Thứ 4 | 28/04/2021


Giấc mơ đưa Trường Sa về gần hơn với những người dân đất Tổ đã trở thành hiện thực khi những cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa được xây dựng và hoàn thiện . Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Huyện uỷ Cẩm Khê, ở thị trấn và các xã trên địa bàn, Huyện Đoàn đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng các công trình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa bắt đầu từ tháng 12/2020.

Địa điểm xây dựng được lựa chọn là tại các trường Tiểu học và THCS trong huyện. Đây là những công trình ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021) và 80 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh 
(15/5/1941 – 15/5/2021). Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 25 cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa đã được hoàn thành.

Tại trường THCS Sông Thao, thị trấn Cẩm Khê, khi tiếng chuông báo hiệu giờ chào cờ đầu tuần đã tới, các em học sinh trong màu áo đồng phục trắng và áo cờ Tổ quốc nhanh chóng xếp hàng. Quốc ca vang lên, tất cả cùng hướng về lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa ở trước sân trường.

Công trình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa là niềm tự hào của hàng trăm em học sinh tại đây. Các đoàn viên thanh niên thị trấn Cẩm Khê, cô trò, phụ huynh trường THCS Sông Thao và nhân dân địa phương đã đóng góp hơn 30 triệu đồng để xây dựng cột mốc theo đúng thiết kế.

Công trình có chiều cao 4,2m tổng diện tích 48,2m2 được thiết kế với dạng những đường tròn đồng tâm hướng về cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa, thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Ở vị trí trung tâm là hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ tươi, tượng trưng cho Quốc kỳ thiêng liêng của Tổ quốc.

 Trên cột mốc có ghi đầy đủ thông tin về kinh độ, vĩ độ đặt kèm dòng chữ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Đặc biệt hơn, tại cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa của nhà trường được cắm lá cờ đỏ sao vàng được đem về từ đảo đá Đá Lát của Trường Sa, là kỉ vật thiêng liêng mà cô và trò trường THCS Sông Thao được CLB "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" gửi tặng. 

Tại tất cả các địa phương trên toàn huyện, chỉ trong vòng ba tháng từ khi triển khai kế hoạch và vỏn vẹn vài chục ngày từ khi thi công, 25 công trình cột mốc biển đảo Trường Sa đã được khánh thành đúng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3. Tổng kinh phí thực hiện các công trình 100% từ nguồn vốn xã hội hoá, lên tới hơn 600 triệu đồng.

Cẩm Khê là địa phương có số lượng cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa nhiều nhất cả nước hiện nay. Điều này đã thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực của các đơn vị Đoàn cơ sở, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để vận dụng mọi nguồn lực thực hiện kế hoạch. Đây cũng là minh chứng cho lòng yêu nước, trái tim luôn hướng về Trường Sa của nhân dân đất Tổ.

Từ khi được xây dựng tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, các cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa đã phát huy ý nghĩa giáo dục to lớn, truyền đến học sinh các thế hệ lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền biển đảo của đất nước. Cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa còn trở thành nơi sinh hoạt chính trị cho cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường.

 Cụm công trình còn tác động đến toàn diện thế hệ trẻ trên địa bàn huyện. Giờ đây, mỗi em học sinh từ cấp tiểu học đến THCS, THPT đều có thể đọc rõ tọa độ đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tại trường THCS Phú Khê, xã Phú Khê, cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa là nơi các em học sinh thường tìm đến để đọc sách, trò chuyện về lịch sử dựng và giữ nước hào hùng của dân tộc.

 Các em đặc biệt say mê những câu chuyện lịch sử về hai quần đảo ở khơi xa của đất nước – Hoàng Sa và Trường Sa. Các em thuộc lòng toạ độ của đảo Trường Sa được ghi trên cột mốc và nuôi ước mơ tương lai trưởng thành được đến với nơi đây. Từ ngày cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa được khánh thành, các hoạt động giáo dục chủ quyền biển đảo, tình yêu biển đảo quê hương của giáo viên, học sinh nhà trường diễn ra hết sức sinh động, hiệu quả.

Không chỉ giáo dục các em học sinh về kiến thức chủ quyền biển đảo và lý tưởng bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc, những cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa còn là công trình mở ra nhiều hoạt động hướng về biển đảo của các đơn vị trên toàn huyện. Nhiều hoạt động ngoại khóa như tọa đàm, giao lưu, triển lãm tranh chủ đề biển đảo và bộ đội hải quân... được tổ chức.

Các nhà trường tổ chức các lớp học ngoại khóa về biển đảo giúp học sinh cảm nhận sâu sắc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc như lời Bác dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.


Thời gian tới, công trình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương khác trên toàn tỉnh nhằm góp phần giáo dục cho học sinh về chủ quyền biên giới, hải đảo bằng hình thức trực quan sinh động. Từ đó, các em có thể dễ dàng hình dung và tự hào rằng đất nước Việt Nam rất tươi đẹp và rộng lớn. Những chân trời bao la với rừng vàng, biển bạc của Tổ quốc đang chờ đợi các em trưởng thành để tiếp tục gìn giữ, dựng xây.

Trà My
Dẫn nguồn: http://baophutho.vn/







 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com