Chủ nhật | 19/01/2025

PhuthoPortal - Ngày 16/1/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND về việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Theo đó, việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên khu dân cư nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở tinh gọn; tập trung, nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu dân cư và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã. Trong quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về quy trình, công khai, dân chủ; tôn trọng và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư; đảm bảo ổn định về trật tự, an toàn xã hội trong và sau sắp xếp.

Quá trình sắp xếp, sáp nhập, đổi tên khu dân cư trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo quy trình, công khai, dân chủ; tôn trọng và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư… (Ảnh minh họa) 

Các khu dân cư thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập, đổi tên 
Các khu dân cư thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập bao gồm các khu dân cư đạt dưới 100% tiêu chuẩn về số hộ gia đình (khu thuộc phường, thị trấn có số hộ gia đình dưới 200 hộ; khu thuộc xã có số hộ gia đình dưới 150 hộ).
Tại đơn vị hành chính cấp xã có khu dân cư trùng tên hoặc khu dân cư chưa thống nhất về tên gọi (theo số thứ tự, địa danh) thì thực hiện sắp xếp, đổi tên khu dân cư cho phù hợp.
Khuyến khích sắp xếp, sáp nhập khu dân cư đạt trên 100% tiêu chuẩn về số hộ gia đình và thực hiện đổi tên khu dân cư theo địa danh để thống nhất tên gọi khu dân cư trong đơn vị hành chính cấp huyện.  

Về tiêu chuẩn để thành lập khu dân cư mới sau sắp xếp, sáp nhập  
Khu dân cư mới được hình thành sau sáp nhập phải đảm bảo có số hộ gia đình đạt từ 100% trở lên so với tiêu chuẩn quy định (khu thuộc phường, thị trấn có số hộ gia đình bằng hoặc trên 200 hộ; khu thuộc xã có số hộ gia đình bằng hoặc trên 150 hộ).
Trong trường hợp chỉ có một phương án sắp xếp, sáp nhập mà không thể có phương án khác để khu dân cư hình thành sau sáp nhập tăng hơn về số hộ gia đình, tiêu chuẩn của khu dân cư hình thành sau sắp xếp có thể thấp hơn so với quy định. 

Các trường hợp không bắt buộc sắp xếp, sáp nhập khu dân cư  
Khu dân cư đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập.
Khu dân cư ở khu vực miền núi có vị trí hoàn toàn biệt lập; nếu sắp xếp, sáp nhập sẽ khó kết nối giao thông thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân.
Khu dân cư có đặc điểm riêng biệt về văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tập quán của cộng đồng dân cư; nếu sáp nhập với khu liền kề khác không thể hòa nhập trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư, không đảm bảo hiệu quả việc tổ chức hoạt động tự quản.  

Lộ trình thực hiện  
UBND xã, phường, thị trấn xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập và phương án sắp xếp, đổi tên khu dân cư; tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân nhận thức rõ về chủ trương sắp xếp, sáp nhập khu dân cư, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong khi tiến hành triển khai thực hiện: Hoàn thành trong tháng 2/2025.
Các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các khu dân cư tiến hành lấy ý kiến cử tri và tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri của các khu dân cư liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên: Hoàn thành trong tháng 3/2025.
UBND cấp xã trình HĐND cấp xã thông qua Nghị quyết về Đề án sắp xếp, sáp nhập các khu dân cư: Hoàn thành trước ngày 15/4/2025.
UBND các huyện, thành, thị tổng hợp, lập tờ trình UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên khu dân cư trên địa bàn: Hoàn thành trước ngày 6/5/2025.
Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND tỉnh việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên khu dân cư trên địa bàn: Hoàn thành trước ngày 20/5/2025.
Thanh Hòa
Kế hoạch số 267/KH-UBND

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com