Thứ 2 | 15/04/2024

PhuthoPortal - Tháng 2/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật Chèo ở Phú Thọ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đệ trình hồ sơ để UNESCO xem xét, đưa di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Chèo” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó đã khẳng định những giá trị độc đáo, đặc sắc của loại hình nghệ thuật này; đồng thời là sự ghi nhận cho những cố gắng, nỗ lực của người dân Phú Thọ trong việc bảo tồn, phát huy Nghệ thuật Chèo.

Trình diễn Nghệ thuật Chèo tại chương trình Đêm di sản (tháng 12/2023)

Chèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp của dân ca, dân vũ, dân nhạc được người Việt ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay, được biểu hiện qua hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng. Nghệ thuật hát Chèo được biểu diễn ngẫu hứng, các nghệ nhân thường trải chiếu hát ở sân đình, sân chùa, nơi diễn ra những sinh hoạt tín ngưỡng chung của cộng đồng, nên dân gian thường gọi là chiếu Chèo.
Xưa kia, mỗi xã thường có 1 đội văn nghệ được thành lập biểu diễn nhiều thể loại khác nhau như: Chèo, hát, múa, nhạc, kịch… để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cổ vũ, động viên tinh thần cho bà con hăng say lao động sản xuất, tiếp sức cho tiền tuyến. Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), làn điệu Chèo ở Phú Thọ thường xuyên được cất lên trong các đêm hội làng, các kỳ tiệc lệ tại đình làng. Người dân tổ chức hát Chèo, diễn Chèo theo lối “tự biên, tự diễn”. Sau khi đất nước được giải phóng, di sản Nghệ thuật Chèo vẫn được duy trì tại một số địa phương trong tỉnh.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 11 người đang thường xuyên truyền dạy nghệ thuật Chèo trong cộng đồng; 65 người thực hành Nghệ thuật Chèo, trong đó người cao tuổi nhất là hơn 80 tuổi, trẻ nhất là 41 tuổi, 1 nghệ nhân được phong “Nghệ sĩ ưu tú”.

Đoàn Nghệ thuật tỉnh tập luyện vở Chèo “Chọn người kế vị”

Tại các địa phương đang thực hành di sản Nghệ thuật Chèo còn duy trì được khoảng gần 20 làn điệu như: Đào liễu, Lới lơ, Luyện năm cung, Đường trường thu không, Đường trường bắn thước, Đường trường trong rừng, Quân tử vu dịch, Sa lệch chênh, Tứ quý, Sắp qua cầu, Tình thư hạ vị, Du xuân, Hát cách…
Bên cạnh hoạt động chuyên nghiệp của Đoàn nghệ thuật tỉnh trong việc gìn giữ và phát huy Nghệ thuật Chèo thì các câu lạc bộ Chèo tại các xã, phường, thị trấn đều có hoạt động thiết thực, sôi nổi. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân có chung niềm đam mê với Nghệ thuật Chèo vừa là nơi đưa Nghệ thuật Chèo trở nên gần gũi, gắn bó như hơi thở trong cuộc sống thường ngày, là nơi lan tỏa tình yêu với Chèo trong thế hệ trẻ. Hiện nay, Nghệ thuật Chèo được thực hành, lan tỏa trên địa bàn của các địa phương: Xã Minh Côi (huyện Hạ Hòa); xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông); xã Cao Xá (huyện Lâm Thao); các xã: Bảo Yên, Đoan Hạ, Đào Xá, Đồng Trung, thị trấn Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy) và phường Dữu Lâu, phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì). Những người thực hành hát Chèo là những người lao động tự do, nông dân, công nhân, công chức, cán bộ hưu trí… Họ tập hợp nhau lại để duy trì, gìn giữ và truyền dạy, biểu diễn hát chèo.

Một buổi tập luyện của các thành viên Câu lạc bộ Chèo xã Minh Côi

Câu lạc bộ Chèo xã Minh Côi (huyện Hạ Hòa) hiện có 35 thành viên. Đều đặn mỗi tháng 1 lần các thành viên lại hào hứng hòa mình vào những làn điệu Chèo, nhịp nhàng tay đàn, tay trống. Cứ thế, chiếu Chèo ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống làng quê Minh Côi, góp phần lan tỏa Nghệ thuật Chèo truyền thống của quê hương.
Ông Phùng Quang Sinh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Tiền thân của Câu lạc bộ Chèo xã chúng tôi là Đội văn nghệ của xã được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ (1964), Đội văn nghệ xã được đổi tên là Đội Chèo xã Minh Côi và đến năm 1980 Đội Chèo giải tán vì lý do thiếu nhạc công. Mãi đến năm 2014, Câu lạc bộ Chèo xã Minh Côi mới chính thức được thành lập và hoạt động. Hiện nay, Câu lạc bộ hoạt động theo hình thức xã hội hóa (tự trang trải kinh phí, tự mua sắm nhạc cụ, đạo cụ và trang phục biểu diễn) nhằm biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của xã đồng thời tham gia các hội thi, hội diễn của huyện, của tỉnh, nhất là hội diễn văn nghệ trong dịp lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ hằng năm.
Mặc dù ở cấp xã, nhưng Câu lạc bộ Chèo Minh Côi được tổ chức rất bài bản với đầy đủ đội trưởng, đạo diễn, nhạc công, diễn viên với các nhạc cụ như: sáo, đàn bầu, nhị, trống, mõ, đàn nguyệt… Hiện Câu lạc bộ có chị Phạm Thị Tuyết Chinh là 1 trong 3 người được công nhận là nghệ nhân truyền dạy hát Chèo của tỉnh. Chị Tuyết là người có chuyên môn cao để truyền dạy cho lớp trẻ kế tiếp, đặc biệt là những làn điệu Chèo cổ.
Ông Phùng Văn Sinh cho biết: Chúng tôi mong muốn được các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để mua sắm thêm đạo cụ và trang thiết bị; hằng năm được cử các diễn viên trẻ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn về bộ môn nghệ thuật truyền thống Chèo.
Đây cũng là mong muốn chung của các câu lạc bộ Chèo trên địa bàn tỉnh hiện nay, và là một trong những đề xuất của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Chèo trong thời gian tới.

Trình diễn Nghệ thuật Chèo tại chương trình Đêm di sản (tháng 12/2023)

Để Nghệ thuật Chèo được bảo tồn và phát huy, thời gian tới tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá di sản Nghệ thuật Chèo trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn để tạo điều kiện cho di sản được thực hành thường xuyên. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị về loại hình nghệ thuật truyền thống. Sưu tầm các tư liệu, sách, bản chép tay về các làn điệu Chèo làm cơ sở để đề ra các giải pháp bảo tồn di sản. Vinh danh danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Chèo. Nghiên cứu, sản xuất các chương trình nghe, nhìn, phát hành các DVD, video về nghệ thuật Chèo nhằm khơi dậy tình yêu đối với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Cùng với đó, đề nghị chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho người thực hành di sản để mua sắm trang phục, nhạc cụ, đạo cụ, âm thanh; huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh.
Thu Hương
Dẫn nguồn: 
Phú Thọ bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Chèo (phutho.gov.vn)

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com