Thứ 5 | 18/04/2024

baophutho.vnHội trại văn hóa của các huyện, thị, thành với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nằm trong khuôn khổ các chương trình dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút đông đảo nhân dân, du khách thăm quan, trải nghiệm. Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, hội trại của các huyện, thị, thành còn trưng bày, quảng bá, giới thiệu, bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Nhân viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT, huyện Thanh Ba giới thiệu sản phẩm chè búp tím cho du khách.

Trong không gian các trại văn hóa, nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của mỗi huyện, thành, thị, được bày trí gọn gàng, bắt mắt; những người nông dân xưa nay quen với công việc đồng áng, sản xuất nay lại trở thành những nhà bán hàng say xưa giới thiệu với đồng bào, du khách các mặt hàng tiêu biểu, đặc sắc do đơn vị, cơ sở, hợp tác xã của địa phương làm ra được công nhận OCOP như: Chè xanh, mật ong rừng, thịt chua, bưởi, nón lá, bánh chưng...

Việc giới thiệu, quảng bá để tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương là giải pháp hữu hiệu vừa gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vừa nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn, miền núi. Trên cơ sở đó, trong thời gian diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa- Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 thu hút đông đảo người dân, du khách về Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ mở thêm cơ hội để các địa phương, cơ sở sản xuất giới thiệu, trưng bày, tăng sức tiêu thụ nông sản Đất Tổ.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm được sản xuất từ bưởi như: Tinh dầu, nước hoa, mứt, bưởi quả của huyện Đoan Hùng.

Các địa phương đã lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng để trưng bày, quảng bá trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm nay. Đặc biệt, mang sản phẩm đến hội trại văn hóa, các chủ thể, đơn vị sản xuất mong muốn sẽ quảng bá thương hiệu, bán được nhiều sản phẩm; đồng thời tìm kiếm các cơ hội, đối tác hợp tác sản xuất, tiêu thụ. Bà Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT, huyện Thanh Ba cho biết: “Chúng tôi mang đến sản phẩm đặc trưng của quê hương Thanh Ba là chè búp tím đã được công nhận OCOP 4 sao, hiện đang được Công ty sản xuất theo dây chuyền hiện đại, đa dạng mặt hàng, mẫu mã để phù hợp với nhiều tệp khách hàng. Từ khi trưng bày đến nay, trung bình mỗi ngày, chúng tôi tiêu thụ được 100 hộp chè các loại; trong đó, nhiều khách hàng mới sau khi mua về, sử dụng sản phẩm đã quay lại mua thêm, giới thiệu cho người thân, bạn bè. Dự kiến, trong 10 ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi sẽ tiêu thụ khoảng trên 1.000 sản phẩm; quan trọng hơn, chè búp tím được đông đảo người dân trong, ngoài nước biết tới, mở ra nhiều cơ hội phát triển.”.

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong dịp này, một số địa phương, chủ thể sản xuất đã sáng tạo, linh hoạt trong khâu quảng cáo, bán hàng. Đối với các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồng bào, du khách sẽ được giới thiệu, tìm hiểu quy trình sản xuất, thưởng thức để cảm nhận trước khi mua. Đặc biệt, có những mặt hàng, người mua còn được trải nghiệm thực hành một số công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm, nghề truyền thống... Tại hội trại văn hóa huyện Cẩm Khê, 29 sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Bánh chưng, dầu cọ, mật ong, nón lá... được giới thiệu, bày bán đã thu hút đông đảo đồng bào, du khách tham qua, mua sắm. Nổi bật, sản phẩm nón lá cọ của làng nghề nón lá Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê được rất nhiều du khách nữ mua về sử dụng, làm quà.

Khách hàng trải nghiệm vẽ hình, chữ trên sản phẩm nón lá của huyện Cẩm Khê để ghi lại kỷ niệm về Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Thìn.

Đồng chí Đinh Anh Tuấn - Công chức Văn hóa thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê cho biết: Dù đã được đông đảo người dân trong, ngoài tỉnh biết đến nhưng do xu thế phát triển của thị trường với nhiều mặt hàng thay thế nên thời gian qua, sức tiêu thụ sản phẩm nón lá của làng nghề giảm. Tham gia hội trại văn hóa năm nay là cơ hội để chúng tôi giới thiệu rõ nét hơn đặc trưng của sản phẩm nón lá; đồng thời, một số khâu làm nón lá sẽ được thực hành ngay tại hội trại để khách hàng thấy được sự tỉ mỉ, cẩn thận trong sản xuất các mặt hàng truyền thống. Song hành với đó, phù hợp với yêu cầu của người mua, thành viên trong làng nghề sẽ vẽ màu, chữ lên vành ngoài của nón, vừa để làm đẹp, vừa giúp khách hàng lưu lại kỷ niệm khi về với Đất Tổ, từ đó cũng góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, quê hương Phú Thọ đến người dân, bạn bè quốc tế.

Chị Nguyễn Thị Hồng, du khách đến từ huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội chia sẻ: Tôi rất thích thú khi thăm quan, tìm hiểu, thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ tại hội trại văn hóa. Dịp này, tôi được biết nhiều hơn các mặt hàng nông sản, loại bánh, thực phẩm của quê hương Đất Tổ, qua bàn tay khéo léo của người dân vừa giữ được hương vị, vừa được đóng gói đẹp mắt, phù hợp để mua về làm quà.”.

Ghi nhận thực tế tại khu vực hội trại văn hóa, một số sản phẩm có sức tiêu thụ tương đối nhiều như: Bưởi, mứt vỏ bưởi Đoan Hùng; bánh chưng, nón lá của huyện Cẩm Khê; các loại chè, mỳ gạo, thịt chua... Hội trại văn hóa với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và quảng bá, trưng bày sản phẩm đặc trưng là cầu nối giữa chủ sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; đồng thời kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Phú Thọ nói chung và Lễ hội Đền Hùng nói riêng đến với du khách.

Lệ Oanh
Dẫn nguồn: 
Thêm cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng (baophutho.vn)

 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com