Chủ nhật | 21/04/2024

baophutho.vn Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua 2/3 thế kỷ, chạm mốc kỷ niệm 70 năm. Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó không chỉ ghi vào lịch sử nước nhà, một mốc son chói lọi bằng vàng, như một Chi Lăng, Bạch Đằng hay Đống Đa của thế kỷ XX mà còn đi vào lịch sử quân sự thế giới.

Cách đây 70 năm về trước, trong điều kiện đời sống quân và dân ta vô cùng khó khăn, thiếu thốn, vũ khí thô sơ nhưng đã làm nên điều kỳ diệu. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cả trong và ngoài nước đều phải công nhận sức mạnh tinh thần là nhân tố đặc biệt quan trọng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu kể chuyện truyền thống cho thanh thiếu niên và cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp từ nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh mang ý nghĩa quyết định. Trên chiến trường, dù thiếu thốn, gian khổ trăm bề, song bộ đội chủ lực, dân quân du kích và dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng. Chuẩn bị bước vào Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận trước giờ nổ súng, nội dung thư có đoạn viết: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh huấn chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới...”.

Vâng lệnh Cha già, các chiến sĩ trẻ đã dồn toàn tâm, toàn ý, chịu đựng gian khổ, hy sinh, anh dũng chiến đấu. Cùng với nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo, tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân đã góp phần củng cố, nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho các chiến sĩ. Cho dù phải chiến đấu dưới mưa bom của không quân và trong lưới lửa của pháo binh địch, bộ đội ta đã anh dũng xung phong, đánh chiếm đồi Him Lam, đồi Độc Lập, tiến công tiêu diệt địch trên những ngọn đồi phía Đông cứ điểm, phát triển trận địa, cắt đứt sân bay, đánh lui các trận phản kích, thắt chặt vòng vây quân địch.

Vừa chiến đấu vừa xây dựng trận địa tiến công, bao vây đánh lấn trên tất cả các hướng, với nỗ lực phi thường không kể ngày đêm, bộ đội ta đã sáng tạo nhiều phương pháp chiến đấu, tiêu biểu như phong trào bắn tỉa, đánh lấn tiêu diệt sinh lực địch, hạn chế sức mạnh hỏa lực địch, triệt dần tiếp tế bằng đường không, làm cho phạm vi chiếm đóng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày càng bị thu hẹp lại... khiến cho tinh thần, ý chí chiến đấu của quân Pháp sa sút nhanh chóng. Qua đó đã xuất hiện những Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt địch ở cứ điểm Him Lam...

Sau 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt ”, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương. Thắng lợi của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ đã làm phá sản kế hoạch Nava, đồng thời làm thất bại âm mưu kéo dài, mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ tại Đông Dương.

Từ Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ xuất hiện một vị tướng tài thao lược là Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà như điểm hẹn của lịch sử đã xuất hiện thêm nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ tài hoa, tạo thành một “binh chủng” góp phần làm nên chiến thắng, tiêu biểu như: Nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Hoàng Vân... Trong đó nhà thơ Tố Hữu được ví như là tượng đài thi ca bất tử về người chiến sĩ Điện Biên, với những câu thơ như viết sử nước nhà: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”; Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí, thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão trong bài thơ: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.

Hay những khó khăn, gian khổ trên con đường lên Điện Biên được nhạc sĩ Nguyễn Thành viết thành bài hát “Qua miền Tây Bắc” hiện lên sinh động qua những giai điệu, ca từ đã cho thấy những nhọc nhằn, gian khó để khích lệ Bộ đội Cụ Hồ phải vượt qua: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua. Bộ đội ta vâng lệnh Cha già, về đây giải phóng quê nhà”; hay tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Hò kéo pháo” cũng vậy. Những ca từ “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi; Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...” đã vượt lên trên ý nghĩa của một bài hát, nó còn là khẳng định sự quyết tâm của quân và dân ta còn cao hơn tất cả và còn là hình ảnh sống động về một thời kỳ chiến đấu oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta. Dưới hầm hào, công sự trận địa bộ đội vẫn truyền tay nhau đọc thơ, học hát những ca khúc cách mạng, tạo khí thế tiến công sôi nổi chưa từng có; cho dù chỉ ăn sắn, ăn khoai, dùng xe đạp thồ chở hàng hay đào hầm, công sự bằng cuốc bộ binh nhưng đã làm cho địch kinh hoàng bạt vía, góp phần làm nên chiến thắng.

 

Mỗi tác phẩm dù là áng văn chương, bài thơ, tác phẩm mỹ thuật, tranh cổ động hay một bài hát của giới văn nghệ sĩ sáng tác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đều hướng về bộ đội và thanh niên xung phong tham gia chiến dịch để động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội và nhân dân quyết tâm đánh đuổi kẻ thù. Qua đó không chỉ góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà còn làm lan tỏa, cổ vũ quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới. Những lời ca, bài thơ đi cùng năm tháng ấy còn là món ăn tinh thần, là “tài sản” vô giá, có giá trị cao về mặt chính trị, tư tưởng để lại cho đến ngày nay và mãi về sau.

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com