Thứ 6 | 17/01/2025

       Tỉnh Phú Thọ có rất nhiều các dân tộc cùng chung sống tập trung nhiều nhất là dân tộc Kinh, Mường, Dao, Cao Lan....Mỗi dân tộc đều có những nền văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, giàu bản sắc biểu hiện ở tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán, kho tàng ca dao, tục ngữ, lễ hội truyền thống... góp phần làm phong phú nền văn hóa “Trăm sắc nghìn hương”. Tiêu biểu dân tộc Mường với những giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, đặc sắc hình thành nên bức tranh văn hóa vùng đất Tổ cội nguồn giàu bản sắc. Cùng với thời gian, các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian dân tộc Mường địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện vẫn đang được thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trường tồn cùng với sự phát triển của cộng đồng người Mường, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, cổ vũ động viên đồng bào xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội  địa phương.
      Dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ có số lượng gần 15% dân số tỉnh sống tập trung tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy. Hiện nay, dân tộc Mường đang gìn giữ, bảo tồn nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, đặc sắc được hình thành, trao truyền qua nhiều thế hệ gắn với sinh hoạt cộng đồng dân tộc Mường. Tiêu biểu như:
     Cồng chiêng là nhạc cụ mang giá trị văn hóa quan trọng, được coi là biểu trưng văn hóa Mường, là thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa, gắn bó chặt chẽ với đời sống cộng đồng của dân tộc Mường. Cồng chiêng là từ chỉ chung một nhóm nhạc cụ có hình dáng như chiếc nón ba tầm bằng đồng thau. Người ta thường gọi chung là “cồng”. Một dàn cồng chiêng bao gồm 4 chiếc, 6 chiếc, 8 chiếc nhưng đầy đủ nhất phải là 12 chiếc to nhỏ khác nhau. Một giàn cồng có 6 chiếc là giàn cồng đơn và 12 chiếc là giàn cồng kép. Cồng chiêng được sử dụng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mường như trong các dịp lễ - tết, về nhà mới, đám cưới, đám tang, các nghi lễ cầu mùa ... Cồng chiêng còn được sử dụng trong sinh hoạt đời thường như báo động hỏa hoạn, tập hợp phường săn, đưa tiễn người chết... Khi đánh cồng chiêng, người ta dùng dùi đầu bọc vải hoặc bằng da thú đánh vào núm chiêng. Có 2 cách đánh cồng chiêng: cầm tay và treo trên giá. Trước khi diễn xướng người ta thường xoa nhẹ lên núm và toàn thân chiêng; mở đầu diễn xướng cồng chiêng thường là mấy tiếng chiêng lớn, tiếp đến là chiêng bé. Hòa tấu cồng chiêng có một số bài bản như : Đi đường, Gọi nhau đi hội, Chúc rượu, Chào bạn - giã bạn ... Mỗi bài có giai điệu, tiết tấu âm thanh riêng, biểu cảm nội dung theo tên của từng bài.
       Cồng chiêng là loại hình văn hóa đặc sắc, đầy sức hấp dẫn của dân tộc Mường. Từ bao đời nay, âm thanh cồng chiêng luôn gắn liền với phong tục, tập quán, lễ nghi trong đời sống tâm linh của người Mường. Văn hóa cồng chiêng được sáng tạo và lưu truyền hàng nghìn năm trong đời sống cộng đồng người Mường, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.


      Hát rang là loại hình dân ca phong tục không có hình thức đối ca nam nữ Rang gần với các ca dao và hát lễ nghi vùng Kinh. Hát Rang ra đời khởi nguồn từ trong cuộc sống lao động của người dân, lưu truyền lại theo hình thức truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Nội dung của những lời Rang rất gần với ngôn ngữ giao tiếp, gần với đời sống thường ngày, âm thanh mộc mạc như tâm tình thủ thỉ, nhẹ nhàng mà chan chứa tình người.
       Hát rang thường có 2 loại, một là Rang kể các truyện thơ dân gian, hai là Rang có nội dung của sinh hoạt đời sống hàng ngày như: trong lao động sản xuất, hát mừng nhà mới, hát đám cưới, hát đón lúa, lên nương, vào rừng, hát ru hay hát giao duyên tâm tình nam nữ ... Các câu hát, bài hát Rang tùy theo yêu cầu của người nghe mà mỗi làn điệu, mỗi câu hát có sự dài, ngắn khác nhau, bởi nó phụ thuộc vào tâm tư, tình cảm, vào đối tượng cụ thể mà người hát có thể vận lời nhiều hay ít. Trong đám cưới những giai điệu rang ngân lên như lời nhắn nhủ, dặn dò, cầu chúc cho hạnh phúc lứa đôi, như ước nguyện của đôi bên gia đình mong muốn. Trong dịp về nhà mới câu rang cất lên như lời nhắn nhủ của các bậc sinh thành mừng cho con cái. Trong dịp Tết đến xuân về khi mọi người quây quần bên nhau, vừa chúc rượu nhau vừa hát những câu Rang mừng Tết, mời các cụ tổ tiên trên trời về ăn Tết với cháu con. Trong lao động sản xuất, tuy rang có số lượng bài không lớn nhưng nó chứa đựng nhiều nét đặc trưng điển hình. Mỗi câu hát đều là sự chắt lọc, là câu chuyện kể về những lo toan vất vả của cuộc sống nhưng vẫn toát lên niềm vui hân hoan, niềm tự hào khi được làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời của người dân lao động. Những câu Rang như một thông điệp để con người có thể gửi gắm những điều tốt đẹp, cầu cho mùa màng tốt tươi, thể hiện niềm tin, ước mơ vào một cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
      Hát ví là hình thức hát đối ca nam – nữ. Cách hát ví của người Mường cũng như hát giao duyên của người Kinh, được chia thành các bước như: chào hỏi, mời trầu, xe kết, chia tay... Người Mường thường hát ví trong những ngày vui như: lễ cưới, lễ hội và ở những phiên chợ lớn… Hát ví là lời tự sự, giao tiếp được thể hiện bằng câu hát, khúc trao gửi tâm tình những ý nguyện của con người với con người, của con người với thiên nhiên. Những câu hát thay cho lời chào hỏi, làm quen trong buổi đầu gặp gỡ hay Ví giao duyên là tiếng nói tâm tình của trai gái, thông qua lời ca tiếng hát mà nói lên tâm tình trong sáng và chân thực để rồi đi đến hôn nhân.  Với người Mường, những câu hát ví lời lẽ dân dã mộc mạc, gần gũi gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân.
       Nếu Hát Rang đòi hỏi yêu cầu cao hơn hát Ví. Ca từ của hát Rang phải thành bài, có nội dung phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh của người đang hát. Điệu Ví dễ hát hơn với đặc điểm là hát có đôi, có cặp. Trai gái dùng câu Ví để tâm tình, trò chuyện tìm hiểu nhau. Người hát Ví không chỉ có giọng hay mà còn phải thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, am hiểu văn hóa đời sống thì mới có thể ứng đối nhanh nhạy bằng những câu hát ngọt ngào ẩn chứa nhiều ý tứ sâu xa. Ngoài những làn điệu cơ bản, khi đôi trai gái hát đối với nhau, tùy theo tâm tư tình cảm mà có thể sáng tạo ra nội dung theo  tiếng lòng của mình.
        Đâm đuống hay còn gọi là chàm đuống là nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường, mô phỏng hoạt động giã hạt lúa thành gạo. Chàm đuống có từ thời Hùng Vương. Chàm là đâm từ trên xuống, đuống là máng khoét từ một thân gỗ để giã gạo. Đâm đuống được hình thành từ cuộc sống lao động của đồng bào dân tộc Mường trong quá trình làm nông nghiệp. Từ sinh hoạt thường ngày người Mường đã sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo thể hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người và sự đoàn kết của đồng bào dân tộc Mường mang ý nghĩa cầu chúc mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ.
        Chàm đuống là hình thức đánh vào lòng đuống hoặc thành đuống tạo thành các âm thanh khác nhau theo nhịp nhanh, chậm khác nhau, tạo thành một cuộc hòa nhịp, tạo ra những âm thanh rộn ràng,hòa cùng dàn cồng chiêng tạo thành âm thanh vang động của núi rừng. Diễn tấu chàm đuống được thực hiện bởi một nhóm người, có thể từ 5 người, 7 người, 9 người. Với người Mường, đầu năm là mùa đâm chồi nảy lộc, vạn vật sinh sôi nảy nở; lúc này chàm đuống không chỉ là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn là một việc làm mang ý nghĩa tâm linh quan trọng bởi người Mường tin rằng thực hiện đâm đuống trong những ngày Tết, tiếng đuống của người dân trong bản làng càng vang, càng rộn ràng bao nhiêu thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi điều may mắn sẽ đến nhiều bấy nhiêu
        Múa Sênh tiền là điệu múa dân gian được biến tấu từ cách gõ nhịp nhạc cụ - cây Sênh Tiền. Nhạc cụ này gồm 3 thanh gỗ cứng. Đầu cây Sênh Tiền thêm một quả chuông nhỏ để tạo thành âm thanh rộn rã khi gõ vào nhau. Để làm được loại nhạc cụ này phải mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh tế.  Học múa Sênh Tiền cần đòi hỏi sự tập trung. Khi múa, tay trái cầm 2 thanh có dây nối, tay phải cầm thanh thứ 3. Tay múa còn miệng hát những câu hát về cuộc sống lao động sản xuất của đồng bào mình. Khi múa, các thành viên dàn thành hai hàng, đôi tay nhịp nhàng điều khiển chiếc sênh tiền, đưa lên đưa xuống.  Múa Sênh Tiền có những động tác múa chủ yếu là mô phỏng các nét sinh hoạt trong cuộc sống của người Mường như bê mâm cỗ trong ngày lễ hội, gánh lúa trong ngày mùa, động tác đánh chiêng hay nghiêng mình soi bóng bên dòng suối...
      Khi xem đồng bào biểu diễn múa Xênh tiền người xem như thấy được cuộc sống lao động, sinh hoạt của đồng bào. Điệu múa thể hiện khát vọng, ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xua tan những điều không may mắn để đón nhận nhiều niềm vui mới.
      Múa Trống đu- một diễn xướng văn hóa dân gian độc đáo của người Mường Phú Thọ, thu hút người xem bởi tiếng trống vui nhộn và tạo hình độc đáo. Múa trống đu bắt nguồn từ câu chuyện xúc động được đồng bào Mường kể rằng: Xưa kia có một gia đình nọ đang sống êm ấm, hạnh phúc thì không may người vợ lâm bệnh nặng qua đời. Người chồng rất đau khổ, còn cậu con trai bé nhỏ thì cứ khóc đòi tìm mẹ. Thương con, người cha bèn mua một chiếc trống mang về để đánh cho con nghe, vừa để khỏa lấp đi nỗi nhớ người vợ. Từ đó, chiếc trống trở thành niềm an ủi, gắn bó với hai cha con. Sau này, khi người cha già yếu, người con lại lấy trống ra đánh để mua vui cho cha. Đến khi người cha qua đời, người con múa trống như một cách để tưởng nhớ, tiễn biệt người cha về nơi chín suối. Cảm động trước tình cảm của hai cha con, người dân bản làng đã mô phỏng lại điệu múa như một cách ca ngợi về vẻ đẹp của sự Hiếu - Nghĩa với cha mẹ. Cứ như thế, tục múa Trống đu được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành nét văn hóa gắn bó với đồng bào Mường. Ngày nay, trống đu còn được biểu diễn trong các dịp hội hè, lễ tết của cộng đồng với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, con người mạnh khỏe.
       Mở đầu trình diễn người đánh trống cái ra trước dập trống, hạ thế gõ 3 hồi trống liên tục để người múa ra chào khán giả cùng nhóm múa. Phần múa trống, tung trống là phần trình diễn hay nhất, thể hiện kỹ năng nghệ nhân của người múa trống đu. Khi hồi trống cái thứ hai nổi lên, các thành viên trong đội múa sẽ theo nhịp trống cùng hòa thành một bản “tấu nhạc” đồng thời biểu diễn các động tác múa. Người múa trống đu thường phải là người có sức khỏe, sự dẻo dai, uyển chuyển, khéo léo để thể hiện các kỹ năng trình diễn như: lăn trống, vần trống, tung trống, vê trống, ôm trống, gõ vào tang trống.…Để điệu múa thêm phần vui nhộn, hấp dẫn người trực tiếp múa trống đu thường trang điểm cho gương mặt hài hước giống như anh hề ngày xưa.
     Hiện nay tại tỉnh Phú Thọ, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mường vẫn đang được bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị. Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” được triển khai rộng khắp các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy- nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Mường đang cư trú. Các nghệ nhân, đồng bào Mường được thực hành, trao truyền, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc mình. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, nghệ thuật trình diễn văn hóa dân tộc Mường không chỉ là một phần di sản văn hóa quý giá mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Những nét đẹp độc đáo trong âm nhạc, múa, và trang phục truyền thống của người Mường đang được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả, nhờ vào sự nỗ lực của cộng đồng dân tộc Mường và chính quyền, các cơ quan quản lý văn hóa ở các cấp. Việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật này không chỉ giúp bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo ra những giá trị mới, thu hút sự quan tâm của du khách và xã hội đồng thời nâng cao nhận thức, niềm tự hào, niềm vui, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với quan tâm văn hóa dân tộc./.

Hồng Vân

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com