Kỳ I: Chủ trương lớn - Quyết tâm cao
Lãnh đạo Huyện ủy Cẩm Khê trao đổi với lãnh đạo các địa phương trong huyện về vấn đề sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã.
PTĐT - Nhằm kiện toàn tổng thể các khu dân cư trên địa bàn tỉnh và mục tiêu giảm số lượng thôn, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã và Nghị quyết số 32/NQ của Chính phủ ban hành Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và triển khai sắp xếp, sáp nhập tổng thể các khu dân cư trên địa bàn tỉnh và phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh...
Nhận định về vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ: Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng… Vì vậy, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Là tỉnh miền núi với trên 353.294ha diện tích tự nhiên và gần 1,4 triệu dân số, 13 huyện, thành phố, thị xã với 277 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có 18 phường và 11 thị trấn, 2.887 khu dân cư, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch sắp xếp, sáp nhập tổng thể các khu dân cư trên địa bàn tỉnh và dự thảo phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Theo đó, trong tổng số 2.887 khu dân cư hiện có, căn cứ các tiêu chuẩn theo các thông tư, hướng dẫn của Bộ Nội vụ và qua rà soát thực tế, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.045 khu thuộc diện sắp xếp, sáp nhập. Địa phương có số khu sáp nhập nhiều là các huyện: Hạ Hòa, Đoan Hùng, Lâm Thao và thành phố Việt Trì…
Đối với 277 đơn vị hành chính cấp xã, theo các tiêu chuẩn tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, chỉ có 8 đơn vị cấp xã trên toàn tỉnh (chiếm 2,88%) đạt từ 100% trở lên cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Còn lại các xã chỉ đạt một trong hai tiêu chuẩn; đạt trên hoặc dưới 50% cả hai tiêu chuẩn. Trong đó, có 40 đơn vị cấp xã (chiếm 14,44%) đạt dưới 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, gồm 26 xã miền núi và 14 xã đồng bằng, trung du.
Lãnh đạo thị trấn Hưng Hóa (huyện Tam Nông) trao đổi với bí thư, trưởng khu 1 về sắp xếp, kiện toàn khu dân cư.
Qua quá trình kiểm tra, rà soát tại các địa phương, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, khu dân cư là yêu cầu cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Ông Hà Đức Huynh - Bí thư Huyện ủy Cẩm Khê cho biết: Các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Cẩm Khê có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính và tên gọi. Việc sắp xếp, sáp nhập góp phần làm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã, thành lập các vùng, các khu vực, các xã, thị trấn có quy mô phù hợp để tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả trong việc phát huy mọi nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội…
Còn theo ông Phạm Thanh Tùng- Bí thư Huyện ủy Tân Sơn, việc sắp xếp, sáp nhập góp phần phát triển sản xuất, xây dựng và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương đồng thời có nhiều ý nghĩa thiết thực trong việc phòng chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư. Thông qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, củng cố sức mạnh cộng đồng, tăng cường đầu tư xây dựng công trình phúc lợi xã hội từ cộng đồng dân cư…
Với những ý nghĩa trên đồng thời thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, kế hoạch, phương án của tỉnh, các địa phương trên toàn tỉnh đã đồng loạt rà soát, đánh giá tiêu chí và quyết tâm sớm hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã xây dựng và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, ủng hộ. Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch và phương án thực hiện trên cơ sở rà soát thực trạng về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, xây dựng lộ trình cụ thể cả giai đoạn và từng năm. Trong quá trình sắp xếp, sáp nhập, vai trò của cấp ủy, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các địa phương được đề cao. Việc sắp xếp, sáp nhập cũng được xác định là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu. Để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, các huyện, thị, thành đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng người làm việc…
Tại thành phố Việt Trì- trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, qua rà soát số hộ gia đình, trong tổng số 225 khu hiện có, theo đề án, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập khu dân cư, thành phố Việt Trì sẽ có 176 khu, giảm 49 khu, số lượng người hoạt động không chuyên trách giảm gần 300 người. Trong đó, phường Gia Cẩm là một trong những đơn vị sáp nhập nhiều khu dân cư nhất và tiên phong trong việc triển khai thực hiện đề án. Sau nhiều lần xin ý kiến của người dân, UBND phường đã họp, xây dựng phương án và thống nhất sáp nhập 22 khu thành 12 khu.
Chủ trương lớn - quyết tâm cao, tuy nhiên trong quá trình triển khai tại địa phương, việc sắp xếp, sáp nhập khu dân cư, đơn vị hành chính cấp xã sẽ gặp phải những khó khăn nhất định và nảy sinh những câu chuyện và vấn đề cần lưu tâm…