Thứ 4 | 18/03/2020
Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc để các chiến sĩ hải quân vững tin làm nhiệm vụ ngoài đảo xa
(gia đình chiến sĩ Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Thế Sơn).

PTĐT - Sóng biển Đông vẫn ngày đêm dào dạt xô bờ đá trên đảo xa hay dưới chân cột nhà giàn, gió vẫn miên man, thôi thúc như nỗi nhớ thương người xa đong đầy theo năm tháng. Khi các anh chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc nơi hải đảo xa xôi thì ở hậu phương, luôn có những người vợ tảo tần sớm hôm, người cha mẹ già sẵn sàng thay chồng, thay con gánh vác việc nhà. Thời gian cứ trôi và từng thế hệ gia đình lính đảo vẫn tiếp nối, truyền cho nhau ngọn lửa rực cháy trong tâm hồn, xua tan ngàn trùng xa cách, neo giữ niềm tự hào, làm bờ vai, điểm tựa vững chắc cho những người lính đảo yên lòng công tác.
 
Từ UBND xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, chỉ mất chưa đầy 10 phút chạy xe máy, chúng tôi tìm đến ngôi nhà mới xây kiên cố, khang trang của vợ chồng chị Nguyễn Thị Bảo Ninh và anh Nguyễn Đình Long. Ngắm nhìn gian phòng khách gọn gàng, ngăn nắp được chị Ninh trang trí bởi những chậu cây hoa làm bằng vỏ ốc cầu kỳ, tỉ mỉ bày trên bàn và tủ kính, không khó để chúng tôi nhận ra đó là những món quà chứa đựng tình yêu thương của người lính đảo. Chồng chị, Trung úy Nguyễn Đình Long hiện đang làm nhiệm vụ tại Tiểu đoàn ĐK1 đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Anh chị quen nhau từ những ngày đầu anh công tác ngoài biển xa, vì khoảng cách địa lý, sợi dây duy nhất để anh chị trò chuyện, tâm tình với nhau chỉ là những mẩu tin nhắn ngắn ngủi, những cuộc gọi nhanh pha lẫn tiếng sóng dập dìu. Vậy mà thấm thoát đã 11 năm chung mái ấm, số lần anh về thăm nhà chỉ vẻn vẹn đếm trên đầu ngón tay, lần nghỉ phép dài nhất cũng chỉ 1 tháng hoặc 20 ngày, đôi khi là 1 tuần nếu đơn vị có lệnh gọi đột xuất.
 
Dù vắng bóng chồng, nhưng chị Nguyễn Thị Bảo Ninh vẫn luôn chu toàn, vun vén cho gia đình nhỏ, chăm sóc mẹ già
và nuôi dạy hai con ăn học để chồng yên tâm công tác.

 
Thiếu vắng hình bóng người chồng, bấy lâu nay chị Ninh vẫn luôn chu toàn vun vén cho gia đình nhỏ, chăm sóc mẹ già và nuôi dạy hai con ăn học. Với các con chị vừa mang sự dịu dàng, bao dung vốn có của mẹ, vừa nghiêm khắc, ân cần như tình thương của người cha. Vốn dĩ “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thế nhưng anh bận công tác xa nên với những công việc tưởng chừng như dành riêng cho người đàn ông như mua đất, xây nhà… nay cũng do một tay chị lo toan, gánh vác. Luôn thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của chồng nơi đảo xa, chị biết rằng anh cũng rất lo lắng, nhớ thương gia đình nên chị luôn tự nhủ phải mạnh mẽ, kiên cường để anh vững lòng, an tâm công tác. Chị Ninh bộc bạch: “Nguồn động lực giúp tôi xua tan những khó khăn, nhọc nhằn thường nhật đôi khi chỉ đơn giản là được nghe thấy tiếng cười hạnh phúc của anh qua điện thoại, câu nói anh vẫn khỏe mạnh, công tác tốt, vậy là tự hào lắm rồi”.

 Cùng đi với đồng chí cán bộ Hội Phụ nữ xã Điêu Lương, chúng tôi dừng chân trước hiên nhà ông Nguyễn Văn Cương và bà Hà Thị Ninh, mái ấm gia đình của hai chiến sĩ hải quân Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Thế Sơn. Hơn 10 năm nay, gia đình ông Cương chưa thể thu xếp được một bữa cơm sum họp đầy đủ thành viên, bởi những lần nghỉ phép hiếm hoi của các anh không trùng nhau. Như một thói quen, suốt những năm tháng con xa nhà, ông Cương thường xuyên dành thời gian trò chuyện, động viên các anh mỗi lần gọi về, lắng nghe nỗi lòng, sự khó khăn, vất vả, chia sẻ những câu chuyện dung dị xung quanh cuộc sống hằng ngày của gia đình để các anh nguôi ngoai nỗi lo mà yên tâm công tác. Mỗi chiều, quây quần bên đàn cháu thơ, ông Cương vẫn thường kể lại những kỷ niệm tuổi thơ về hai người con trai của mình, cha của các cháu về nhiệm vụ cao cả mà các anh đang thực hiện. Ông dạy cho chúng cách làm những món quà giản dị dành tặng cha khi có dịp về thăm nhà, ông dùng tình yêu của mình lấp đầy khoảng trống thiếu vắng tình cha trong tâm hồn trẻ thơ. Và hơn ai hết, những hình ảnh người cha, người chú, người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hiện ra trong trí tưởng tượng của những đứa trẻ ấy rõ ràng như đang ngay trước mắt. Rồi biển rộng, trời cao, những quần đảo thiêng thiêng của Tổ quốc giữa biển Đông mênh mông và con tàu lớn cùng cha vượt sóng trùng dương, vượt bão tố, phong ba là niềm tự hào vô bờ bến của những đứa trẻ ấy khi có ai hỏi về… Trò chuyện cùng ông bà Cương Ninh, ngắm nhìn khuôn mặt rạng rỡ mỗi khi nhắc đến hai người con lính hải quân, dẫu chẳng nói ra nhưng chúng tôi hiểu nỗi thương nhớ con, lòng tin yêu, tự hào về các con của ông bà bao la đến nhường nào.

Các chiến sĩ hải quân kiên cường bám trụ nơi biển lớn.
 
Thầm lặng với những hy sinh, giữ trọn lòng tin yêu rộng lớn, mỗi câu chuyện đều chất chứa một tình yêu thiêng liêng, cao cả của từng lớp thế hệ gia đình người lính đảo, sự thủy chung, son sắc của người vợ hậu phương. Bà Đặng Thị Tuyến, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Điêu Lương cho biết: “Hiện toàn xã có 5 gia đình chiến sĩ biển đảo. Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các chương trình thăm hỏi, động viên, trao quà các gia đình chiến sĩ biển đảo; tích cực tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, lòng yêu nước, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho các hội viên phụ nữ, tổ chức cuộc vận động “Rèn luyện, phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”; thăm nắm tình hình, chia sẻ, giúp đỡ các gia đình chiến sĩ biển đảo có hoàn cảnh khó khăn. Các thành viên trong chi hội luôn nhiệt tình, góp công, góp sức giúp đỡ gia đình chiến sĩ hải quân mỗi khi có công việc...”    

“Trên chiến tuyến xa vời có bàn tay anh chắc, nơi hậu phương xa lắc vững vàng bàn tay em…”, đâu đó trong không gian yên bình trên quê hương những người lính vẫn âm vang những giai điệu đằm thắm như chứa đựng cả nỗi nhớ, niềm thương sâu thẳm. Để thấy rằng, nhiệm vụ gìn giữ và bảo vệ tổ quốc không chỉ của những người lính mà là của tất cả những con người Việt Nam, ngay trên những làng quê của những người lính đảo.
Mai Bích
dẫn nguồn: baophutho.vn

 
 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com