baophutho.vnCuối năm, là thời điểm nhu cầu mua sắm hàng hóa có xu hướng tăng cao, song đây cũng là “cơ hội” để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Để kiểm soát tốt thị trường, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng các loại hàng hóa thiết yếu tại cửa hàng tạp hóa GoodMart, khu 10A, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn.
Bám sát địa bàn, ngăn ngừa vi phạm
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chuyên đề và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban chỉ đạo 389 của tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhờ đó đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bình ổn thị trường.
Nếu như trước đây, hoạt động mua bán hàng hóa chỉ diễn ra thông qua hình thức trao đổi trực tiếp thì hiện nay hoạt động mua bán hàng hóa đã phát triển đa dạng hình thức, tiện lợi thông qua sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Do đó, đòi hỏi các lực lượng chức năng cần chủ động bám nắm địa bàn và theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường nhằm hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm.
Yên Lập là địa phương có diện tích rộng, có nhiều xã nằm xa nhau và xa trung tâm huyện. Các cơ sở buôn bán, kinh doanh phân tán, nhỏ lẻ và nhận thức của người dân không đồng đều cũng là những yếu tố khiến cho việc kiểm soát chất lượng hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Hiểu rõ địa bàn và tình hình thực tế, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 đã triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra định kỳ đã phê duyệt; thường xuyên thực hiện việc kiểm tra đột xuất và chuyên đề; song song với đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, nhất là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng và thực hiện ký cam kết, vận động các tổ chức, cá nhân không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ông Nguyễn Vĩnh Thọ - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 6 cho biết: “Hiện nay, các cơ sở, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện hầu hết đã có ý thức chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh và các quy định trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng gian lận thương mại vi phạm về hành vi ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán giá chưa đúng giá niêm yết; vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay Đội QLTT số 6 đã xử lý 18 vụ vi phạm với số tiền nộp phạt là 75 triệu đồng; giá trị hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy trên 19 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, Đội QLTT số 6 tiếp tục phân công nhiệm vụ cụ thể, giao từng cán bộ phụ trách địa bàn các xã thường xuyên thống kê tình hình tăng giảm số lượng các thương nhân góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân”.
Xác định chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ lâu dài và bền vững, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã chủ động quản lý, bám nắm địa bàn; liên tục nhằm theo dõi diễn biến thị trường, dấu hiệu, phương thức, thủ đoạn vi phạm và thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn được phân công.
Ông Lê Hùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: “Mặc dù Phú Thọ không phải là địa bàn “nóng” về tập kết hàng lậu hay sản xuất hàng giả, song với địa bàn rộng, phức tạp và có nhiều hình thức trung chuyển hàng hóa, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số ít hàng hóa vi phạm nguồn gốc xuất xứ, còn có các mặt hàng làm giả nhãn nhiệu hàng hóa lớn như: Casio, Adidas... Chỉ tính riêng tháng 10/2023, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra 142 vụ trong đó phát hiện và xử phạt hành chính 98 vụ về các hành vi vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; giá, đầu cơ găm hàng; vệ sinh an toàn thực phẩm... với tổng tiền phạt vi phạm hành chính gần 230 triệu đồng”.
Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra và phát hiện 110kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao.
Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin
Thời gian gần đây, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, song trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới; nguồn nhân lực phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn mỏng trong khi đó địa bàn quản lý rộng, nhất là ở các khu vực miền núi; các đối tượng hoạt động phức tạp, thủ đoạn tinh vi nên khó phát hiện nhất là đối với các hành vi vi phạm thương mại điện tử.
Chín tháng năm 2023, các lực lượng chức năng trên toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý gần 1.400 vụ vi phạm, trong đó buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu 35 vụ; gian lận thương mại, gian lận thuế là 1.306 vụ; khởi tố 20 vụ với 129 bị can... Tổng số tiền nộp thu ngân sách nhà nước là trên 42 tỉ đồng.
Theo dự báo, từ nay tới cuối năm tình hình phát triển kinh tế, thị trường tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn đan xen, đặc biệt là xu hướng kinh doanh trực tuyến lên ngôi sẽ kéo theo tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng gia tăng với các phương thức, thủ đoạn tinh vi. Theo đó, các lực lượng chức năng tiếp tục căn cứ vào nhiệm vụ, địa bàn quản lý, phụ trách làm tốt công tác nghiệp vụ đảm bảo phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhất là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin phối hợp giữa các đơn vị thành viên, tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp xử lý vi phạm đặc biệt trong lĩnh vực: Thuế, thương mại điện tử và các ngành hàng, mặt hàng thiết yếu có tác động đến đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công khai số điện thoại, đường dây nóng của Ban chỉ đạo 389 các cấp, đảm bảo tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin từ quần chúng.
Đối với lực lượng Công an và QLTT tiếp tục chủ động công tác dự báo, nắm tình hình thực tế để thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả nhằm răn đe và phòng ngừa chung, không để phát sinh các nhóm, tụ điểm phức tạp về vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Hàng điện tử, điện lạnh; quần áo, giày dép; lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm đã chế biến; các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại...
Đối với hoạt động thương mại điện tử, các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khi kinh doanh; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.