baophutho.vnToàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân, đưa việc học tập, làm theo Bác thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên...
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của đạo đức cách mạng, luôn nêu gương sáng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta noi theo. Sinh thời, mỗi bài nói, bài viết, một lời căn dặn, một buổi gặp gỡ, công tác của Người đều chứa đựng ý nghĩa tư tưởng, hành động và đạo đức sáng ngời.
Khi bàn về vấn đề đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến rất nhiều đối tượng nhưng chủ yếu Người tập trung vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người xác định, đối với cán bộ, đảng viên điều cần thiết trước tiên là phải có đạo đức cách mạng. Đạo đức cần cho người cán bộ, đảng viên như cây phải cần phải có gốc, nước cần phải có ngọn nguồn, do đó điều trước tiên là phải biết tự mình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Việc tu dưỡng phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, không được sao nhãng, lãng quên, được thực hành trong từng lời nói, việc làm.
Thực tế cho thấy, có những người đã phấn đấu gần hết cuộc đời, có nhiều công lao nhưng cuối đời lại không giữ được tấm lòng trong sáng nên sự nghiệp đổ vỡ vì tham ô, tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” hoặc mắc vào các tệ nạn xã hội... Do vậy, đối với mỗi người nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng, việc tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện liên tục, bằng hành động cụ thể trong mọi sinh hoạt thực tiễn, trong đời tư cũng như đời công, trong học tập, lao động, chiến đấu; trong mọi mối quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn, trong gia đình, nhà trường, xã hội; từ quan hệ bạn bè đồng chí, anh em đến quan hệ tập thể, với cấp trên, cấp dưới, với Đảng, với nước, với Nhân dân.
Trong cuộc sống, mỗi người dù ở từng cương vị, vai trò khác nhau nhưng luôn tự thân đòi hỏi phải biết tự điều chỉnh hành vi của mình để “tu thân, rèn bản lĩnh”. Phẩm chất đạo đức của mỗi người được thể hiện rất cụ thể, phong phú, đa dạng, thông qua hành vi ứng xử, cách giải quyết các mối quan hệ hằng ngày trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đạo đức cách mạng không phải dễ dàng, tự nhiên mà có mà do cả quá trình tu dưỡng, rèn luyện gian khổ.
Có rèn luyện công phu con người mới có phẩm chất đạo đức tốt đẹp và những phẩm chất ấy ngày càng được bồi đắp, nâng cao. Bên cạnh kiên định lập trường, tư tưởng chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thực hiện tốt Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Các cấp ủy Đảng, bản thân mỗi đảng viên cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, từ đó tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tổ chức kỷ luật, thực hiện tự phê bình và phê bình theo tấm gương Hồ Chí Minh...
“Tu thân, rèn bản lĩnh” chính là “phép thử” quan trọng với mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để từ đó làm sáng lên tinh thần đạo đức cách mạng, làm tấm gương cho quần chúng và Nhân dân nhìn vào, noi theo!
Minh Tự
Dẫn nguồn: Tu thân, rèn bản lĩnh (baophutho.vn)