baophutho.vnThời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn không phát sinh điểm nóng nhưng thủ đoạn có phần tinh vi, phức tạp hơn. Do vậy, lực lượng chức năng đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại trong những tháng cuối năm 2023.
Tiêu hủy 150kg nội tạng động vật trâu, bò, lợn bốc mùi hôi thối.
Nổi cộm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay là vụ “mua bán trái phép hóa đơn” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.
Theo cơ quan điều tra, lợi dụng quy định của Nhà nước cho phép các doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh qua trang web “dangkydoanhnghiep.gov.vn” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trang thông tin điện tử của ngành Thuế để thành lập doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế và phát hành hóa đơn... thông qua hình thức điện tử, đối tượng Nguyễn Minh Tú (sinh năm 1992, trú tại phường Tam Phú thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) đã thông qua Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1988, trú tại Nhân Chính, phường Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) để mua 646 doanh nghiệp. Sau đó, thông qua mạng xã hội và các hội nhóm trên mạng internet, Tú đã thiết lập đường dây, mạng lưới đối tượng trung gian cấp 1, cấp 2 để bán hóa đơn GTGT cho các đơn vị có nhu cầu trên cả nước.
Nhóm Tú đã bán ra trên một triệu tờ hóa đơn cho 88.053 đơn vị, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp với tổng doanh số gần 64 nghìn tỉ đồng. Theo thỏa thuận, đối tượng đã hưởng lợi bất chính hơn 400 tỉ đồng. Toàn bộ số hóa đơn với tổng doanh số gần 64 nghìn tỉ đồng đã được các đơn vị mua sử dụng, kê khai báo cáo với cơ quan quản lý thuế. Nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khoảng trên 5.700 tỉ đồng. Qua quá trình điều tra vụ án, số lượng đơn vị liên quan rất lớn, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang tiến hành phân loại các nhóm đối tượng sử dụng hóa đơn vào các mục đích khác nhau để xử lý theo quy định của pháp luật...
Trong chín tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 1.382 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, giảm 82 vụ so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có 35 vụ buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, giảm 56 vụ so với cùng kỳ; 41 vụ hàng giả, hàng nhái, vi phạm Sở hữu trí tuệ, tăng 18 vụ so cùng kỳ; 1.306 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế, giảm 44 vụ so với cùng kỳ.
Tiêu hủy 132kg móng giờ lợn động lạnh bốc mùi hôi thối
Các cơ quan chức năng đã thu trên 47 tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước, bằng 95% so với cùng kỳ. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính 17 tỉ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 2, 9 tỷ đồng; phạt bổ sung, truy thu thuế 27 tỷ đồng bằng 88,3% so với cùng kỳ. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 20 vụ/129 bị can, giảm 6 vụ so với cùng kỳ; số bị can bị khởi tố tăng 97 đối tượng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, do các đối tượng vi phạm có nhận thức, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện. Hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi quy luật, địa bàn.
Bên cạnh đó, do đặc điểm của hàng giả, hàng lậu thường được tiêu thụ nhỏ lẻ, phân tán ở nhiều nơi khác nhau nên khi bị phát hiện thì lượng hàng hóa thu giữ được có số lượng nhỏ, đối tượng dễ che giấu hàng hóa và đồng bọn cũng như cơ sở sản xuất. Việc mở rộng truy xuất nguồn gốc chưa hiệu quả vì các đối tượng mua bán đều che giấu thân phận, ngụy trang, che giấu hành vi rất khó chứng minh.
Cùng với đó, hoạt động giao dịch, mua bán hàng trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội, giao nhận hàng qua các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn kênh tiêu thụ nhiều loại mặt hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng lậu và hàng giả, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, thất thu ngân sách Nhà nước. Khó khăn nhất là chứng minh hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong khi đó Phú Thọ không phải là tỉnh có địa giới hành chính có biên giới nên gặp rất nhiều khó khăn.
Đội QLTT số 5 tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, gian lận thương mại tại Siêu thị Aloha huyện Thanh Sơn
Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, gian lận thương mại, hàng giả lợi dụng tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai để vận chuyển hàng hóa từ biên giới về Hà Nội và các tỉnh lân cận, tuy nhiên theo phân cấp do Cục C08 quản lý nên việc liên hệ phối hợp nhiều khi gặp khó khăn và không kịp thời, dẫn đến để lọt nhiều đối tượng và hàng hóa vi phạm. Trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới. Lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu, chưa chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác phối hợp thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát liên ngành còn hạn chế, triển khai thực hiện chưa hiệu quả. Quy định liên quan công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Đồng chí Lê Hùng- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: “Để xiết chặt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 đang tập trung triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Ban chỉ đạo sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo có hiệu quả. Chỉ đạo thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành phù hợp với tình hình thực tế khi cần thiết. UBND các huyện, thành, thị sẽ kiện toàn Ban chỉ đạo 389 cấp huyện, thành, thị và có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; đồng thời rà soát quy chế phối hợp với các ngành, đơn vị để làm tốt hơn nữa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay tại địa phương; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp và người dân trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các cơ quan truyền thông cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tuyên truyền, phản ánh kịp thời tình hình, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập của các cơ quan chức năng; giúp người dân nhận biết, phân biệt hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn tin gốc; không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý...