Thứ 5 | 05/09/2024

baophutho.vnPhát triển kinh tế được xác định là “đòn bẩy” góp phần để các huyện miền núi thực hiện mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn những hủ tục lạc hậu. Dù thay đổi những nhận thức, thói quen truyền đời của một bộ phận người dân không phải là điều dễ dàng, nhưng bằng những chính sách cụ thể, sự tập trung về nguồn lực đã thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Tân Sơn trong việc nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà con dân tộc Dao Tiền ở bản Cỏi, Vườn Quốc gia Xuân Sơn lưu giữ nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong.

Nhận thức chung của cộng đồng
Một trong những nội dung quan trọng của hương ước, quy ước là ghi nhận những phong tục, tập quán tốt đẹp và đề ra các giải pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ những phong tục, tập quán còn lạc hậu, mê tín dị đoan. Đây là tiền đề để 100% khu dân cư trên địa bàn huyện Tân Sơn xây dựng hương ước, trong đó đặt ra một số điều đấu tranh mạnh mẽ để bài trừ hủ tục lạc hậu.

Về xã Thạch Kiệt những ngày này, chúng tôi gặp chị Phùng Thị Toàn - Trưởng khu Minh Nga trong lớp học tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết do Phòng Dân tộc huyện tổ chức. Vừa ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay, chị Toàn cho biết: “Mình phải cập nhật kiến thức mới. Trong trường hợp các quy định của hương ước không còn phù hợp, mình sẽ vận động bà con thay đổi”.

Khu Minh Nga có 145 hộ đều là người Dao, trong đó có 50 hộ nghèo và hộ cận nghèo. Bóng tối của cái nghèo một thời kéo theo biết bao nhiêu hủ tục tồn tại lâu đời ở đây, nổi cộm nhất là tảo hôn. Để thay đổi nhận thức của người dân, chấm dứt tình trạng lập gia đình khi chưa đủ tuổi của thiếu niên người Dao, chị Toàn cùng những người đại diện khu dân cư đề xuất xây dựng hương ước. Trong đó quy định, nếu gia đình nào có con chưa đủ tuổi đã kết hôn, làng sẽ không cho thầy mo đến cúng, cán bộ đảng viên ở địa phương không được đến uống rượu mừng. Từ năm 2022 đến nay, cả khu chỉ còn một trường hợp lập gia đình khi chưa đủ tuổi. Bằng những biện pháp cụ thể, quyết liệt, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Tân Sơn đã được đẩy lùi. Từ năm 2019 đến năm 2021, toàn huyện có 1.419 cặp kết hôn thì chỉ có 20 vụ tảo hôn (chiếm 1,4%), hôn nhân cận huyết thống đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Bên cạnh hành lang hương ước, quy ước chặt chẽ thì vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín rất quan trọng trong việc vận động Nhân dân học tập và thực hiện nếp sống mới. Về Kiệt Sơn, đường nhựa trải thẳng tắp, tối đến điện đường bật sáng trưng, hệ thống camera an ninh lắp từ nhà dân đến đường lớn. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc- đó là niềm tự hào mà đồng chí Hà Thanh Minh - Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kiệt Sơn chia sẻ.

Một trong những kỷ niệm mà ông Minh nhớ nhất trong những năm tháng công tác là đi vận động, xin chữ ký của các xã lân cận để xây trường THPT cho con em địa phương. Những năm 80 của thế kỷ trước, cả huyện Thanh Sơn (khi chưa chia tách huyện) chỉ có 3 trường THPT. Học sinh ở Kiệt Sơn muốn học lên THPT phải đi mấy chục cây số mới tới được trường nên nhiều em nghỉ học, ở nhà lại lấy chồng, lấy vợ sớm. Ông Minh khi ấy là Phó Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn đã đạp xe đích thân đi xin đủ 9 chữ ký của 9 vị chủ tịch xã lân cận cam kết vận động con em trong xã đến trường. Bản cam kết viết tay có 9 chữ ký sau trở thành tiền đề quan trọng để thành lập Trường THPT Thạch Kiệt (tiền thân của Trường THPT Tân Sơn hiện nay).

Ánh sáng của con chữ, học thức đã giúp cho thiếu niên xã Kiệt Sơn nói riêng và huyện Tân Sơn nói chung có động lực vươn lên xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Chất lượng giáo dục đào tạo của huyện không ngừng được nâng cao. Công tác giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề đạt 59,2% (tăng 1,3% so với năm 2023), tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt 31,8% (tăng 0,9% so với năm 2023).

Các trưởng khu dân cư, người dân xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn tham gia lớp học phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Phòng Dân tộc huyện tổ chức.

Xây dựng nếp sống mới

Năm 2022- 2023, huyện Tân Sơn đã dành nguồn vốn sự nghiệp gần một tỉ đồng để đầu tư cho chương trình giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hàng chục lớp tập huấn, chiến dịch truyền thông, tọa đàm, hội thi đã được tổ chức cho hàng trăm lượt cán bộ, trưởng khu dân cư, đồng bào dân tộc tiếp cận về quy định liên quan đến phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện Tân Sơn đã triển khai chương trình trên phạm vi 17/17 xã, 171/172 thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện.

Gặp lại anh Chảo A Chua - Bí thư đoàn khu Mỹ Á, xã Thu Cúc vào những ngày cuối tháng Bảy, anh hồ hởi: Cả khu Mỹ Á bây giờ chỉ còn hai trường hợp kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Bước tiến vượt bậc so với trước đây đấy”. Khu Mỹ Á có 100% dân số người Mông, nơi đây vốn là “điểm đen” về nghèo đói, hủ tục lạc hậu của huyện miền núi Tân Sơn. Huyện đã dành nhiều nguồn lực, sự quan tâm cho bà con nơi đây để họ thoát nghèo, mang đến gam màu sáng tươi vui hơn làng bản nơi lưng chừng núi này.

“Bản Mông bình yên” ở khu Mỹ Á được triển khai từ năm 2021, với lực lượng công an huyện làm nòng cốt đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền cho bà con đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; vận động nhân dân từ bỏ hủ tục, xây dựng đời sống mới, bảo vệ an ninh bản làng. Những thầy cúng, thầy mo vốn đại diện cho cái cũ lại tiên phong vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, học nếp sống mới dưới xuôi. Già làng Sùng A Vang cho biết: “Tôi có 7 người con trai nhưng đến đứa thứ ba, ngoài 20 tuổi tôi mới cho lấy vợ, sinh con. Giờ người dân Mỹ Á cũng không đẻ nhiều con như trước nữa. Đẻ ít còn phát triển kinh tế nuôi dạy con cho tốt”.

Không chỉ tạo dựng nếp sống mới trong văn hóa, lực lượng thanh niên là nòng cốt với phong trào khởi nghiệp. Hiện nay, toàn huyện có trên 10 mô hình khởi nghiệp của thanh niên đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là tín hiệu vui, cho thấy những chính sách phát triển giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa mới đã phát huy hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Xuân Toản- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: “Xóa bỏ hủ tục tồn tại lâu đời trong đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm không dễ, cần phải kiên trì thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với cuộc sống và tâm lý, nhận thức của đồng bào. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy công tác vận động, tuyên truyền là chính, tập trung vào bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhưng cũng mạnh tay xử lý các hành vi cố tình vi phạm pháp luật để răn đe, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những hủ tục lạc hậu, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Với sự tập trung nguồn lực cộng hưởng quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn đang từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, học tập lối tư duy, làm ăn mới để từ đó xóa bỏ hoàn toàn những hủ tục, tạo đà phát triển cho tương lai.
Thùy Trang
Dẫn nguồn: 
Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới (baophutho.vn)

 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com