Thứ 2 | 20/01/2020
Lê Thoa - Trưởng phòng QL Di sản văn hóa
 
Ngày 15 tháng 01 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 88/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia cho 27 hiện vật, nhóm hiện vật.
          Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia là những hiện vật phải có các tiêu chí: Hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học.
          Phú Thọ đã có 02 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, đó là: Sưu tập nha chương (Niên đại: Văn hóa Phùng Nguyên, khoảng 3.500 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương); Tượng Mẫu Âu Cơ (niên đại thế kỷ XIX, hiện thờ tại Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa).
          Sưu tập Nha chương: Gồm 04 chiếc; là hiện vật gốc mang giá trị độc bản, quý hiếm bởi đó là sản phẩm của văn hóa Phùng Nguyên - giai đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước và duy nhất chỉ phát hiện được tại vùng đất Phú Thọ ngày nay - địa bàn quanh khu vực Đền Hùng - Kinh đô đầu tiên của nhà nước Văn Lang, cho đến nay chưa một địa phương nào ở Việt Nam phát hiện được. Với giá trị nguyên gốc, độc bản trên đây, năm 2017, cả 4 nha chương của Bảo tàng Hùng Vương đã được vinh dự lựa chọn đi trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức”.
       


Sự độc đáo trước hết ở sưu tập Nha chương đó là chất liệu. Đây là loại chất liệu đá ngọc (Nepherit), không có ở địa phương Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo các nhà nghiên cứu, chúng là nguyên liệu ngoại nhập từ bên ngoài, theo đó chỉ được dùng để sản xuất những vật phẩm mang ý nghĩa biểu tượng. Điểm độc đáo thứ hai, 4 nha chương hội tụ đầy đủ kỹ thuật chế tác đá  với kỹ thuật ghè, đẽo, mài, cưa, khoan nhưng đã được nâng lên ở một trình độ tinh xảo, đã tạo nên một tuyệt phẩm hoàn hảo của một loại vật phẩm mang tính biểu tượng cao nhất thời bấy giờ. Điểm độc đáo thứ 3 đó là kích cỡ và dáng hình của nha chương với một độ dài từ 20 - 64,2 cm, rộng 7,4 cm - 11cm, có thể khẳng định đây là những vật phẩm bằng đá lớn nhất trong sưu tập đá của văn hóa Phùng Nguyên. Với một dáng hình tưởng như vũ khí hay công cụ sản xuất, nhưng lại được làm bằng đá quý, nguyên liệu nhập khẩu, do đó tự thân kích thước và dáng hình của nha chương đã hàm chứa sự độc đáo.
          Giá trị lịch sử văn hóa và ý nghĩa đại diện cho một giai đoạn lịch sử: Nha chương được làm từ đá quý, sử dụng kỹ thuật chế tác tinh xảo, dáng hình khác biệt không hề trộn lẫn với bất cứ loại hình công cụ nào cùng thời đại, do đó chúng mang ý nghĩa tâm linh hoặc có giá trị biểu tượng trong xã hội của nhà nước sơ khai. Theo các nhà nghiên cứu, nha chương như một biểu tượng quyền lực của nhà vua và quyền uy tù trưởng; chỉ xuất hiện và tồn tại trong văn hóa Phùng Nguyên kéo dài khoảng 500 đến 600 năm, cách ngày nay dưới 3500 năm; là nguồn tư liệu lịch sử bằng hiện vật vô cùng giá trị, đại diện cho một thời kỳ lịch sử hết sức có ý nghĩa của dân tộc Việt nam - Thời đại các Vua Hùng dựng nước.
         Tượng Mẫu Âu Cơ: Chất liệu gỗ mít, sơn son thếp vàng; là hiện vật gốc độc bản hiện thờ tại đền Mẫu xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, là một tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất của thời đại dành cho phức hợp đình - đền - miếu ở Hiền Lương. Điểm đặc biệt, trải qua thời gian, khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, pho tượng dường như vẫn còn nguyên gốc, không hề bị tu sửa, sơn thếp lại, ngoại trừ phần mặt bị sơn thêm một lớp phấn hồng, nhưng vẫn giữ được thần thái của pho tượng cổ. Tượng Mẫu Âu Cơ ở đền Mẫu Âu Cơ so với những tượng Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, Mẫu Đông Cuông (Yên Bái), Mẫu Man Nương (Dâu Keo - Bắc Ninh), có một sự khác biệt hoàn toàn về phong cách, bố cục, trang phục, hoa văn trang trí và kỹ thuật, thể hiện vị thế và tầm vóc của vị Quốc Mẫu, được triều đình nhà Nguyễn quan tâm cho phép tạo dựng, nên chứa đựng nhiều yếu tố của nghệ thuật cung đình.
        
Sự độc đáo của Tượng Mẫu Âu Cơ trước hết là hình ảnh một người phụ nữ ngồi trên ngai vua với biểu tượng rồng, hổ phù và phượng - vốn chỉ có nhà Vua, Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu được sử dụng, như một trong những biểu hiện của quyền lực. Những thành tố ấy, đồng thời cũng là thành tố của nghệ thuật cung đình, chỉ xuất hiện ở những cung điện, đền miếu tại Hoàng cung và những nơi thờ tự được triều đình chăm lo, coi sóc với tư cách là những Quốc Từ, Quốc Tự, Quốc Miếu. Đền Mẫu Âu Cơ là Quốc Từ, mẹ Âu Cơ là Quốc Mẫu, theo đó, hình ảnh này, phượng, hổ phù trên ngai tưởng như là một sự hiển nhiên, nhưng dưới con mắt của những Nho gia thuộc chế độ phong kiến trung ương tập quyền là một biệt lệ “độc nhất vô nhị”. Chính vì thế, pho tượng mẫu Âu Cơ ở đền Mẫu Âu Cơ hoàn toàn khác biệt và mang giá trị độc đáo so với những tượng Mẫu khác được thờ trên cả nước.
        Điểm độc đáo thứ hai, đó là hình ảnh một chân dung người phụ nữ Việt phúc hậu, đoan trang và thánh thiện, dường như là một chân dung lấy từ nguyên mẫu có thật ở ngoài đời, nên không có nhiều dáng vẻ của vị thánh, vị thần hay Phật, theo đó, đã tạo nên sự gần gũi, thân thương và hòa đồng đối với mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, qua thần thái, trang phục và tư thế trên ngai vàng, lại thấy Tượng Mẫu Âu Cơ phảng phất đâu đó các yếu tố của Phật, của thánh, của thần và của vua, để có sự thiêng liêng, bí ẩn, tôn kính đối với người chiêm bái, tạo khoảng cách vừa đủ để tôn giáo, tín ngưỡng đi vào cộng đồng trong mối giao cảm, hòa đồng. Đây là một đặc điểm khác biệt của tôn giáo, tín ngưỡng Việt mà pho tượng Mẫu Âu Cơ có thể được xem là ví dụ điển hình.
        Điểm độc đáo thứ ba, đó là tài năng điêu khắc và sơn thếp với những mảng hoa văn được bố cục khá dầy đặc, nhưng lại rất hài hòa bằng những mảng khối, trải theo băng dọc, băng ngang, hoặc khuôn trong những vòng tròn hoặc bán nguyệt, lúc thì lại nổi lên cuồn cuộn qua những nét chạm khắc khỏe khoắn, nhưng cũng có lúc tỉa tót với những nét chạm tinh xảo. Lớp sơn thếp tuy đã trải qua hơn trăm năm nhưng màu vàng quỳ vẫn còn rực rỡ, màu đỏ sơn ta vẫn trầm ấm, tạo nên sắc độ lung linh, huyền diệu của đồ thờ tự. Những yếu tố của Đạo, Phật, Nho được thể hiện trên pho tượng Mẫu cũng là một đặc điểm của tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam, với sự song hành của ba tôn giáo chính nêu trên, kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa, hình thành nên một trong những hằng số văn hóa Việt Nam trong suốt dặm dài của lịch sử dân tộc.
        Tượng Mẫu Âu Cơ là hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa: Mẫu Âu Cơ là bà mẹ của muôn dân đất Việt, là Mẫu của cả nước - Quốc Mẫu Âu Cơ - Mẹ của giống nòi. Sau khi Thánh Mẫu Âu Cơ hóa, nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ Mẫu ngay dưới gốc đa cổ thụ, nơi dải lụa của Mẫu còn vương lại, làm nơi thờ cúng, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân thánh Mẫu. Đã tồn tại hàng ngàn năm nay, như một ý niệm đã trường tồn bất diệt: Mẹ Âu Cơ là mẹ của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ có lẽ đã bắt nguồn từ thời nguyên thủy ấy để đi cùng tâm hồn người Việt trong dòng chảy của lịch sử đến tận ngày nay. 
        Chính vì vậy, pho tượng Mẫu Âu Cơ có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, mang tính biểu trưng liên quan đến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam gắn với hình tượng Cha Rồng - Mẹ Tiên vĩ đại của con dân đất Việt; là đặc trưng văn hóa thể hiện bản sắc văn hóa Việt. Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân trở thành thủy tổ của nòi giống Bách Việt. Mẹ Âu Cơ được thờ cúng theo nếp cúng tổ tiên và được đặt ở đền Mẫu Âu Cơ trên vùng đất Tổ Phú Thọ. Cũng từ vùng đất cổ Phong Châu này (Phú Thọ ngày nay) đã hình thành truyền thuyết về nguồn gốc của người Việt cổ “cha Rồng, mẹ Tiên”, mà Lạc Long Quân được coi là Quốc Tổ và Âu Cơ là Quốc Mẫu, sinh ra “một bọc trăm trứng” ở lại Phong Châu thu phục lòng người, xưng vương, xây dựng kinh đô và dạy “dân Lạc Việt” khai khẩn đất hoang, cấy trồng lúa nước. Thờ Mẫu Âu Cơ là nghi lễ dân gian mang tính dân tộc ở Việt Nam và được thực hành chủ yếu tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa. Theo một số nhà nghiên cứu, niên đại của các đền đài thờ Mẫu rất xa nhau và ngôi đền thờ mẫu vào loại sớm nhất nước ta có lẽ là đền Quốc Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.
          Sưu tập Nha chương và Tượng Mẫu Âu Cơ trở thành bảo vật quốc gia là tài sản vô giá không những có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học, các bảo vật quốc gia còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế,…; là tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ thành kính dâng lên Mẹ Âu Cơ - Người mẹ của dân tộc Việt Nam, dâng lên các vua Hùng với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
          Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 quy định: “Bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”, bởi vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật Nha chương và Tượng Mẫu Âu Cơ cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phối hợp đồng bộ, hiệu quả. Cần chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu, xuất bản các ấn phẩm chuyển tải thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật, là các tài liệu hữu ích và cần thiết trong tôn vinh, quảng bá văn hóa, lịch sử cũng như các giá trị tốt đẹp của dân tộc với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời là một yếu tố quan trọng góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong hành trình trở về với nguồn cội./.
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com