Thứ 4 | 10/07/2024

baophutho.vnNgày 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số Quốc gia, Đề án 06 của Chính phủ “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị (Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)

Về kết quả chuyển đổi số Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ dịch vụ công toàn trình cả nước đạt 42%, tăng 25% so với cuối năm 2023. Kinh tế số tăng trưởng ước đạt 22,4%, chiếm 18,3% tỷ trọng GDP. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin tăng trưởng 26%. Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia tăng 67%. Giao dịch bán lẻ trực tuyến đạt tốc độ tăng trưởng doanh số 80%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8%.

Về quản trị số, lần đầu tiên sau 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến và hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng trực tuyến. Lần đầu tiên, Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Về kết quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, biện pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã giúp đơn giản hóa 793/1.084 TTHC được giao tại 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 73,15%).

Cổng dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.500 dịch vụ công trực tuyến với 16,39 triệu tài khoản, 328 triệu hồ sơ đồng bộ, 28,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền trên 14,5 nghìn tỷ đồng. Công tác truy thu thuế nổi bật với 65,7 nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tăng cường quản lý thuế của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với số tiền thuế đã nộp trong 6 tháng đầu năm là 50 nghìn tỷ đồng.

63/63 địa phương thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho trên 1,9 triệu người với số tiền 8,2 nghìn tỷ đồng. Lực lượng công an đã xác thực, làm sạch 43,9 triệu hồ sơ, thu phí 67 tỷ đồng, cung cấp giải pháp ứng dụng thẻ CCCD vào lĩnh vực y tế, bảo hiểm, giao thông vận tải, quản lý nhà nước...

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu và theo dõi hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế, điểm nghẽn như: Tỷ lệ TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình thấp, mới chỉ đạt 48%; thiếu nhân lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước; công tác an toàn, an ninh thông tin còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, lừa đảo trực tuyến, giả danh vẫn diễn ra, phức tạp...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, truyền cảm hứng, tạo động lực cho sự phát triển mới. Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi... đều có quan hệ mật thiết với chuyển đổi số.
Thủ tướng nêu ra một số bài học, kinh nghiệm, trong đó đặc biệt đánh giá cao vai trò người đứng đầu, sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở. Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm chuyển đổi số, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số Quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là kinh tế số, xã hội số. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn nhân lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết phòng, chống tiêu cực, đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân.
Thùy Trang
Dẫn nguồn: 
Chuyển đổi số tạo động lực cho sự phát triển (baophutho.vn)

 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com