baophutho.vn Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, Thanh Thuỷ có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, đặc sắc , có sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên phong phú và di sản lịch sử văn hóa lâu đời . Để khai thác tối đa tiềm năng, đưa những cơ hội thành vận hội mới, ngành Du lịch Thanh Thuỷ đã thực hiện nhiều giải pháp, tranh thủ nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện , góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của ngành du lịch tỉnh nhà trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy tại xã Bảo Yên là điểm du lịch thu hút đông du khách.
Đổi thay nhờ du lịch
Về xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy những ngày này, chúng tôi cảm nhận được bộ mặt nông thôn nơi đây đã thật sự thay đổi, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đó là thành quả của việc chú trọng phát triển du lịch tại địa phương.
Khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Bảo Yên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, số lao động chưa có việc làm và chưa được đào tạo còn nhiều; tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa và bê tông hóa còn ít..., song bằng nhiều nỗ lực, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 2/2018. Trong đó, du dịch là một trong những trọng tâm mà địa phương đặc biệt chú trọng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ để đưa xã phát triển.
Mỏ nước khoáng nóng tại Bảo Yên là một trong những nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tạo điều kiện để huyện Thanh Thuỷ thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực vào xây dựng các điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái như: Tre nguồn Resort, Wyndham Lynn Time Thanh Thuỷ, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hồng Hương - Chủ tịch UBND xã Bảo Yên, huyện Thanh Thuỷ cho biết: “Từ khi các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đi vào hoạt động đã làm thay đổi bộ mặt xã. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 con em địa phương, nông sản, hàng hóa của bà con được tiêu thụ. Thu nhập bình quân đầu người của xã là 57 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều đơn vị khai thác dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái hoạt động hiệu quả như: Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh, Bamboo Resort, Tre nguồn Resort, Thanh Lâm Resort, Thanh Thủy Resort, Nhà vườn sinh thái Sông Đà,... Ngoài đóng góp cho ngân sách địa phương, các đơn vị còn tích cực tham gia hoạt động các hoạt động thiện nguyện, tạo việc làm cho người dân địa phương, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Không chỉ có nguồn nước khoáng nóng quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng, huyện Thanh Thủy còn chứa đựng nhiều di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống đặc sắc thu hút khách du lịch như: Lễ hội truyền thống đền Lăng Sương, rước voi đình Đào Xá, hội bơi chải đền Tam Công, lễ hội cướp “Cây Bông” đình La Phù, di tích lịch sử - Tượng đài chiến thắng Tu Vũ...
Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Thanh Thuỷ ước đạt 795 nghìn lượt khách, trong đó khách lưu trú ước đạt 172 nghìn lượt (tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái); doanh thu ước đạt 560 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái) cho thấy sự tăng tốc của ngành du lịch huyện.
Chương trình “Đêm nhạc đường phố” được tổ chức vào cuối tuần tạo nên không gian giao lưu văn hóa tại huyện Thanh Thủy.
Cơ hội để bứt phá
Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Thanh Thủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 16/4/2021 về phát triển du lịch huyện Thanh Thủy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định du lịch là khâu đột phá, xây dựng huyện thành vùng trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của tỉnh. Đồng thời, gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới, chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên phục vụ du lịch.
Thanh Thủy phấn đấu đến năm 2025, thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách/năm; doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động. Mục tiêu đến năm 2030, Thanh Thủy trở thành huyện du lịch, trung tâm du lịch của tỉnh Phú Thọ với 2,5 triệu lượt khách/năm, doanh thu đạt gần 1.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 30 nghìn lao động.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, trong đó chú trọng đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thương mại điện tử; tập trung nguồn lực, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm về du lịch và một số dự án khu đô thị kiểu mẫu, khu dân cư vùng du lịch nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao với số vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung nguồn vốn xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối giữa các khu, điểm du lịch trọng điểm với các huyện, tỉnh lân cận và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá thể xây dựng các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP phục vụ du khách.
Huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hợp tác xúc tiến liên kết phát triển thị trường du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Thủy trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội như Zalo, Facebook,... nhằm đưa du lịch Thanh Thủy từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vùng trọng điểm du lịch của tỉnh Phú Thọ.
Đồng chí Dương Quốc Lâm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết: Trong những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá về phát triển du lịch dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Thủy. Huyện Thanh Thủy đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực vào xây dựng các điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch tâm linh, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Thủy.
Đặc biệt, sự kiện Tuần Du lịch Thanh Thuỷ - Mùa Thu năm 2024, gắn với kỷ niệm 25 năm tái lập huyện diễn ra từ ngày 31/8 đến 4/9, với chủ đề “Về miền nước xanh” khởi động mùa du lịch Thanh Thuỷ năm 2024. Sự kiện nhằm giới thiệu nét văn hoá đặc sắc, quảng bá tiềm năng, góp phần kích cầu du lịch Thanh Thuỷ, với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, tin tưởng rằng huyện Thanh Thủy sẽ đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra, tạo bước đột phá về phát triển du lịch, góp phần tích cực vào tiến trình chung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Như Quỳnh
Dẫn nguồn: Để du lịch Thanh Thuỷ phát triển tương xứng với tiềm năng (baophutho.vn)