Thứ 4 | 10/07/2024

PhuthoPortal - Sáng ngày 10/7/2024, Kỳ họp thứ Tám - HĐND tỉnh khóa XIX bước vào phiên thảo luận tại hội trường về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024.

Các đại biểu thảo luận bên lề Kỳ họp

Quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao với nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh và đánh giá các báo cáo nhìn chung ngắn gọn, rõ ràng, phản ánh đầy đủ tình hình, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong năm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024. Các đại biểu đã làm rõ hơn một số nội dung trong báo cáo và đề nghị các giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu 6 tháng cuối năm.

Bà Đỗ Thị Ngọc Ánh - Tổ đại biểu thành phố Việt Trì nêu các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh

Đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, bà Đỗ Thị Ngọc Ánh - Tổ đại biểu thành phố Việt Trì cho rằng: Thời gian qua, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công nghiệp truyền thống, chủ lực của tỉnh; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao; tăng trưởng tín dụng còn thấp.
Đại biểu đưa ra một số giải pháp như: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tập trung rà soát theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa một cách thực chất các thủ tục hành chính. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, nâng cao chất lượng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Chú trọng thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị đề xuất giải pháp, sáng kiến mới có tính ứng dụng cao nhằm góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Ông Ngô Quang Chính - Tổ đại biểu huyện Phù Ninh thảo luận về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phù Ninh

Nêu một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phù Ninh, ông Ngô Quang Chính - Tổ đại biểu huyện Phù Ninh phân tích: Một số tiêu chí cần nguồn lực nhiều, song thu ngân sách ở một số xã đạt thấp đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các tiêu chí và huy động nguồn vốn để thực hiện nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới chưa được thường xuyên. Do đó thời gian tới huyện sẽ huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng vào cuộc xây dựng huyện nông thôn mới. Tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo và an sinh xã hội. Phát huy vai trò của Nhân dân trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Quyết liệt tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các tiêu chí chưa đạt và đạt thấp, chỉ đạo hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch và lộ trình đề ra.
Đóng góp ý kiến để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa
Bà Trần Thị Thu Hằng - Tổ đại biểu huyện Đoan Hùng cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 254 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Để đạt mục tiêu đề ra năm 2024, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh cần vận động 80 nghìn người tham gia BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, chính sách BHYT còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về BHYT chưa được thường xuyên. Tỷ lệ người tham gia BHYT tăng không cao; việc bố trí ngân sách để mua thẻ BHYT cho nhóm người dân thuộc các xã vùng ATK còn chậm...

Bà Trần Thị Thu Hằng - Tổ đại biểu huyện Đoan Hùng phân tích giải pháp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân

Trước khó khăn đó, đại biểu đề nghị: Thời gian tới, cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ, đảng viên về thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chính sách BHYT. Tập trung phát triển người tham gia BHYT bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác BHYT. Tổ chức tốt việc khám chữa bệnh BHYT; khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế cả hệ điều trị và dự phòng các tuyến.

Bà Nguyễn Thị Dưỡng - Tổ đại biểu huyện Lâm Thao đóng góp ý kiến để phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lâm Thao

Để phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lâm Thao, bà Nguyễn Thị Dưỡng - Tổ đại biểu huyện Lâm Thao đề nghị: Các cơ quan chức năng cần tăng nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích; có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Có phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện trong việc tu bổ tôn tạo, sửa chữa đối với các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Quan tâm hỗ trợ huyện Lâm Thao thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch. Tỉnh sớm ban hành văn bản quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh. Xem xét nâng mức hỗ trợ cho người trông coi di tích cấp quốc gia và bổ sung hỗ trợ cho người trông coi di tích cấp tỉnh vì hiện nay mức hỗ trợ còn thấp.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ đại biểu huyện Tam Nông đề nghị nâng cao chất lượng công tác thực hiện chế độ chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh

Thảo luận về nội dung được nhiều cử tri quan tâm đó là giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hiện chế độ chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ đại biểu huyện Tam Nông chi biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 256 nghìn người có công với cách mạng. Toàn tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho gần 23 nghìn người với kinh phí trên 500 tỷ đồng. Đại biểu đề nghị, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ theo quy định của Nhà nước đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Thực hiện tốt việc chăm sóc, tu bổ và nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm, công trình ghi công liệt sĩ. Tích cực vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết, thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Tiếp tục tổng hợp các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách ưu đãi đối với người có công; trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng cho phù hợp với thực tiễn.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp để giữ vững an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Lệ Thủy - Khánh Trang - Ngọc Kiên
Dẫn nguồn: 
Kỳ họp thứ Tám - HĐND tỉnh khóa XIX: Đóng góp nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 (phutho.gov.vn)

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com