy động nguồn vốn thực hiện, kêu gọi các ý tưởng, nghiên cứu bài bản từ quy hoạch không gian văn hóa, phát triển các sản phẩm, quy hoạch ngành nghề phát huy giá trị văn hóa, du lịch đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ để có hệ sinh thái hoàn chỉnh" - bà Hoài Anh nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành công nghiệp văn hóa có đặc điểm riêng, nhưng về cơ bản, các ngành công nghiệp văn hóa có quy trình hoạt động chính: sáng tạo, sản xuất, phân phối dịch vụ và tiêu dùng sản phẩm văn hóa.

Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, không thể phủ nhận những dấu ấn phát triển của một số thị trường sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, tuy nhiên cũng cần thừa nhận một thực tế là các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam chưa đa dạng, phong phú, kém hấp dẫn, thiếu tính độc đáo, ứng dụng nên chưa đáp ứng được thị hiếu và thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, nhiều sản phẩm chưa khai thác tối ưu đặc sắc văn hóa bản địa, khó định hình thương hiệu quốc gia nên sức cạnh tranh không cao, gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận các thị trường quốc tế.

"Dù chúng ta có những nỗ lực và thành công nhất định (năm 2019 đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 3,61% GDP so với mục tiêu 3% đến năm 2020) nhưng vẫn chưa đáp ứng được với kỳ vọng của những người yêu mến văn hóa nghệ thuật, cũng như khát khao khai thác giá trị văn hóa cho sự phát triển bền vững" - ông Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm./.

Bài 5: Kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn" để tạo khí thế mới, động lực mới
Thế Công

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com