Thứ 5 | 06/06/2024

     Triển khai dự án hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong các nội dung của Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai giai đoạn 2021-2025.
     Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, gồm hơn 20 dân tộc sinh sống với tổng 58/225 xã ( chiếm hơn 1/4 xã, phường của tỉnh Phú Thọ) thuộc danh sách xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ phân định theo trình độ phát triển giai đoạn 2021- 2025 bao gồm 26 xã khu vực III, 5 xã khu vực II và 27 xã khu vực I, tập trung ở các huyện miền núi Đoan Hùng, Thanh Thủy,Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn. Với quan điểm: Phát triển Văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước, hướng tới mục tiêu: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam. đẩy mạnh xã hội học tập
     Để cụ thể hóa mục tiêu đã đề ra, ngay từ khi Dự án được triển khai, dưới sự chỉ đạo của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với phòng Quản lý Văn hóa và Gia Đình lên kế hoạch khảo sát thực trạng tại các xã trong danh sách được thụ hưởng, làm việc với Phòng văn hóa huyện, Trung tâm Văn hóa, thể thao, du lịch và truyền thông các huyện, UBND các xã, để nắm bắt được địa hình thực tế, nhu cầu về tủ sách, giá sách, vị trí đặt tủ sách cho thuận tiện với việc phục vụ đông đảo nhân dân trên địa bàn; chọn lọc đầu sách các môn loại phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau; Trao đổi, hướng dẫn về nghiệp vụ thư viện với cán bộ văn hóa xã trong công tác bảo quản, lưu trữ và phục vụ. Trong năm 2022 và 2023 đã trang bị hỗ trợ 21 tủ sách cho các xã: Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn, Xuân An, Xuân Viên, Trung Sơn, Đồng Thịnh, Phúc Khánh, Ngọc Đồng, Minh Hòa, Đồng Lạc ( huyện Yên Lập); Yên Lương, Yên Lãng, Yên Sơn, Đông Cửu, Thượng Cửu ( huyện Thanh Sơn); Kiệt Sơn, Tân Sơn, Đồng Sơn, Thu Ngạc, Lai Đồng ( huyện Tân Sơn); mỗi tủ sách cộng đồng được xây dựng với tổng kinh phí là 30 triệu đồng/ xã, gồm 1 tủ sách và 236 bản sách năm 2022 và 284 bản sách năm 2023, với tổng kinh phí là 630 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch thực hiện dự án. Năm 2024, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ 20 tủ sách cộng đồng tới 20 xã thuộc đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí là 600 triệu đồng; Phấn đấu hết năm 2025 sẽ hoàn thiện kế hoạch của dự án hỗ trợ tủ sách cộng đồng tới 58 xã thuộc danh sách xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ phân định theo trình độ phát triển giai đoạn 2021- 2025.

Bàn giao tủ sách cộng đồng tại xã Phúc Khánh

     Có thể thấy hiệu quả của tủ sách cộng đồng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mang lại là tín hiệu tốt cho bước khởi đầu của việc việc lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, vị trí tủ sách được đặt tại hội trường, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, văn phòng một cửa của UBND các xã thuận tiện cho đông đảo tầng lớp nhân dân đến tiếp cận tham khảo, tìm đọc, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí. Qua nắm bắt thực tế tại các xã, sau khi nhận bàn giao  các tủ sách cộng đồng đã nhanh chóng đi vào hoạt động thu hút được sự quan tâm của nhân dân trong xã và là địa chỉ thường xuyên tin cậy cho các bạn đọc yêu sách. Nguồn tài nguyên thông tin phong phú và đa dạng về môn loại, gồm các tài liệu về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Tham khảo các mô hình kinh tế, văn hóa xã hội, thể thao, du lịch; Gia đình và hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Sách hướng dẫn kỹ năng sống, sách văn học, sách thiếu nhi; Hướng dẫn xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; Sách giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số…

Hoạt động của tủ sách cộng đồng xã Yên Lãng

     Các đầu sách được chọn lựa không chỉ có giá trị về lý luận mà còn giúp người đọc có cái nhìn thực tiễn áp dụng vào cuộc sống thường ngày, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa. Từ đó khơi dậy  niềm ham mê đọc sách, học và làm theo sách, lan tỏa tích cực phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoạt động của tủ sách cộng đồng xã Xuân Viên

     Để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, rất cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân cùng tích cực hưởng ứng, tham gia. Ngay sau khi có Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ Tướng Chính Phủ về phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. UBND tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng ban hành kế hoạch 2441/KH-UBND ngày 14/6/2017 về “Kế hoạch Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, xây dựng những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, hướng tới “...Tạo môi trường để người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Duy trì và củng cố các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc; tiếp tục cải thiện môi trường đọc. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân..”. Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ trước mắt của các cấp các ngành, các tổ chức và cá nhân là tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động thư viện từ tỉnh đến cơ sở tới đông đảo nhân dân. Nâng cao ý thức tự giác, ham học hỏi của mỗi người dân trong gia đình và xã hội. Đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc theo hướng thân thiện; Phát triển và nhân rộng các tủ sách cộng đồng trên địa bàn tỉnh; Sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đến hoạt động của thư viện cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các thư viện cơ sở phát huy hiệu quả trong việc phục vụ cộng đồng. Tăng cường công tác xã hội hoá trong hoạt động xây dựng tủ sách, vận động các tổ chức đoàn thể, cá nhân ủng hộ sách báo cho tủ sách… Mong rằng từ những tủ sách cộng đồng được xây dựng, với vốn sách ban đầu được Đảng và Nhà nước quan tâm, sẽ được nhân rộng và ngày càng phát triển. Sách chính là kho tàng kiến thức vô giá về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của nhân loại. Đọc sách là con đường ngắn nhất giúp con người tích lũy được mọi tri thức, kinh nghiệm sống để có thể phát triển bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, lan tỏa tình yêu thương tích cực trong cộng đồng. Vì vậy, quan tâm, phát triển văn hóa đọc chính là nâng cao dân trí, tạo nền tảng quan trọng để phát triển của mỗi một quốc gia./.

                                                               Phạm Phương Thúy
                                                             Thư viện tỉnh Phú Thọ

 

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com