Thứ 6 | 28/06/2024

baophutho.vn Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đồng thời là dịp để các gia đình được giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, hướng tới sự phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về một số vấn đề xây dựng gia đình văn hóa, phát triển bền vững.



PV: Thưa đồng chí, Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024, có Chủ đề “Gia đình hạnh phúc- Quốc gia thịnh vượng”, đồng chí có thể cho biết rõ hơn về chủ đề này?

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy: Năm 2024, Chủ đề được chọn để hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”. Đây là thông điệp nhằm khẳng định ý nghĩa, vai trò của mái ấm gia đình đối với sự phát triển của đất nước, xã hội; mang tính giáo dục, nhân văn sâu sắc về trách nhiệm của mỗi công dân đối với xây dựng mái ấm gia đình gắn liền với xây dựng quê hương, đất nước. Qua đó còn nhằm vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng xã hội; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong gia đình, đồng thời nhân rộng các mô hình hiệu quả, mô hình mới về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình.
PV: Tỉnh sẽ có những hoạt động nào để hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy: Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh ban hành kế hoạch về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh căn cứ tình hình cụ thể để lựa chọn hình thức hưởng ứng phù hợp với những hoạt động thiết thực như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua mít tinh, hội thảo, hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể dục, thể thao, các hoạt động giao lưu, hội thi giữa các CLB gia đình phát triển bền vững; vẽ tranh, thi thể thao gia đình gắn với chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình... Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các thông điệp truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thông qua các hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình và công tác gia đình; tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung, gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn.

PV: Xin đồng chí đánh giá khái quát về những kết quả đạt được trong công tác gia đình của tỉnh những năm qua?

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy: Những năm qua, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân vào cuộc một cách tích cực, nghiêm túc. Hàng năm, các cơ quan, đoàn thể và địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc triển khai mô hình xây dựng gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình đã phát huy tác dụng, nhiều vụ bạo lực gia đình được xử lý kịp thời, hiệu quả, tình hình bạo lực gia đình ngày càng giảm, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh luôn đạt mức cao so với mặt bằng chung của cả nước. Năm 2023, Phú Thọ có 378.305/416.635 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 90,8%; 2.182/2.328 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt 93,7%. Toàn tỉnh hiện có 272 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (theo chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); 852 CLB gia đình phát triển bền vững; 1.017 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 1.570 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Nhiều phong trào được triển khai, nhiều mô hình được thực hiện đã góp phần tích cực vào việc giáo dục đời sống gia đình như: Mô hình “Nhóm nhỏ cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình”; mô hình “Tổ phụ nữ không sinh con thứ 3”; mô hình “Góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân” tại thị xã Phú Thọ; mô hình “Giáo dục tâm sinh lý tuổi dậy thì” tại Thanh Thủy; mô hình “5 trong 1” giúp hộ nghèo có địa chỉ, trẻ em suy dinh dưỡng, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình tại Việt Trì; mô hình CLB “Mẹ chồng mẫu mực, con dâu thảo hiền” tại Thanh Thủy; CLB “Nuôi con thành đạt” tại Lâm Thao, mô hình “Mẹ và con gái” tại Việt Trì... Một số phong trào tiêu biểu như: “Xây dựng gia đình nông dân văn hoá” của Hội Nông dân tỉnh; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và chương trình xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh...

PV: Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung quan trọng của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Vậy hiệu quả của việc đăng ký bình xét gia đình văn hóa hàng năm có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy: Hàng năm, việc đăng ký bình xét gia đình văn hóa đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Việc đăng ký và bình xét gia đình văn hóa hàng năm thể hiện sự chủ động của từng hộ gia đình trong phấn đấu thực hiện các tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Kết quả thực hiện và việc tổ chức bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm là động lực thúc đẩy phong trào thi đua thực hiện các tiêu chuẩn gia đình văn hóa; khẳng định các gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tiêu biểu là những tấm gương sáng, mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gia đình vượt khó đi lên, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình văn hóa thực sự là “tổ ấm” của mỗi người, là môi trường văn hóa lành mạnh của xã hội. Những kết quả đạt được cả về bề rộng lẫn chiều sâu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực, làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình văn hóa trong sự nghiệp phát triển quê hương, tạo bước chuyển biến mới trong đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngọc Tuấn (thực hiện)
Dẫn nguồn: 
Tôn vinh giá trị truyền thống gia đình Việt (baophutho.vn)

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com