Thứ 3 | 19/05/2020

Chi hội phụ nữ khu Hương Trầm, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì tặng chai đựng nước bằng thủy tinh cho hội viên, hưởng ứng phong trào “Phụ nữ nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần”.
PTĐT - Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã phát huy vai trò, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới trong công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường. Từ đường làng, ngõ xóm đến mỗi gian bếp, nếp nhà được chăm sóc sạch đẹp đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi gia đình. Và quan trọng hơn, hành động của chị em phụ nữ đã tác động tích cực giúp chuyển biến, thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.
 
Nhận thức thay đổi hành vi

Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt, Hội LHPN tỉnh đã chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung bảo vệ môi trường tới hội viên thông qua các buổi sinh hoạt Hội tại địa phương, phát thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng… Năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 130 buổi truyền thông cho hơn 106.000 lượt hội viên, phụ nữ; phát động chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường, Ngày môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”… tới mọi tầng lớp nhân dân.

Nhiều năm nay, vào sáng sớm chủ nhật hàng tuần, trên khắp các tuyến đường từ thành thị đến các vùng nông thôn, rất đông người dân tham gia vệ sinh môi trường, trong đó phần lớn là phụ nữ. Để công tác bảo vệ môi trường trở thành thói quen hàng ngày của mỗi người dân, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở phối hợp phát động sâu rộng phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Qua đó, từng bước nâng cao tinh thần tự giác của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không vứt rác bừa bãi, thường xuyên vệ sinh nhà ở và nơi làm việc, các khu vực sản xuất, kinh doanh, đường phố sạch sẽ…


 
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động “Ngày chủ nhật xanh” đã được các cơ sở Hội phối hợp với chính quyền, khu dân cư triển khai linh hoạt, phù hợp với yêu cầu từng địa bàn, huy động người dân tích cực tham gia. Một số địa điểm ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho người dân trước đây, nay đã được khắc phục; cảnh quan môi trường thoáng đãng, tạo diện mạo mới cho đô thị, nông thôn... Đặc biệt ở các huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn giữ nếp sinh hoạt lạc hậu như: Tân Sơn, Yên Lập…, cán bộ hội phụ nữ, tuyên truyền viên đến trực tiếp hướng dẫn gia đình cách sắp xếp đồ đạc trong nhà sao cho khoa học, xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh… đã giúp chị em chủ động hơn trong thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, tuyên truyền viên cũng được quan tâm. Trong năm vừa qua, các cấp Hội phối hợp tổ chức gần 20 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội cho 100% cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, huyện và cơ sở; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, phương pháp và kỹ năng để tuyên truyền đến hội viên và người dân. Từ đó, giúp hội viên nâng cao nhận thức, có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, chủ động sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; đồng thời lên án những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như trực tiếp xả rác, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường… Trong năm vừa qua, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; thu gom 160 tấn rác thải; vệ sinh trên 26.000 công trình, giếng nước, hố nước gây ô nhiễm; chăm sóc trên 15.000ha cây xanh… góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.



Hành động nhỏ, hiệu quả lớn
 
Với phương châm bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ, 100% các cấp Hội đã phát động và vận động hội viên phụ nữ thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện VSATTP vì sức khoẻ phụ nữ và cộng đồng” và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình như “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường hoa”,  “Hố xử lý rác thải”, “Nhà tiêu hợp vệ sinh”, “Sạch đồng”... được nhân rộng tại các chi hội, tiêu biểu ở các huyện: Tân Sơn, Lâm Thao, Yên Lập, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì... Toàn tỉnh có gần 3.800 đoạn đường phụ nữ tự quản, trên 7.000km đường hoa do phụ nữ quản lý đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, được chính quyền và người dân ghi nhận, đánh giá cao. 

Phường Hùng Vương là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào thu gom, xử lý rác thải, phế liệu của thị xã Phú Thọ. Thành lập từ năm 2016 với 7 thành viên, Tổ phụ nữ thu gom phế liệu ở khu Phú Liêm đến nay vẫn duy trì hoạt động thường xuyên. Bà Trần Thị Khánh - tổ trưởng tổ thu gom cho biết: Các thành viên trong tổ đều nhiệt tình tham gia thu gom phế liệu trên địa bàn khu dân cư rồi tập trung tại một địa điểm, phân loại theo từng nhóm để bán. Trung bình mỗi tháng, tổ bán phế liệu thu được khoảng 250.000 - 350.000 đồng, ủng hộ vào quỹ để giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng cho các cháu là con hội viên vượt khó học giỏi; đồng thời góp phần giảm tình trạng vứt rác bừa bãi, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường tới hội viên phụ nữ và nhân dân trong khu.
 


Túi nilon, hộp xốp… là những sản phẩm rất tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày nhưng việc sử dụng lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Với những chiếc túi nilon bình thường phải mất đến hơn 10 năm để phân hủy, các loại hộp xốp, vật liệu nhựa khác thời gian đó kéo dài đến trên 50 năm, thậm chí hàng trăm năm. Bên cạnh đó, sử dụng túi nilon đựng thực phẩm trong một thời gian dài sẽ khiến các thành phần hóa học trong túi phát tán, nhiễm vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, để giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, hộp xốp dùng một lần, Hội LHPN tỉnh đã triển khai mô hình “Phụ nữ xách làn đi chợ” tại nhiều huyện như: Lâm Thao, Yên Lập, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì… Các chị, các cô dùng làn để đựng rau, hoa quả, và mang theo hộp nhựa đảm bảo chất lượng để đựng thực phẩm tươi sống như thịt, cá… Giờ đây, việc sử dụng làn nhựa, làn mây khi đi chợ đã dần trở thành thói quen của nhiều người.

Ngoài mô hình “Phụ nữ xách làn đi chợ”, năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng mô hình điểm “Phụ nữ nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần” tại xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì; tặng chai thủy tinh, hộp nhựa đảm bảo chất lượng, sử dụng được nhiều lần cho hội viên; khuyến khích sử dụng các loại túi giấy, túi tự phân hủy và sản phẩm thân thiện với môi tường; hình thành lối sống xanh trong cộng đồng. Sau khi triển khai thí điểm, đến nay, Hội LHPN thành phố Việt Trì đã nhân rộng mô hình tới các phường, xã, từ đông đảo hội viên và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực điển hình tại các phường: Tân Dân, Dữu Lâu, Bạch Hạc, xã Trưng Vương... Chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội LHPN phường Dữu Lâu cho biết: “Hội đã xây dựng mô hình phụ nữ nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần tại 3 khu dân cư, tặng gần 600 chai đựng nước bằng thủy tinh cho các hội viên để hạn chế sử dụng chai nhựa, cốc nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ”. Đến nay, 100% các hội nghị do Hội LHPN các cấp trong tỉnh tổ chức đều không sử dụng chai nhựa, cốc nhựa dùng một lần; 100% cơ quan Hội các cấp không dùng nước uống đóng chai dưới 20 lít. 

Bà Vũ Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Từ những kết quả đã đạt được, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhân rộng các mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương; đặc biệt là mô hình phụ nữ nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhắc nhở mọi người cùng tham gia”.

Các hoạt động bảo vệ môi trường tích cực, hữu hiệu thể hiện vai trò, trách nhiệm cũng như nỗ lực vượt khó của các cấp Hội phụ nữ thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp không phải trách nhiệm riêng và không thể chỉ dựa vào hội viên phụ nữ mà phải có sự vào cuộc, chung tay góp sức tích cực của toàn xã hội. Có như thế, phong trào chống rác thải nhựa cùng các mô hình bảo vệ môi trường mới có sức lan tỏa mạnh, phát huy hiệu quả tích cực, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Mai Hoa
(Dẫn nguồn: http://baophutho.vn/)
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com